Thứ Bảy, 28/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 19/8/2011 16:41'(GMT+7)

Ngành học Công nghệ đa phương tiện hệ đại học đầu tiên ở Việt Nam

Sinh viên của Học viện Công nghệ BCVT trong giờ thực hành.

Sinh viên của Học viện Công nghệ BCVT trong giờ thực hành.

Chương trình đào tạo ngành học này của Học viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và Học viện đã hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo.

Kết cấu của ngành Công nghệ đa phương tiện được chia thành 3 phần cơ bản. Thứ nhất là kiến thức Giáo dục đại cương; phần thứ hai là kiến thức cơ sở cốt lõi về âm thanh, hình ảnh và video, truyền thông đa phương tiện, Internet, Web, đa phương tiện tương tác; thứ ba là kiến thức toàn diện và hiện đại về đa phương tiện, tập trung vào mảng thiết kế và sáng tạo các ứng dụng đa phương tiện tương tác như Web, Games, đồ họa 2D/3D, hoạt hình, phim điện ảnh và truyền hình, âm thanh…

Sự khác biệt của ngành học này chính là khả năng kết hợp kiến thức đa ngành để tạo ra một sản phẩm theo yêu cầu của xã hội. Ví dụ khi theo học ngành Thiết kế sáng tạo đa phương tiện, một sản phẩm làm ra sẽ hội tụ tính chất của nhiều chuyên ngành khác nhau. Theo đó, một sinh viên thiết kế đồ họa sẽ được trang bị cả kiến thức về viễn thông, công nghệ thông tin, điện điện tử, đạo diễn hình ảnh, âm thanh…từ đó một sản phẩm đồ họa được làm ra sẽ tích hợp nhiều ứng dụng.

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có năng lực đảm nhận công việc các vị trí cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo đa phương tiện. Vị trí và vai trò cụ thể của sinh viên tốt nghiệp dự kiến sẽ bao gồm: Thiết kế đồ họa 2D/3D, Thiết kế hoạt hình, Thiết kế Games, Thiết kế/phát triển Web, Thiết kế sản phẩm R&D, Thiết kế giao diện, Tư vấn và thiết kế quảng cáo, nội dung đa phương tiện, Giám đốc kỹ thuật, Sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số…

Tại các nước phát triển, ngành học này đã có từ khá lâu và đây là một ngành học tạo ra một lực lượng lao động chuyên nghiệp đem lại nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hội tụ được những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất.

Theo Tiến sỹ Lê Nhật Thăng, người chủ trì xây dựng chương trình ngành Công nghệ đa phương tiện của Học viện cho biết, cơ sở để triển khai ngành đào tạo mới này đó là hướng đến hiện thực hóa “Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, góp phần đảm bảo yêu cầu đào tạo 250.000 lao động cung cấp cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông.

Chuyên ngành này sẽ tạo ra mô hình, cơ chế liên kết đào tạo giữa các khoa, bộ môn trong một trường và giữa các trường với nhau. Dự kiến trong năm học đầu tiên Học viện sẽ liên kết với khoảng 10 trường đại học trên toàn quốc để đào tạo ngành học này./.
 
(Theo: VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất