Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội thông qua 18 luật và 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân
tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan liên quan kịp thời
triển khai thi hành luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8,
bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành
pháp luật, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu
quả; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn
thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị
các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bảo đảm
chất lượng, tiến độ. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên
quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Kế toán, Luật Ngân sách
nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, báo cáo
Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 theo kết luận của Bộ Chính trị, các nghị
quyết của Quốc hội và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội.
Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực
hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực
của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân đã cơ bản hoàn thành
và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân
sách nhà nước năm 2024.
Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng
bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng,
Quốc hội, Chính phủ đề ra, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu trong
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025. Đồng
thời, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong các Báo cáo,
Tờ trình của Chính phủ đã trình Quốc hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối
cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành,
cơ quan trung ương và chính quyền địa phương quán triệt yêu cầu đổi mới
trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trình
ban hành, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đúng
chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập
pháp, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải
phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; kiên
quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của pháp
luật phải mang tính ổn định lâu dài, minh bạch, dễ tiếp cận, thích ứng
với sự biến động của thực tiễn, mang tính hệ thống và chặt chẽ, góp phần
xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa và phát triển.
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát
hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối
cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tiếp tục
triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo
Nghị quyết số 96/2019/QH14 và các nghị quyết khác của Quốc hội. Tiếp tục
rà soát các quy định của pháp luật trong lĩnh vực điều tra, truy tố,
xét xử và thi hành án; đấu thầu, đấu giá, đầu tư xây dựng cơ bản, đất
đai, khoáng sản, tài chính - ngân hàng, xăng dầu, điện... và các lĩnh
vực khác dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tăng cường các giải
pháp hữu hiệu để phòng, chống và đấu tranh có hiệu quả hơn đối với các
loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xâm
hại trẻ em, trốn thuế, khai thác khoáng sản trái phép và tội phạm công
nghệ cao...
Quốc hội quyết nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất
thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại
điểm a mục 1.1 khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc
hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát
triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày
30/6/2025.
Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện
hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của
Chính phủ; giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện
theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các
luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.
Quốc hội đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao Chính phủ chủ động thực
hiện theo quy định của pháp luật, nghiên cứu trình Quốc hội thông qua
điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn
đến năm 2050 trong năm 2025.
Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án
Cảng hàng không quốc tế Long Thành đồng thời thông qua các giải pháp
tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng Công
ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững./.
TTXVN