Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Hai, 2/1/2012 9:55'(GMT+7)

Ngành giao thông tập trung ba khâu đột phá chiến lược

Cầu Ngọc Tháp trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Phú Thọ) được hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Ngọc Tháp trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Phú Thọ) được hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tai nạn, ùn tắc giao thông - vấn nạn toàn xã hội

Với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và sự đồng thuận của nhân dân cả nước, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2011 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được mở rộng quy mô, nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện. Mặt khác, một bộ phận người dân ý thức kém, không tuân thủ các quy định về luật lệ giao thông, khiến việc kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) chưa thật sự bền vững, số người chết, bị thương vẫn ở mức cao, TNGT đặc biệt nghiêm trọng còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Tính đến hết tháng 11-2011, cả nước đã xảy ra hơn 12 nghìn vụ, làm hơn 10 nghìn người chết, gần 9.300 người bị thương. Tuy có giảm về số vụ (giảm 356 vụ, tương đương 2,85%) và số người bị chết (259 người, tương đương 2,49%), nhưng mức giảm chưa thật sự rõ rệt. Trong số các vụ tai nạn xảy ra, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan xe chở khách, vận tải công cộng đường dài.

Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong việc khắc phục ùn tắc giao thông hai địa phương; triển khai các giải pháp như: Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; điều chỉnh giờ học, giờ làm việc nhằm giảm lưu lượng phương tiện trong những giờ cao điểm; lập lại trật tự giao thông đô thị, giải phóng lòng đường, vỉa hè bị chiếm dụng; xây dựng hệ thống cầu vượt lắp ghép tại một số nút giao và trục hướng tâm; sử dụng biện pháp mạnh nhằm chấm dứt tình trạng đua xe,... Các giải pháp đều hết sức cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT và hai thành phố. Ðồng thời, Bộ còn chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng một loạt đề án làm cơ sở triển khai trong năm 2012 trên phạm vi toàn quốc nhằm phát huy năng lực vận tải của hệ thống hạ tầng giao thông hiện có và khắc phục tình trạng ùn tắc, TNGT như đề án tổ chức vận tải công-ten-nơ bằng đường sắt, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn,... Tuy nhiên, ùn tắc vẫn xảy ra thường xuyên, hằng ngày tại hai đô thị lớn, còn TNGT có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Ðó là những thách thức, hiểm họa đối với trật tự, an sinh xã hội và có thể coi là "quốc nạn", đòi hỏi Chính phủ, các cấp, các ngành cùng nhân dân phải có những hành động quyết liệt, cụ thể và thiết thực để ngăn chặn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình giao thông

Năm 2011, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn bố trí cho các công trình, nhưng ngành GTVT vẫn thực hiện và giải ngân đạt mức cao. Trong năm, ngành đã hoàn thành và thông xe các dự án quan trọng như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, dự án đường Nam sông Hậu, thông xe các cầu trên quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Năm Căn, cầu Ngọc Tháp, Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Ðà Nẵng. Ðồng thời, khởi công nhiều dự án quan trọng như Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Cổ Chiên, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long (BOT), khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 nối Ðồng Nai với Lâm Ðồng (BT), cầu Vĩnh Thịnh trên đường vành đai 5 Hà Nội,...

Dù được xác định là khâu đột phá để đưa kinh tế phát triển nhanh hơn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý hơn nhưng vốn đầu tư cho giao thông luôn thiếu so với nhu cầu. Nguồn vốn xây dựng cơ bản của Bộ được giao trong năm 2011 thấp hơn so năm 2010 và chỉ đạt khoảng 55% nhu cầu, đặc biệt là vốn cho các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. Vì vậy, nhiều dự án quan trọng, cấp bách, kể cả một số dự án có khả năng hoàn thành năm 2011 cũng không đủ vốn để thi công. Việc phải giãn tiến độ, tạm dừng thi công 116 dự án, tiểu dự án thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đã kéo dài thời gian hoàn thành dự án và phát sinh khối lượng, dẫn đến hiệu quả đầu tư giảm, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình tại khu vực các dự án bị đình hoãn. Việc thiếu vốn đối ứng cho công tác GPMB cũng làm giảm tiến độ thi công của các dự án sử dụng vốn vay ODA. Bên cạnh đó, các dự án bị ngừng đã khiến đời sống, thu nhập và việc làm của nhiều cán bộ, công nhân, người lao động trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp lâm vào tình cảnh rất khó khăn.

Thời gian qua, phần lớn các công trình xây dựng giao thông bị chậm tiến độ, từ khâu chuẩn bị dự án đến thực hiện xây dựng, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan như GPMB chậm trễ, nguồn vốn đầu tư xây dựng không đáp ứng tiến độ của dự án, năng lực, tài chính của các nhà thầu thi công không bảo đảm yêu cầu. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất do công tác điều hành dự án của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Ðể nâng cao hiệu quả, chất lượng các công trình giao thông, Bộ GTVT sẽ tổ chức, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án (PMU), các tổ chức xây dựng giao thông thuộc Bộ quản lý nhằm thực hiện tốt nhất công tác điều hành, thực hiện dự án; đẩy nhanh quá trình đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp trong ngành GTVT để thành lập một số tập đoàn, tổng công ty mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Ðồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, PMU tích cực phối hợp các địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc về GPMB; tăng cường năng lực của các nhà thầu, kiểm tra, rà soát và kiên quyết loại bỏ nhà thầu không đủ năng lực hoặc điều chuyển khối lượng cho các đơn vị khác có đủ năng lực thi công. Tập trung bố trí vốn đầu tư xây dựng cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Bộ GTVT cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư, quy định trong Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng như chính sách về GPMB trong đầu tư xây dựng công trình giao thông. Xây dựng đề án cơ chế đột phá trong huy động vốn để đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong điều kiện giảm đầu tư công; lựa chọn những dự án đầu tư trọng điểm để bố trí kế hoạch vốn, đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư, huy động các nguồn lực phục vụ cho xây dựng công trình giao thông như thực hiện đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP,... kể cả các dự án BOT triển khai khó khăn do thời gian hoàn vốn kéo dài.

Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng nhấn mạnh: Trong năm 2012, Bộ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các công trình, dự án. Những công trình tiến độ "rùa", chất lượng kém, sẽ quy rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm. Năm 2011, trước nhiều khó khăn về vốn cũng như tình hình kinh tế diễn biến khó lường, ngành GTVT vẫn nỗ lực dồn sức giữ nhịp độ tăng trưởng, tiếp tục tạo ra hạ tầng giao thông tốt làm tiền đề vững chắc cho kinh tế cất cánh. Ngành GTVT sẽ phấn đấu tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao rõ nét năng lực của cả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thành các công trình lớn có tính xương sống của chiến lược phát triển; tập trung vào mục tiêu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến huyết mạch, giao thông đô thị, tình trạng quá tải tại các cảng hàng không, cảng biển lớn.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất