Những kết quả khả quan
Những
năm qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết
liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các tổ chức
đoàn thể, các địa phương của cả nước, ngành y tế đã đạt được một số kết
quả đáng khích lệ:
Đổi
mới toàn diện, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ tính
đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, kịp thời
hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người
dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn.
Năm
2012, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số
04/2012/TTLT-BYT-BTC, ngày 29-02-2012, điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước
đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cơ cấu thành giá. Chính
sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có
điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách
thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ
đợi, phiền hà.
Năm
2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số
37/TTLT-BYT-BTC, ngày 29-10-2015, quy định thống nhất giá dịch vụ khám,
chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc,
trong đó tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này đã được
thực hiện vào quý I-2016.
Việc
tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước
cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia bảo hiểm y tế là
bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về
đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch
vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế.
Bộ
Y tế cũng tham mưu để ban hành các chính sách khuyến khích cho y tế tư
nhân phát triển. Hiện nay, trong cả nước có gần khoảng 200 bệnh viện tư
nhân, đáp ứng nhu cầu đa dạng khám chữa bệnh của người dân; khuyến khích
thực hiện kết hợp công - tư, tăng cường nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ
tầng.
Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Cụ thể, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, tình trạng
quá tải các bệnh viện tuyến cuối bước đầu có cải thiện. Tỷ lệ giường
bệnh/vạn dân tăng qua các năm; tỷ lệ chuyển tuyến từng bước giảm.
Ngoài
việc Bộ Y tế được Quốc hội và Chính phủ phát hành trái phiếu gần 55
ngàn tỷ đồng để đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng
trăm phòng khám đa khoa khu vực, bộ mặt cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh,
huyện, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa đã được thay đổi rõ rệt. Ngành y tế
đã huy động các nguồn vốn vay và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám chữa
bệnh tuyến Trung ương, như: Cơ sở 2 Bệnh viện K ở Tân Triều, Cơ sở 2
Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Tòa nhà 15 tầng Bệnh viên Nhi Trung ương,
Trung Tâm Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm ung bướu của Bệnh viện
Chợ Rẫy; Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương,
Bệnh viện Nhiệt đới cơ sở 2, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa
Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế. Xây dựng mới 5 bệnh
viện có thiết kế và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng Cơ sở 2
của Bệnh viện Chợ Rẫy quy mô 1.000 giường bệnh với thiết kế hiện đại;
xây dựng mới gần 1.000 trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia mới, bước đầu
thí điểm xây dựng mô hình bác sĩ gia đình ở 8 tỉnh, thành phố. Những đột
phá về đầu tư kết cấu hạ tầng đã nâng số giường bệnh lên đáng kể. Tình
trạng quá tải đã giảm rõ rệt ở bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế.
Ngành y học Việt Nam đã ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật y khoa
hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao
của người dân. Ngành y tế đã đạt được những thành tựu trong các lĩnh
vực như: ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật,
can thiệp chấn thương chỉnh hình, ứng dụng tế bào gốc,...
Năm
2016, Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất
vaccine, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vaccine cho
chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực
hiện, hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đã được Tổ chức Y tế
thế giới (WHO) công nhận, bảo đảm hành lang pháp lý để vaccine Việt Nam
xuất khẩu.
Công
tác y học cổ truyền được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là châm cứu đã được
bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công tác nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai
thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác
lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao
thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu xuất khẩu đạt giá trị cao.
Công
tác quan tâm phát triển nguồn nhân lực y tế cũng được chú trọng. Số
lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể, số bác sĩ trên vạn dân
tăng từ 7,2 năm 2010 lên gần 8 vào năm 2015, số dược sĩ đại học trên vạn
dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015. Hiện nay, số bác sĩ
trên vạn dân là 8 vào năm 2017.
Đổi mới thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Cụ thể, như tuyên truyền, vận động gắn với Cuộc vận động “Học tập làm
theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn ngành, dùng
đường dây nóng, các thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát
chuyên môn.
Cùng
với sự phát triển tích cực trong nước, ngành y tế Việt Nam đã có những
bước tiến quan trọng trong hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự
phát triển của y tế nước nhà và y học thế giới, nâng cao uy tín và vị
thế của ngành và đất nước trên trường quốc tế. Một số thành tựu nổi bật:
Một là,
Việt Nam đã có những thành tựu trong khống chế các đại dịch toàn cầu,
như: dịch bệnh SARS (năm 2003); thanh toán được bệnh bại liệt (năm
2010). Các dịch bệnh khác như cúm H5N1, H7N9, H1N1, H2N3, Ebola… được
khống chế thành công, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Năm 2013,
Việt Nam được WHO công nhận đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế
Quốc tế (IHR).
Hai là,
Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong các lĩnh vực như:
ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, can thiệp chấn thương chỉnh
hình, ứng dụng tế bào gốc, hỗ trợ sinh sản, tách song sinh, nhãn khoa...
được thế giới đánh giá cao.
Ba là,
Việt Nam là một trong 10 quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc thực
hiện đúng lộ trình các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), đặc
biệt là 5 mục tiêu liên quan đến y tế.
Bốn là,
Việt Nam đã khẳng định thêm một bước hội nhập sâu rộng vào nền y tế thế
giới thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện y tế quốc tế quan
trọng như: Hội nghị Bộ trưởng APEC về cúm gia cầm và đại dịch cúm (năm
2006); Hội nghị các đối tác Liên minh tiêm chủng và vaccine toàn cầu
(năm 2009); Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO (năm 2012); Hội
nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 (năm 2014).
Năm là,
Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cụ thể
Việt Nam đã đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ và cán bộ y tế cho các nước láng
giếng như Lào, Campuchia; đã cử chuyên gia sang giúp đỡ Myanmar sau cơn
bão Nargis năm 2013; đã cử hàng trăm lượt chuyên gia sang các nước châu
Phi chữa bệnh cho người dân và được các nước đánh giá cao. Khi xảy ra
dịch bệnh, Việt Nam cử đội ngũ chuyên gia y tế sang giúp các quốc gia.
Với những đóng góp tích cực, Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch Hội nghị
các Bộ trưởng Y tế ASEAN, thành viên Hội đồng Chấp hành toàn cầu của WHO
và các vị trí quốc tế quan trọng khác.
Khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng
Bên
cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, thời gian qua, hệ thống y tế
của Việt Nam vẫn còn một số hạn chế và thách thức, đó là: Chỉ số sức
khỏe gắn với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền
vững và chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền
và các tuyến y tế; Y tế cơ sở, huyện, xã chưa được đổi mới căn bản về bộ
máy, về hoạt động, về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng và cơ chế tài
chính, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; Đội ngũ y tế còn
thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng; Bộ máy tổ chức phong cách
quản trị y tế và tư duy tài chính đã đổi mới nhưng chưa quyết liệt; Hoạt
động kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất
cập; Văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở chưa thực sự làm cho người
dân hài lòng; Cơ chế tài chính chưa đủ sức thu hút và khuyến khích phát
triển y tế cơ sở; Vẫn còn tình trạng vượt tuyến gây quá tải ở tuyến
trên, lãng phí ở tuyến dưới.
Ngoài
ra, việc quản lý giá thuốc, bán thuốc chữa bệnh cơ bản không có đơn;
tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh còn phổ biến; công tác quản lý
thuốc nam, thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa chặt chẽ; còn tình
trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế; để xảy ra một số sự cố về y tế ở các
tuyến gây lo lắng cho nhân dân; tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao và
không thừa nhận kết quả trong xét nghiệm chung của các cơ sở y tế gây
khó khăn, lãng phí cho người bệnh…
Để khắc phục những hạn chế trên, một số giải pháp được ngành y tế nỗ lực thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất,
triển khai đầy đủ, đồng bộ quy định của pháp luật về công tác khám chữa
bệnh, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục thực hiện các
đề án, các chương trình đã triển khai trong thời gian qua, đồng thời có
các giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài, quyết liệt trong chỉ đạo để
thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực y tế.
Thứ hai,
tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, cơ chế tài chính tại các bệnh
viện; triển khai hiệu quả đề án giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế
công lập, gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; sử dụng có hiệu
quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế, nhất là các bệnh
viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực mới được đầu tư.
Thứ ba,
thực hiện tốt việc phối hợp, lồng ghép giữa các đơn vị y tế, các tuyến y
tế, các chương trình y tế, giữa lĩnh vực điều trị và dự phòng; tăng
cường quản lý và phát huy vai trò của y tế tư nhân, khám chữa bệnh bằng
phương pháp y học cổ truyền. Phát triển, nuôi trồng dược liệu, công
nghiệp dược phẩm để có sản phẩm thuốc tốt cho người dân.
Thứ tư,
tăng cường điều động, luân chuyển, đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế về công
tác tại tuyến cơ sở, công tác đào tạo, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật
cho y tế cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của
người dân tại địa phương, giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung
ương để có kết quả chuyển biến qua từng năm, phấn đấu từ năm 2020 trở đi
không còn tình trạng quá tải ở bệnh viện.
Thứ năm,
thường xuyên kiểm tra, giám sát việc bảo đảm chất lượng dịch vụ khám
bệnh, chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là bằng nguồn bảo hiểm y tế;
triển khai hiệu quả đề án tăng cường năng lực hệ thống chất lượng xét
nghiệm y học, sớm liên thông kết quả xét nghiệm đối với các cơ sở y tế.
Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục hành chính khám bệnh, chữa bệnh và
cơ chế kiểm soát để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực
hiện tốt Quy chế ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người
bệnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi
phạm trong lĩnh vực y tế.
Thứ sáu,
sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu
tư cho y tế; khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế theo quy định của
pháp luật tránh việc lợi dụng để trục lợi. Hoàn thiện các cơ chế, chính
sách liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở nhất là y
tế tuyến huyện, xã theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả thông
qua các mô hình tiên tiến; tăng cường hỗ trợ y tế, khám chữa bệnh với
vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt quy định về thông tuyến nhưng
vẫn phải chú trọng chất lượng của cấp cơ sở.
Thứ bảy,
sớm sửa đổi quy định về đấu thầu mua thuốc biệt dược; thực hiện đầy đủ
quy định của pháp luật, cải cách hành chính về đấu thầu thuốc chữa bệnh
để tiết kiệm chi phí; triển khai các giải pháp để quản lý chặt chẽ giá
thuốc, nhất là việc bán thuốc theo đơn, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu
dược phẩm, vật tư, thiết bị y tế. Phối hợp với các cơ quan kiểm tra,
thanh tra hoạt động quảng cáo dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Thứ tám,
công tác quản lý chi phí, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ
bảo hiểm y tế cần được chú trọng tăng cường. Từ thực tiễn 6 tháng đầu
năm 2017 cho thấy, công tác quản lý Quỹ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế
đang phải đối mặt với áp lực rất lớn, nhất là khi giá dịch vụ y tế có
kết cấu cả phần tiền lương của nhân viên y tế đã được áp dụng tại tất cả
các cơ sở y tế trên toàn quốc, trong khi mức đóng bảo hiểm y tế không
tăng. Do vậy, việc rà soát, đánh giá việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y
tế, công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là cần thiết nhằm khắc
phục những tiêu cực, hạn chế trong vấn đề này.
Thời
gian tới, dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm và đầu tư của
toàn hệ thống chính trị, nỗ lực của toàn ngành, sự tham gia tích cực của
người dân và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, ngành y tế sẽ tiếp tục hội
nhập, phát triển, đóng góp chung vào quá trình hội nhập quốc tế của đất
nước và nâng cao sức khỏe của người dân./.
Hoàng Long/TCCS