Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 13/11/2014 20:49'(GMT+7)

Ngăn chặn thông tin xấu, độc trong "thế giới ảo"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cuối tháng 8/2014, tên miền tiếng Việt thứ một triệu được đăng ký, minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung, của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội ở nước ta nói riêng. Song, trong sự bùng nổ các trang thông tin điện tử, sự xuất hiện của không ít trang chứa nội dung nhảm nhí, độc hại gây sự lo ngại của dư luận. Nhiều trang web hoạt động nhiều năm mà chưa hề đăng ký, thậm chí còn công khai ghi chú là trang web đang chờ đăng ký.

Có thể nói, việc quản lý các trang thông tin điện tử, phân loại những trang mạng không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống đạo đức của người Việt Nam đang là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng. Càng quan trọng hơn khi mà nước ta có khoảng 36 triệu người dùng internet, trong đó hơn nửa là lứa tuổi thanh thiếu niên. Giới trẻ hiện nay còn thiếu kinh nghiệm, hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng, bắt chước những hành vi tiêu cực từ những thông tin sai lệch, xấu độc trên "thế giới ảo".

Dư luận hoan nghênh nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tăng cường công tác quản lý các trang thông tin điện tử. Nhưng ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông, rất cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, bởi một khi khơi dậy trong toàn xã hội tinh thần phản biện, phê bình những trang mạng xã hội độc hại thì những trang thông tin điện tử sẽ không thể ngang nhiên đăng tải những nội dung câu khách nhảm nhí.

Hiện nay có rất nhiều báo điện tử, những trang thông tin chính thống có nội dung đúng đắn, bổ ích, đang hoạt động. Điều mà chúng ta cần khẩn trương làm là bên cạnh việc tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những trang mạng vi phạm, phải coi trọng quảng bá rộng rãi và thiết kế những trang thông tin điện tử lành mạnh, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. Quá trình này cần duy trì thường xuyên, liên tục, đồng thời với việc giáo dục, định hướng để tạo dựng nhu cầu tìm đọc thông tin lành mạnh, đúng đắn của đông đảo công chúng. Đó là một cách tạo dựng bản lĩnh cho giới trẻ trong xã hội ảo mà các cơ quan thông tin truyền thông cùng mỗi gia đình, nhà trường phải đóng vai trò đi đầu.

Người đọc trẻ hiện nay rất cần có sự định hướng trong việc tiếp nhận thông tin. Đừng vội đổ hết trách nhiệm cho giới trẻ khi mà những người có trách nhiệm chưa giúp đỡ giới trẻ những kỹ năng, kinh nghiệm tiếp nhận thông tin. Giáo dục cho người trẻ biết cách "tiêu dùng" thông tin theo phương pháp đọc phản biện để nhận ra đâu là những giá trị thực sự tốt đẹp, đâu là những điều xấu xa, độc hại trong xã hội thông tin đang bùng nổ là giải pháp hiệu quả, khả thi, nhằm hạn chế tối đa và vô hiệu hóa các trang thông tin điện tử hoạt động phi pháp, độc hại./.

Hàm Đan (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất