Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 10/11/2008 19:52'(GMT+7)

Ngày mai, Bộ trưởng Công Thương sẽ đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Kỳ họp trước. Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn tại Kỳ họp trước. Ảnh tư liệu

 Ngày mai (11/11), Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn đầu tiên ở kỳ họp này đối với các thành viên Chính phủ. Theo ông Trần Đình Đàn - Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn thư ký kỳ họp, tính đến nay đã có gần 300 câu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi tới Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương có tới 49 chất vấn; Thủ tướng có 42 chất vấn,  Bộ Tài nguyên-Môi trường - 29, Bộ Tài chính - 25, Bộ Giáo dục-Đào tạo - 18, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn - 18, Bộ Kế hoạch-Đầu tư - 18, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội - 16, Bộ Y tế - 13, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao - 10, Bộ Giao thông-Vận tải - 9, Ngân hàng Nhà nước - 5.

Dự kiến ngoài Thủ tướng, sẽ có 7 Bộ trưởng tham gia trả lời lần này, gồm Bộ trưởng các Bộ Tài Chính, Công Thương, Tài nguyên-Môi trường, Giáo dục-Đào tạo, Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Những chất vấn gửi tới Thủ tướng Chính phủ chủ yếu là những câu hỏi về chống lạm phát thời gian qua và phục hồi sản xuất; các biện pháp để giúp các DN vừa và nhỏ khắc phục khó khăn; vấn đề  nhập siêu, ô nhiễm môi trường...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dự kiến sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp này sẽ kéo dài trong hơn 2 ngày.

Chiều nay (10/11), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Dự án Luật này đã được các đại biểu Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ, đã có 70 lượt ý kiến phát biểu tại 16 tổ, đa số đều thống nhất với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại về sự cần thiết xây dựng Luật Cơ quan đại diện trên cơ sở tổng kết và nâng cao hai Pháp lệnh và những nguyên tắc cơ bản của 3 công ước quốc tế là Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961, Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 và Công ước Viên về các tổ chức quốc tế có tính phổ cập năm 1975; đồng thời có bổ sung và cụ thể hóa một số nhiệm vụ của cơ quan đại diện để đáp ứng với yêu cầu và thực tiễn của tình hình mới.

Đại biểu Ngô Quang Xuân (đoàn Đồng Tháp) cho rằng đất nước ta đang đổi mới và hội nhập ngày càng sâu, rộng, cũng như nhiều lĩnh vực khác, đã đến lúc bộ máy, cơ chế hoạt động đối ngoại, cơ chế hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng cần phải được xem xét và rà soát lại. Những yếu tố không còn phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là chậm cải cách hành chính sẽ làm cho hoạt động này đạt hiệu quả không cao, gây tốn kém. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về thống nhất quản lý đối ngoại đối với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng.

Thảo luận về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, gồm 3 loại cơ quan đại diện: cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế, một số ý kiến đề nghị đồng tình với thẩm tra của Uỷ ban Đối ngoại, nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và về quản lý nhà nước đối với Cơ quan đại diện bao gồm: Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự, Cơ quan đại diện tại các tổ chức quốc tế.

Một số ý kiến cho rằng trong tình hình hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay, ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế, cơ quan thông tấn, báo chí… thành lập đại diện ở nước ngoài với số lượng và hình thức đa dạng. Vì vậy, trong dự thảo Luật cần bổ sung điều khoản đề cập tới sự thống nhất quản lý nhà nước về vấn đề này. Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) cần cân nhắc bổ sung thêm cụm từ “thành lập” vào phạm vi điều chỉnh vì trong pháp lệnh hiện hành về cơ quan đại diện ngoại giao không có quy định này. Bên cạnh đó, tham khảo nhiều luật khác hiện hành, có liên quan đến tổ chức, trừ Luật Doanh nghiệp, còn lại không có luật nào quy định về nội dung này bởi thành lập cũng là một trong những hoạt động thuộc về khái niệm tổ chức. Việc không bổ sung cụm từ “thành lập” ở phạm vi điều chỉnh bảo đảm sự thống nhất với quy định ở Điều 4 của Dự thảo luật về nguyên tắc tổ chức của cơ quan đại diện. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan đại diện, đại biểu Lê Việt Trường cũng đề nghị cân nhắc chế độ thủ trưởng, làm rõ thêm vì sao đưa nguyên tắc này vào Dự thảo luật trong khi Pháp lệnh hiện hành không có quy định. Đại biểu cho rằng, nếu đưa nguyên tắc này vào Dự thảo luật, sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện vì để bảo đảm đúng chế độ thủ trưởng, mọi thành viên của cơ quan đại diện phải tuân theo nguyên tắc của chế độ thủ trưởng đó là mệnh lệnh và phục tùng. Đặc biệt ở công tác chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, chắc chắn sẽ phải cân nhắc lại.

Trước khi thảo luận về Dự án luật này, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2009 với Tổng thu cân đối ngân sách trung ương năm 2009 là 273.141 tỷ đồng, chiếm 67,6% tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước; Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 130.859 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước; Tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2009 là 360.441 tỷ đồng./. 

(Theo VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất