Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 12/8/2008 6:7'(GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời phỏng vấn báo chí

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trả lời phỏng vấn báo chí

Phóng viên (PV): Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quan điểm chỉ đạo như thế nào để hài hòa chống lạm phát và đảm bảo giải quyết nhu cầu vốn phát triển sản xuất cho doanh nghiệp?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Trong những tháng đầu năm 2008, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và tình hình kinh tế trong nước diễn biến phức tạp, Chính phủ đã thống nhất xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu” và đề ra 8 nhóm giải pháp để triển khai thực hiện.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành tiền tệ, ngân hàng với các biện pháp chủ yếu như sau:

(1) Rút bớt tiền từ lưu thông thông qua điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc, phát hành tín phiếu bắt buộc; chủ động kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng mức ở hợp lý để kiềm chế mức tăng tổng cầu và giá tiêu dùng.

(2) Đổi mới cơ chế điều hành lãi suất, điều chỉnh tăng hợp lý các mức lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu nhằm tạo hành lang lãi suất phù hợp với định hướng kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng và từng bước đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền.

(3) Điều hành chính sách tỷ giá theo nguyên tắc linh hoạt và có kiểm soát, thông qua mở rộng biên độ mua bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng từ +1% lên +2% ; can thiệp trên thị trường ngoại hối, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và xử lý các hoạt động đầu cơ, kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật trên thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại hối.

(4) Tăng cường hỗ trợ vốn ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ tái cấp vốn khác, tập trung ưu tiên vốn cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia và cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

(5) Tăng cường giám sát thị trường tiền tệ, thiết lập hệ thống thông tin nhanh để đánh giá diễn biến thị trường để có biện pháp can thiệp phù hợp. Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động các TCTD, đặc biệt là các NHTM nhỏ, để chấn chỉnh việc quản trị, điều hành, việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh. Cho đến nay, hoạt động kinh doanh của các TCTD đều đảm bảo an toàn. Hầu hết các NHTM đều có hệ số an toàn vốn lớn hơn mức quy định tối thiểu.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương là nhân tố chủ đạo để kiềm chế lạm phát, như thế cần thiết phải nâng cao hơn nữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng và chức năng Ngân hàng Trung ương (NHTW), hoạt động của NHNN góp phần quan trọng vào việc ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Thông báo kết luận số 191-TB/TW ngày 01/9/2005 của Bộ Chính trị về mục tiêu, giải pháp phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó đã xác định mục tiêu là: Tạo nền tảng để đến sau năm 2010 phát triển NHNN trở thành NHTW hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của các NHTW trong khu vực châu Á.

Với định hướng trên đây, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng theo hướng vừa bảm đảm tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

PV: Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp kịp thời công bố dự trữ ngoại tệ giúp ổn định tâm lý nhân dân và ổn định tỷ giá. Theo quy luật thì về cuối năm nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng. Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trương điều hành như thế nào để ổn định tỷ giá?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Với các biện pháp hạn chế nhập siêu đồng bộ mà Chính phủ đã đang chỉ đạo, dự kiến mức nhập siêu năm 2008 sẽ không vượt quá 20 tỷ USD. Với mức này, các nguồn ngoại tệ bù đắp cho nhập siêu là đảm bảo. Mặc dù theo quy luật thì về cuối năm nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng có thể tăng cao hơn, nhưng hàng tiêu dùng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu hàng nhập khẩu.

Hơn nữa, nguồn cung ngoại tệ vào thời điểm cuối năm nhiều khả năng sẽ tăng do lượng kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dự kiến cũng sẽ tăng. Do vậy, dự báo cung cầu ngoại tệ từ nay đến thời điểm cuối năm là có thặng dư, tỷ giá VND/USD sẽ tương đối ổn định. Trường hợp xuất hiện những dấu hiệu mất cân bằng cung cầu ngoại tệ mang tính nhất thời do tác động của những yếu tố tâm lý, đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng can thiệp để nhanh chóng bình ổn thị trường.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt có kiểm soát, dựa trên tín hiệu thị trường trong khi vẫn duy trì sự ổn định tương đối của tỷ giá nhằm thực hiện mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài và sự lành mạnh của cán cân thanh toán, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

PV: Theo nhiều chuyên gia thì vừa qua, việc thành lập ngân hàng có phần cởi mở, nhất là với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như thế nào trong việc cấp phép thành lập mới các ngân hàng?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hơn 10 năm qua, NHNN đã ngừng cấp Giấy phép thành lập mới NHTMCP để tập trung vào việc củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống các NHTMCP hiện có. Tuy nhiên, do yêu cầu việc tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến thời điểm năm 2006, Việt Nam không thể sử dụng giải pháp không cho phép thành lập ngân hàng mới để hạn chế việc thành lập các NHTMCP như trước đây.

Với quan điểm thận trọng, chặt chẽ trong việc cấp phép, trên cơ sở những thông lệ quốc tế và kinh nghiệm nhiều năm thực hiện công tác cấp phép ở Việt Nam, NHNN đã ban hành Quyết định về việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTMCP (Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN ngày 07/6/2007). Trên cơ sở Quy chế cấp giấy phép đã ban hành, trong 7 tháng đầu năm 2008, NHNN mới chỉ cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Ngân hàng Liên Việt và Ngân hàng Tiên Phong. Hiện 2 ngân hàng này đã đi vào hoạt động.

Bước sang năm 2008, kinh tế thế giới biến động bất thường, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp, do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo: “Yêu cầu NHNN Việt Nam điều chỉnh tiêu chí thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước cho phù hợp. Trong khi chưa ban hành tiêu chí mới, tạm dừng chưa cho phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới.”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam đang tiến hành rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh và bổ sung một số quy định về việc thành lập NHTMCP theo hướng quy định chặt chẽ hơn các tiêu chí cấp phép, đảm bảo các ngân hàng thành lập mới thực sự mạnh về tiềm lực tài chính, có khả năng cạnh tranh cao trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, việc hợp tác về lĩnh vực ngân hàng với các nước ASEAN được thực hiện như thế nào?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam và là một bộ phận quan trọng trong chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá và “láng giềng hữu nghị” của Nhà nước ta vì nó liên quan trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Hơn nữa, hợp tác ASEAN không chỉ bó hẹp trong phạm vi khu vực Đông Nam Á và 10 nước thành viên mà còn liên quan nhiều đến quan hệ và chính sách của các đối tác quan trọng bên ngoài.

Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô thế giới bị suy giảm và có những biến động bất thường, việc tăng cường hợp tác ASEAN sẽ giúp cho các nước ASEAN cùng ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự bền vững và ổn định kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam chia sẻ được kinh nghiệm, giải pháp để đối phó với tình hình lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố hệ thống tài chính tiền tệ.

Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó có việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đối với hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hiện nay, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN đang rà soát lại lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ thông qua năm 2003 và các chương trình hợp tác tài chính khác trong ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa quá trình hợp tác và hội nhập tài chính - tiền tệ trong khu vực. Thông qua kênh Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN+3 (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), các nước ASEAN+3 đang tiếp tục thúc đẩy thực hiện Sáng kiến Chiềng Mai và Sáng kiến Phát triển thị trường trái phiếu châu Á. Đây sẽ là nỗ lực chung nhằm đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế - tài chính tiền tệ của khu vực và góp phần làm vững mạnh hệ thống tài chính - tiền tệ của Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thống đốc.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất