Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 26/9/2016 9:2'(GMT+7)

Nâng đỡ các ý tưởng khởi nghiệp

Mô hình trồng rau an toàn của một doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: TRƯỜNG GIANG.

Mô hình trồng rau an toàn của một doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: TRƯỜNG GIANG.


Cần các trung tâm tư vấn, hỗ trợ

Hiện nay, trong xã hội có khá nhiều cách kinh doanh mới thú vị. Ví dụ như, tại TP Hồ Chí Minh có một doanh nghiệp bán rau quả sạch trên internet. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này theo hai cách: Một là, mua cây giống rồi nhờ doanh nghiệp chăm sóc, đến vụ thu hoạch thì lấy sản phẩm; hai là, mua sản phẩm có sẵn. Tất cả quá trình chăm sóc cây giống, thu hoạch sản phẩm đều được tường thuật trực tuyến trên internet, khách hàng có thể giám sát, từ đó có thể yên tâm về chất lượng nông sản... Những ý tưởng kinh doanh mới như vậy thì tiềm năng thành công là khá cao, có thể thu hút các nhà đầu tư.

Bản chất của khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp theo mô hình của quốc tế là việc kết hợp giữa ý tưởng kinh doanh mới có nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và việc đầu tư biến ý tưởng kinh doanh mới đó thành hiện thực. Từ việc có ý tưởng kinh doanh mới, đến chuyện biến ý tưởng kinh doanh đó thành hiện thực là một khoảng cách khá xa. Nếu chưa đánh giá đủ tính khả thi của ý tưởng mà vội vàng khởi nghiệp, đầu tư vào thì có thể sẽ gặp thất bại.       

Anh Trần Anh, thôn Đồng Tiến, xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), chủ trang trại cung cấp giống bồ câu Pháp và một số vật nuôi đặc sản mang lại lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm chia sẻ, ngoài kiến thức về kỹ thuật chăm sóc thì kiến thức về thị trường là mặt còn thiếu của những người khởi nghiệp như anh. Theo chủ trang trại trẻ 33 tuổi này, những người mới dấn thân vào nghiệp kinh doanh thường “đơn thương độc mã” rất cần sự trợ giúp về kỹ năng tìm thị trường, đánh giá thị trường, xây dựng các kế hoạch phát triển sản phẩm. Đây là những kinh nghiệm thực tế không thể học được qua sách vở.

Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, kiến thức về khởi sự doanh nghiệp là điểm yếu của bất cứ cá nhân nào khi khởi nghiệp. Theo ông Vương, ở Việt Nam chưa có các trung tâm tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp đúng nghĩa. Phần nhiều là những câu lạc bộ do các doanh nhân trẻ tự lập ra để tương trợ nhau. Ông Vương đề xuất cần sớm thành lập các trung tâm hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Những trung tâm này sẽ làm nhiệm vụ giúp đỡ nuôi dưỡng ý tưởng, đánh giá rủi ro khởi nghiệp, kêu gọi góp vốn. “Tốt nhất là nhà nước và tư nhân cùng đứng ra thành lập các trung tâm này”, ông Vương nhấn mạnh.

 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các trung tâm nói trên còn có thể tư vấn pháp lý chuyên biệt về khởi nghiệp. Vừa qua, có điều luật trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã gây những lo ngại cho cộng đồng khởi nghiệp. Nếu được các trung tâm này cho lời khuyên thì doanh nghiệp sẽ thực hiện đúng khuôn khổ luật pháp hơn, tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp.

Tìm cơ chế huy động vốn phù hợp cho khởi nghiệp

Tại các diễn đàn về khởi nghiệp được tổ chức thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải có một cơ chế tài chính đặc thù hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì hoạt động đầu tư khởi nghiệp xuất phát từ những ý tưởng mới, để hiện thực hóa phải có sự quyết đoán, chấp nhận độ rủi ro nhất định, nên việc huy động vốn theo kênh truyền thống là ngân hàng sẽ không dễ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nguồn vốn của ngân hàng rất quan trọng khi tăng tốc khởi nghiệp. Nhưng tùy tính chất, quy mô từng sản phẩm, các ngân hàng sẽ quyết định mức vốn và thời hạn vay. Còn về dài hạn thì doanh nghiệp khởi nghiệp phải sử dụng đồng bộ các nguồn vốn khác từ chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.

Khi đề cập đến vấn đề này trong một hội thảo về tìm nguồn vốn cho khởi nghiệp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đặc thù tài trợ vốn cho hoạt động khởi nghiệp khác với tài trợ vốn cho các hoạt động kinh doanh kể cả giai đoạn ươm tạo, tăng tốc, thương mại hóa vì tính mạo hiểm, do đó tài trợ vốn truyền thống như ngân hàng sẽ không thích hợp. Vì vậy, tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp sẽ trông chờ vào các nhà đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo ông Lê Thanh Tâm, CEO IDG ASEAN, một tập đoàn đầu tư mạo hiểm thì số vốn huy động được để đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn còn khiêm tốn. Suốt 14 năm qua, mới chỉ có 800 doanh nghiệp huy động được số vốn hơn 500 triệu USD. Trong khi đó, ở quốc gia khởi nghiệp I-xra-en, riêng năm 2015, nguồn vốn hỗ trợ cho khởi nghiệp đã đạt hơn 300 triệu USD với đối tượng hỗ trợ cụ thể hơn 1.000 doanh nghiệp. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam do những vấn đề về pháp lý, mức thuế.

Được biết, cách đây 20 năm, I-xra-en đã có quỹ đầu tư khởi nghiệp của Chính phủ. Bây giờ, họ có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Riêng quỹ khởi nghiệp của Chính phủ đã được cổ phần hóa. Tại Hàn Quốc cũng có quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ... Tại sao chính phủ và quỹ đầu tư của nhiều nước lại quan tâm đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, mặc dù có nhiều rủi ro như vậy? Đó là vì rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Mười ý tưởng khởi nghiệp thì có thể có tới 7 ý tưởng “thua”, 3 “thắng” nhưng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, đối với việc thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, khó nhất hiện nay là sự công nhận hiện diện của pháp luật đối với quỹ này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa nội dung các loại quỹ đầu tư này vào Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang hy vọng sự hình thành của một quỹ hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia. Nguồn vốn cho quỹ này có thể một phần từ nguồn vốn Nhà nước để kích thích, còn phần nhiều là từ xã hội. Một số ý kiến lại gợi ý, cần xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt, khả năng thanh khoản và thoái vốn sẽ cao hơn, như vậy nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn trong việc đổ tiền vào doanh nghiệp khởi nghiệp.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, tới đây có thể Chính phủ sẽ tiến hành một số việc như: Một là xây dựng Cổng Thông tin khởi nghiệp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ cho khởi nghiệp. Hai là đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức khởi nghiệp cho xã hội. Ba là xây dựng khung khổ pháp lý cho các chính sách tài chính, tiếp cận tín dụng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp, có các thể chế chính sách liên quan tới thuế, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp. Có chính sách tín dụng sử dụng trí tuệ như tài sản và tăng cường vai trò của ngân hàng thương mại trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp. 

QUỲNH DƯƠNG - NGUYỄN HIỂN/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất