Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 28/9/2014 15:23'(GMT+7)

Nghị định 86 liệu có lấp đầy “lỗ hổng” quản lý kinh doanh vận tải?

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Vận tải xe khách dưới các hình thức sẽ bị quản chặt chẽ hơn bằng các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo theo hướng tăng cường quản lý điều kiện an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và Nghị định 93/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2002 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị đinh 91 khi thực hiện đã bộc lộ nhiều vấn đề bấp cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đặc biệt là đã xuất hiện nhiều “lỗ hổng” trong quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Vì vậy, việc ban hành Nghị định 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2014 là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng, nhằm siết chặt công tác này, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Nghị định 86 sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước, quy định trách nhiệm cụ thể, kiểm soát và quản lý kinh doanh vận tải.

Cụ thể, Nghị định 86 quy định rõ ràng hơn các điều kiện kinh doanh vận tải. Theo đó, tất cả các xe ôtô kinh doanh vận tải đều phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe taxi, đầu kéo rơmoóc, sơmi rơ moóc kinh doanh vận tải phải hoàn thành trước 1/7/2015, các xe dưới 3,5 tấn phải hoàn thành trước 1/7/2018.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), Nghị định 86 bổ sung nhiều quy định cụ thể trong công tác quản lý như quy định khám sức khỏe định kỳ và tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, người điều hành vận tải của đơn vị kinh doanh; quy định đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô, bến xe khách, bến xe hàng phải xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông phù hợp với những loại hình kinh doanh của đơn vị mình theo lộ trình; từ 1/7/2016, tất cả các xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe.

Ngoài ra, Nghị định 86 cũng sẽ bỏ quy định về giới hạn cự ly xe buýt không quá 60km, để tạo thuận lợi cho các địa phương tổ chức các tuyến xe buýt phục vụ người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Đáng chú ý, vấn đề quản lý xe hợp đồng vốn nhức nhối từ lâu nay cũng sẽ được giải quyết với các quy định mới từ Nghị định 86.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, trước đây tại các Nghị định 91 và Nghị định 93 cho phép các hộ kinh doanh được kinh doanh vận tải mà không có quy định đi kèm dẫn tới đầu mối nhiều, cộng với đó các quy định pháp luật vẫn còn lỏng lẻo, không cấm xe hợp đồng đón trả khách nên xảy ra hiện tượng xe hợp đồng tranh giành khách với xe vận tải liên tỉnh cố định.

Nay, với Nghị định 86 quy định, các đơn vị phải sử dụng mạng máy tính, truyền dữ liệu về Sở, báo cáo cập nhật thông tin về chuyến xe của mình như hợp đồng với tổ chức, cá nhân nào, hành trình xuất phát, dừng, trả khách, thời gian thực hiện.

“Sở Giao thông Vận tải sẽ căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình để hậu kiểm. Như vậy, thủ tục vừa không rườm rà, phát sinh thêm mà lại quản lý được đối tượng này,” ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.

Nghị định 86 còn quy định số lượng phương tiện tối thiểu trên cơ sở điều kiện của từng khu vực. Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300km trở lên có trụ sở tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải có tối thiểu 20 xe; với các tỉnh còn lại sẽ phải có tối thiểu 10 xe; riêng với các đơn vị có trụ sở đóng tại các huyện nghèo thì phải có tối thiểu 5 xe.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam phân tích, lâu nay, kinh doanh vận tải có quy mô rất phân tán, phát triển theo chiều rộng, manh mún nên chất lượng dịch vụ thấp, an toàn giao thông kém, quản lý vận tải rất lỏng lẻo, tỷ lệ hàng hai chiều yếu, quản lý nội bộ doanh nghiệp làm rất đơn giản. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cần quy định rõ quy mô doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải bằng ôtô.

“Chúng ta không thể kéo dài tình trạng mỗi nhà một chiếc xe kinh doanh như thế mãi được. Nó cũng tương tự như trong nông nghiệp, mỗi nhà năm bảy mảnh ruộng sẽ khó đưa khoa học công nghệ, giống mới, quản lý an toàn, vệ sinh trong nông nghiệp vào áp dụng được. Vận tải cũng tương tự thế thôi. Tôi cho đây là tiến trình tất yếu trong quá trình quản lý vận tải đường bộ,” ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông, Nghị định 86 quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ôtô chở khách, loại bỏ tình trạng xe cũ nát.

Ôtô có trọng tải được phép chở từ 10 hành khách trở lên đối với cự ly trên 300km phải có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Đối với cự ly từ 300km trở xuống thì niên hạn không quá 20 năm.

Nghị định cũng quy định xe taxi phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.

Từ ngày 1/1/2016, các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi ở những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phải có tối thiểu từ 50 xe trở lên.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định Nghị định 86 ngoài việc khắc phục những bất cập của thực tiễn, sẽ còn quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành quản lý.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm thống nhất quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, từ đó, Bộ sẽ tổ chức, lập, phê duyệt và công bố quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; Hệ thống các trạm dừng nghỉ trên quốc lộ; Tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định và các quy định khác của pháp luật liên quan. Đặc biệt, Nghị định 86 bổ sung trách nhiệm của các Bộ Công an, Bộ Y tế, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải./.

 (TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất