Chủ Nhật, 29/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 3/9/2011 11:29'(GMT+7)

Người khảm 1.000 bức chân dung về Bác Hồ

Anh Vinh đang tỉ mỉ khắc họa chòm râu của Bác.

Anh Vinh đang tỉ mỉ khắc họa chòm râu của Bác.

 Người đầu tiên nghĩ đến là Bác

Sau vài lần hẹn qua điện thoại, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Vinh tại Bắc Ninh. Anh vừa hoàn thành bức chân dung thứ 1.000 về Bác Hồ ngay tại căn nhà ba gian mộc mạc, đồng thời cũng là xưởng sáng tác của người nghệ nhân trẻ xứ Kinh Bắc này.

Nguyễn Đình Vinh năm nay vừa tròn tuổi 35 nhưng trông anh vẫn có một nét gì đó mà như chính anh nói "rất trẻ con và hồn nhiên". Sau một hồi hàn huyên, Vinh kể, anh sinh tại thôn Ngọ xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội). Điều kiện gia đình ngày trước rất nghèo lại đông anh em nên mới học hết lớp 9, Vinh đã phải bỏ dở ước vọng bút nghiên để tìm một thứ nghề nào đó phụ giúp gia đình.

Hồi ấy, ở Phú Xuyên có nghề khảm truyền thần khá nổi tiếng nên Vinh đã không tính toán nhiều mà ngay lập tức chọn cái nghề rất "ông già" này. Sở dĩ, người ta gọi nghề khảm truyền thần là nghề "ông già" vì "hai cái khó cộng lại". Thứ nhất là phải truyền thần, tức là rất tỉ mỉ để đưa nhân vật vào một tấm đá. Thứ hai là phải thật kiên nhẫn chế tác ngọc trai để khảm dựa trên hình truyền thần ấy.

Tỉ mỉ và kiên nhẫn là hai tính cách khó có ở thiếu niên nên ai cũng e ngại cho sự lựa chọn rất "ông già" của Vinh hồi ấy. Nhưng may mắn đến với anh khi theo học nghệ nhân nổi tiếng Trần Bá Dinh. Trong lớp hàng trăm học trò của mình, thầy Dinh nhận thấy ở Vinh một năng khiếu bẩm sinh khác biệt nên đã nhận cậu là "đệ tử ruột" và truyền dạy thêm các "tuyệt kỹ" trong nghề khảm truyền thần cho cậu bé hiếu học này.

7 năm đằng đẵng, ngồi gù lưng bên chiếc bàn tỉ mỉ học nghề, khi "ra trường", người đầu tiên mà Vinh nghĩ đến để hoàn thành một bức chân dung là Bác Hồ. "Hình ảnh Bác là tiêu biểu để tôi được thể hiện kiến thức và tấm lòng", anh Vinh tâm sự.  


Chòm râu bạc của Bác là vẽ khó nhất

Vậy là Vinh bắt tay vào làm tác phẩm đầu tay về Bác. Ban đầu, Vinh đi tìm hình chân dung của Bác qua các tư liệu, sách báo... sau đó cắt ra và dán rất trang trọng lên một tấm bảng làm việc để anh có thể cảm được tâm hồn bao la của Người.

Một tháng liền Vinh hì hụi ngồi bên chiếc bàn dùng mũi dao nhỏ như chiếc kim khâu tỉ mỉ vẽ từng nét hình chân dung Bác ra một phiến đá nhẵn. Bức chân dung gần như hoàn thành thì Vinh phát hiện chòm râu Bác là điểm cần phải chỉnh sửa. Sau nhiều lần suy nghĩ mà Vinh vẫn không tìm được cách thể hiện cho đạt chòm râu của Bác trên nền phiến đá.

"Tôi mất ăn mất ngủ mới nghĩ ra một "tuyệt chiêu" để vẽ chòm râu Bác Hồ. Đó là mình không vẽ chòm râu mà chỉ khía nhẹ những phần xung quanh thành điểm tối thì tự nhiên chòm râu bạc của Bác sẽ rất nổi bật", anh Vinh cho biết. Vinh thật thà: "Chòm râu của Bác vẫn là khó nhất đối với tôi và tất cả những người làm khảm truyền thần".

Trong nghề khảm truyền thần cũng có khá nhiều triết lý và bí quyết nghề nghiệp. Nhiều nghệ nhân không để lộ "bí kíp" ra ngoài nên rất khó để người khác có thể học hỏi. Nhưng với Vinh, anh dường như không để ý đến điều ấy mà luôn thể hiện cho những ai muốn biết và muốn học hỏi.

"Tôi không bán tác phẩm ấy"

Năm 2007, Nguyễn Đình Vinh bắt tay vào thực hiện một tác phẩm mà theo anh là "độc nhất vô nhị" về Bác Hồ. Đó là bức chân dung khảm Bác trên nền đồng viền đỏ vàng. Khảm ốc nền đồng là một công việc cực khó đối với truyền thần, cần đến những kỹ thuật tinh xảo và một tinh thần tập trung cao độ.

Sau gần một năm kiên trì với bao công sức, Vinh đã hoàn thành bức chân dung ấy về Bác. Tác phẩm đã được dự triển lãm trong dịp kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và được giới chuyên gia đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất về khảm truyền thần.

Sau này, một người bạn và cũng là một đại gia có tiếng ở Hà Nội mượn anh bức chân dung ấy để đem về nhà chiêm ngưỡng. Thấy bạn mượn khá lâu, Vinh mới lọc cọc với chiếc xe máy cà tàng từ xưởng vẽ ở thôn Hoài Trung xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh) lên Hà Nội đòi lại "kiệt tác".

Gặp Vinh, ông bạn kia cứ cười khà khà gạ bán. "Tôi không bán tác phẩm ấy", Vinh trả lời. Nhưng ông bạn kia nhất định không trả với lý do: "Chân dung Bác đẹp quá nên phải treo ở đấy". Vinh đành lắc đầu ra về và từ đó đến nay, đã mấy lần Vinh lặn lội đến đòi hình chân dung Bác nhưng đều bất thành.

Ai muốn theo nghề không?

Trở thành nghệ nhân trẻ với hàng chục tác phẩm được xếp hạng "Sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt" với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo nên anh Vinh có khá nhiều người từ khắp nơi kéo đến xin làm "đệ tử".
 

Vinh không ngần ngại để truyền nghề cho người khác nhưng khổ nỗi: "Được ba bảy hai mốt ngày là các "đệ tử" khăn gói ra đi không lời từ biệt chỉ vì không đủ kiên nhẫn theo nghề". Trong nghề khảm truyền thần, chỉ cần sểnh một mũi dao nhỏ là coi như cả tác phẩm phải bỏ đi. Nhiều học viên sắp hoàn thành tác phẩm bỗng "ngoẹo" mũi dao đi một chút thì "vứt cả một tháng trời" xuống sông xuống bể. Đã qua rất nhiều năm làm "sư phụ" nên anh Vinh cũng có không ít các "đệ tử" kiểu ấy.

Nhiều lúc ngồi một mình, anh Vinh lại bần thần buồn về nghề. Buồn một nỗi, nhiều người chạy theo thị trường mà làm "biến dị" nghề khảm truyền thần. Nỗi buồn thứ nữa là lớp trẻ rất ít người có thể theo được nghề này. "Tôi từng phải đi kêu gọi ở quê mình rằng, có ai muốn theo nghề không? Nhưng chẳng ai muốn theo nữa, không lẽ nghề khảm truyền thần sắp mất?", anh Vinh trăn trở.
 

Nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh cho biết, sắp tới anh sẽ hoàn thành tác phẩm "Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập".

Trong tác phẩm ấy sẽ kết hợp tiến bộ khoa học kỹ thuật, lắp đặt bộ cảm biến âm thanh lên chiếc micro để mọi người cùng được nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

 
Trần Hòa/KH&ĐS
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất