Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 10/8/2010 21:44'(GMT+7)

Người phát ngôn Báo chí

Một buổi họp báo (Ảnh minh hoạ).

Một buổi họp báo (Ảnh minh hoạ).

Cách đây ba năm, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 77/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Giới báo chí phấn khởi vì Quy chế đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí, giúp các nhà báo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các nguồn tin chính thống. Mỗi khi xuất hiện những sự kiện nóng, nảy sinh những tình huống phức tạp, những vấn đề nhạy cảm, các tổ chức, cá nhân có liên quan đã chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khá kịp thời, đầy đủ, chính xác, qua đó giúp các cơ quan báo chí định hướng tốt dư luận và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, không phải lúc nào người phát ngôn cũng sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí. Trong nhiều trường hợp, trước những vụ việc nhạy cảm, báo chí vẫn phải “dò dẫm” tìm kiếm, khai thác thông tin từ các nguồn khác, mà không phải từ nguồn chính thống của các cơ quan liên quan và những người có trách nhiệm. Một số thông tin đưa ra từ các cơ quan hữu quan và người phát ngôn chưa đáp ứng sự mong đợi của báo chí và công chúng. Nhiều khi có cảm giác bản thân người phát ngôn cũng chưa nắm chắc thông tin về bản chất sự việc. Một số tổ chức và cá nhân có thẩm quyền vẫn ngại ngần, thậm chí không muốn hợp tác, tiếp xúc với báo chí. Trong khi đó, vẫn còn không ít nhà báo không đủ kiên trì để đợi người phát ngôn lên tiếng nên chấp nhận đưa lên báo những thông tin thiếu chính xác...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản được Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Trung chỉ ra là: Trong khi rất ít cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế, thì khá nhiều nơi vẫn tổ chức phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí với nội dung còn chung chung, cách làm chiếu lệ, tính thuyết phục chưa cao. Bên cạnh đó, cơ chế người phát ngôn kiêm nhiệm (thường là chánh văn phòng) có lúc, có nơi chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả và thời hạn phát ngôn còn bị động; thậm chí có nơi cố tình lảng tránh những vấn đề xã hội bức xúc mà dư luận đang quan tâm và đòi hỏi những người trong cuộc phải có câu giải đáp kịp thời, thỏa đáng.

Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là một hình thức công khai hóa, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan liên quan và những người có trách nhiệm. Việc duy trì thành nền nếp và thực hiện tốt quy chế này vừa tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy; vừa ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thông tin rối ren, phức tạp vốn rất dễ nảy sinh trong một xã hội thông tin bùng nổ. Bài học thực tiễn đã chỉ ra: Khi có vấn đề phức tạp, nhạy cảm, nếu các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không kịp thời phát ngôn và cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí thì có thể dẫn đến “hệ quả kép” là: Cơ quan báo chí, nhà báo dễ mắc sai sót do thiếu nguồn tin chính thức và nỗi “hoài nghi” về sự minh bạch của tổ chức, cá nhân liên quan càng gây thêm căng thẳng, bức xúc trong dư luận.

Để báo chí phát triển lành mạnh và không bị “chệch hướng”, các cấp, các ngành, các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và tôn trọng, đáp ứng những nhu cầu thông tin chính đáng, thiết yếu, kịp thời của báo giới và công chúng. Mặt khác, muốn có những thông tin nhanh nhạy, chính xác, toàn diện để phục vụ công chúng, các cơ quan báo chí và nhà báo cũng cần chủ động xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên, chặt chẽ, có trách nhiệm với cá nhân, cơ quan phát ngôn để khi tình huống phức tạp xảy ra, hai bên có sự trao đổi kịp thời và hiệu quả nhất./.

(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất