Nơi quán nhỏ trên con phố mới mở Xã Đàn (Hà Nội), bỏ qua những
phút xã giao ban đầu, cuộc trò chuyện nhanh chóng trở nên cởi mở và
thân tình. Nữ trí thức có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so tuổi 54, vẫn giữ
được nét xuân sắc một thời.
Giữa làm giàu và cống hiến, chị đã chọn vế thứ hai để quyết định trở
về. Năm 1991, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích sang Mỹ học chương trình thạc sĩ
theo chủ trương trao đổi giảng viên giữa Trường đại học Tổng hợp Hà
Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) với Đại học Gioóc-giơ Thau (Mỹ).
Thương con còn nhỏ, chị đưa hai bé theo cùng. Chồng chị là quân nhân,
cho nên không thể sang với ba mẹ con. Mười năm học tập và làm việc tại
Mỹ, chị vừa nỗ lực hoàn thành hai chương trình thạc sĩ Quan hệ quốc tế
và tiến sĩ Quản lý, chính sách giáo dục, vừa làm thêm để có đủ chi phí
nuôi hai con nhỏ. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn với nhiều ý
tưởng thông minh trên giảng đường, tần tảo chăm con sau mỗi ngày làm
việc và nhất là gương mặt luôn nở nụ cười, đã để lại ấn tượng tốt đối
với thầy dạy và bạn học. Chị nhớ lại kỷ niệm khi trao bằng tiến sĩ cho
chị, vị giáo sư - người thầy của chị tại Đại học Ô-rơ-gôn đã nói với
mọi người rằng, ông đã được nghe về Bà Trưng, Bà Triệu trong lịch sử
Việt Nam, nay được chứng kiến sự nỗ lực của học trò - một cô gái nhỏ
nhắn đến từ Hà Nội, ông rất cảm phục và tự hào.
Nỗ lực ấy có cả bản lĩnh để chiến thắng cám dỗ vật chất, giữ vững
tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc. Chị kể, hồi đó, một số người gốc
Việt đặt vấn đề cộng tác với điều kiện chị phải viết bài nói xấu Việt
Nam. Thể hiện rõ quan điểm tận trung với Tổ quốc, tại nhiều diễn đàn,
chị thẳng thắn phản đối những điều phi lý, bịa đặt nhằm chống lại Đảng,
Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Minh chứng bằng chính những ưu việt mà Đảng, Nhà nước và Trường đại
học Tổng hợp khi đó đã dành cho trí thức, và chị là một trong số đó để
họ có cơ hội bước ra thế giới. Bằng thành công trên đất Mỹ, chị đã
chứng minh cho họ thấy trí tuệ và nghị lực Việt Nam, nhất là phẩm giá
con người Việt Nam chân chính. Vừa làm nghiên cứu sinh, vừa hoàn thiện
vốn tiếng Anh, chị được Học viện ngôn ngữ Đông - Nam Á Mùa Hè Mỹ mời
giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Dù có nhiều cơ hội ở lại làm việc trong môi trường giáo dục tiên
tiến, với những lời đề nghị hấp dẫn, chị vẫn lựa chọn trở về. Bởi chị
muốn mang kiến thức đã học hỏi và tích lũy được trong mười năm ở Mỹ về
quản lý, chính sách giáo dục; phương pháp dạy học và nghiên cứu khoa
học trong lĩnh vực giáo dục, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới nền giáo
dục nước nhà. Tháng 6-2000, sau hai tuần nhận bằng tiến sĩ, chị đưa hai
con về nước.
- Chị có lường trước những khó khăn? - Tôi hỏi chị. Thật chân tình,
chị bày tỏ: Quả là khó biết trước mọi điều. Về nước, công việc của tôi
chưa ổn định. Hai con khó hòa nhập khi theo học ở hệ thống trường công
lập. Từ những học sinh xuất sắc ở nước ngoài, bỗng nhiên chúng trở
thành "cá biệt" trong lớp, khiến tôi hoang mang. Bàn đi, tính lại,
quyết định xin cho con học trường quốc tế. Được khoảng hai năm, thấy
cha mẹ vất vả lo tiền ăn học, các con bày tỏ nguyện vọng sẽ không học
tiếp đại học và muốn học lái máy bay theo nghiệp của bố.
Bản thân vẫn muốn con cái tự lập và tự lựa chọn nghề nghiệp cho nên
chị đồng ý. Tôi xin trở lại Đại học Quốc gia, khi ấy cũng vừa lúc
Trường đại học Giáo dục thành lập.
Với mức lương khoảng năm triệu đồng/tháng quả là "vấn đề" cho cuộc
sống, thêm vấn đề của cơ chế thi tuyển giảng viên chính cho nên mức thu
nhập của chị "tụt hậu" so các đồng nghiệp, nhưng chị thật sự vui vì
được làm đúng nghề mình đã học, được người học chia sẻ những điều bổ
ích qua bài giảng hay góp ý của chị cho các nghiên cứu khoa học của họ.
"Còn nếu chọn làm giàu, kiếm tiền cho bản thân, có lẽ tôi đã không về
nước".
- Có vẻ như các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm thu
hút đội ngũ trí thức phục vụ đất nước thì nhiều, nhưng thực tế còn
không ít vướng mắc? - Tôi đặt vấn đề. Chị thẳng thắn cho rằng, chính
sách tốt cần vượt ra khỏi những khẩu hiệu chung chung. Để có chính sách
tốt và khả thi cần phải điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề đang
diễn ra trong thực tiễn.
Nhiều năm qua, chúng ta đã để "chảy máu xám" cả trong và ngoài nước.
Nhiều người ra nước ngoài học tập và không trở về vì sự hấp dẫn từ môi
trường học thuật bên ngoài, và còn cả nỗi lo lắng không được chào đón
và đãi ngộ phù hợp.
Có những người vì muốn đóng góp cho đất nước nhưng khi trở về gặp
phải nhiều thủ tục rườm rà, cho nên họ lại quay ra làm cho các tổ chức
nước ngoài ngay trong nước. Nếu không sử dụng và phát triển hiệu quả
đội ngũ trí thức thì đất nước nào cũng khó phát triển bền vững. Tại các
trường đại học danh tiếng của một số nước có nền giáo dục phát triển ở
châu Á như: Nhật Bản, Thái-lan, Hàn Quốc, Xin-ga-po..., giảng viên đều
có bằng tiến sĩ ở Mỹ, Anh, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a...
Điều này vừa bảo đảm chất lượng đào tạo vừa tạo danh tiếng cho nhà trường.
Chia sẻ về thực trạng tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên
như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI đã chỉ ra, trong đó có ngành của mình,
chị suy tư: Giáo dục là nơi để hoàn thiện và phát triển nhân cách, cho
nên những người làm trong môi trường này cần đặc biệt giữ gìn nhân
cách. Tuy nhiên, không ít người đã tìm cách gây khó khăn cho người học,
để người học phải lo lắng, "chạy vạy". Xin học, xin việc, kể cả việc
giảng dạy, đôi khi được chọn vì những yếu tố ngoài năng lực.
"Tôi luôn đối xử công bằng, bình đẳng với mọi đối tượng và thật sự
nghiêm túc, trách nhiệm trong hướng dẫn luận văn, nghiên cứu khoa học
cho sinh viên. Sửa chữa với mục đích khích lệ và cho họ thấy sự nghiêm
túc của học thuật, nếu có khắt khe là vì muốn họ học được cả kiến thức,
kinh nghiệm và phương pháp, tuyệt đối tránh việc gây khó khăn hay tạo
tâm lý lo âu cho người học.
Tôi luôn từ chối việc các học viên hỏi địa chỉ nhà trước khi bảo vệ.
Mọi trao đổi đều được trả lời tận tình qua điện thoại, email. Tôi quan
niệm, tư duy minh bạch sẽ có hành xử công bằng".
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với tinh thần làm
việc không ngừng nghỉ, chị lại cùng những tấm lòng nhiệt huyết tiếp tục
đồng hành với sự nghiệp giáo dục Việt Nam, hướng thế hệ trẻ tới môi
trường học thuật trong sáng và nhiều khích lệ, tạo nền tảng phát triển
vững chắc cho tương lai.