Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 29/8/2008 21:7'(GMT+7)

Nền kinh tế đang tăng trưởng theo hướng ổn định

Trước hết, xu hướng tích cực tiếp tục được ghi nhận trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Nỗi lo nhập siêu đã phần nào giảm bớt khi trong tháng 8, nhập siêu chỉ ở mức 0,9 tỷ USD. Tuy có tăng so với tháng trước nhưng đây lại là tháng thứ ba liên tiếp nhập siêu được duy trì ở mức dưới 1 tỷ USD - mức bình quân cần thiết để tổng nhập siêu cả năm ở con số an toàn là bằng 30% kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, mức nhập siêu của cả 8 tháng đầu nay chỉ xấp xỉ 16 tỷ USD, bằng 36,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi ở thời điểm cuối tháng 7, tỷ lệ này là  lệ 40,7%.

Đây có thể coi là một thành công đáng kể của các biện pháp kiềm chế nhập siêu mà Chính phủ đã quyết liệt thực hiện trong những tháng qua, đặc biệt là việc sử dụng công cụ thuế để hạn chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ. Minh chứng rõ nhất là ôtô nguyên chiếc nhập khẩu đã liên tiếp giảm từ tháng 5, sau ba lần Chính phủ tăng thuế nhập khẩu chỉ trong nửa đầu năm.

Thành tích vượt trội về xuất khẩu cũng là tác nhân quan trọng góp phần vào xu hướng cân bằng cán cân thương mại. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 43,3 tỷ USD, tăng hơn 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với tốc độ nhập siêu được kiềm chế, lạm phát cũng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 1,56% so với tháng 7, dù chịu tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu biên độ lớn. Đây là lần đầu tiên việc tăng giá xăng dầu tác động ít nhất tới thị trường.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam cũng là một diễn biến thuận lợi của nền kinh tế. Không chỉ ấn tượng với con số trên 47 tỷ USD vốn thu hút trong 8 tháng đầu năm, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý là lượng vốn giải ngân đạt mức cao nhất từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài năm 1988 đến nay, với trên 7 tỷ USD.

Cùng với con số này, cả nước còn tiếp nhận thêm trên 1,3 tỷ USD vốn ODA giải ngân, góp phần giải tỏa áp lực lên cán cân thanh toán của nền kinh tế.

Tiến triển tích cực này được dự báo sẽ là xu hướng của những tháng cuối năm khi Chính phủ và các ngành liên quan, các địa phương vẫn đang chung nỗ lực thực hiện triệt để 8 gói giải pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Kế hoạch-Đầu tư và các địa phương tỏ ra mạnh tay với các dự án chậm giải ngân, Bộ Tài chính vẫn theo đuổi chủ trương dùng thuế như một công cụ hữu hiệu để kiềm chế nhập khẩu, tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ không thiết yếu, đặc biệt với những sửa đổi trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được thông qua vào tháng 11 tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí để không tăng giá bán sản phẩm, nỗ lực tăng nguồn cung cho thị trường những tháng cuối năm. Các chính sách tiền tệ được tiếp tục duy trì theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tăng cường cắt giảm đầu tư và chi tiêu công./.

PV-TTXVN

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất