Ánh mắt ngời sáng, người phi công già đã ở tuổi 83, vẫn sôi nổi kể lại kỷ niệm những chuyến đi đầy nguy hiểm, khó khăn trên bầu trời mặt trận Lào ngày đó.
Khi tuổi đời còn rất trẻ, 25 tuổi, chàng phi công Trần Văn Nam thuộc Trung đoàn 919 đã tham gia làm nhiệm vụ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Đại tá Trần Văn Nam, cựu phi công Trung đoàn không quân vận tải 919 nhớ lại: “ Năm 1960, khi tình hình Lào có nhiều biến động, Trung đoàn 919 của chúng tôi được Chính phủ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ lập cầu hàng không vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, chuyên chở thương binh, đưa đón cán bộ chính phủ và quân đội Lào…đến các sân bay được giải phóng.
Lực lượng không quân vận tải Việt Nam lúc bấy giờ còn rất non trẻ, mới thành lập ngày 1/9/1959 chủ yếu trên cơ sở hai đoàn cán bộ, chiến sỹ được đào tạo ở Trung Quốc và Liên Xô về.
Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng toàn đội bay đều xác định việc tham gia chi viện cho cách mạng Lào cũng là cơ hội để chúng tôi rèn luyện nâng cao trình độ bay.
Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng tham gia vận chuyển quân đoàn 2 của bộ đội Pathet Lào về nước, tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho chiến trường.
Sau khi quân tình nguyện Việt Nam và quân đội nước bạn Lào giải phóng được tỉnh Houphanh, Cục Hàng không đã cử một tổ chuyên gia khảo sát, sửa chữa, dọn đường triển khai máy móc, thiết bị để chuẩn bị tiếp thu máy bay hạ cánh tại sân bay Sầm Nưa.
Phải nói một chút về sân bay Sầm Nưa, người phi công già trầm giọng kể, lúc đó đây là một sân bay dã chiến của thực dân Pháp xây dựng, có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, đường bay ngắn và hẹp. Trước đây nhiều máy bay của Pháp đã bị phơi xác nằm cuối đường băng do tai nạn khi hạ cánh.
Ngày 11/12/1960, máy bay của Trung đoàn chúng tôi cất cánh từ sân bay Gia Lâm đã hạ cánh an toàn xuống sân bay, lập cầu hàng không vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực, thuốc men và chuyển thương binh từ mặt trận về điều trị.
Sau khi lập được cầu hàng không Sầm Nưa-Gia Lâm, trung đoàn 919 tận dụng tất cả các tổ đội, sử dụng sân bay Gia Lâm, sân bay Nà Sản và sân bay Điện Biên để chi viện cho cách mạng Lào.
Liên tiếp sau đó, Quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào giải phóng nhiều địa phương, trong đó có sân bay dã chiến Vang Viêng, sân bay Cánh đồng Chum, sân bay Hứa Mường.
Cứ mỗi sân bay được giải phóng, các tổ bay Li-2, IL 14 đã liên tục vận chuyển, tiếp tế cho quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Pathet Lào.
Năm 1962, chiến dịch giải phóng Nậm Thà (Thượng Lào), chiến dịch ác liệt nhất và quyết định nhất để giải phóng đất nước Lào khỏi ách thực dân diễn ra, toàn bộ lực lượng không quân vận tải 919 tập trung làm nhiệm vụ chi viện từ sân bay Nà Sản (Điện Biên) sang sân bay Nậm Thà.
Mấy tháng trời ròng rã liên tục, các tổ bay vượt mọi khó khăn, nhiều lúc chở hàng sang, sân bay bạn không có người dỡ hàng, tổ bay phải tự bốc hàng xuống để kịp hàng cho chuyến sau. Những người phi công chỉ kịp uống vài ngụm nước, ăn vội ống cơm lam do các bà mẹ Lào mang tặng rồi gác lại mọi mệt mỏi, sẵn sàng cho chuyến bay mới.
Giữa năm 1962, toàn vùng Nậm Thà (Thượng Lào) đã hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này ghi dấu những đóng góp đắc lực của toàn bộ những người lính của Trung đoàn 919.
Tôi không bao giờ quên những lời khen ngợi của Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng đối với không quân chúng tôi khi đó khi tổng kết Chiến dịch Nậm Thà, Đại tá Trần Văn Nam tự hào kể, “Không quân Việt Nam mới ra đời, còn rất non trẻ nhưng rất mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường, góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng của chiến dịch.”
Bức ảnh vô giá
Tổ bay Li 2 của cựu phi công Trần Văn Nam trong lần đón Chủ tịch Souphanouvong và phu nhân từ Sầm Nưa về Hà Nội đầu năm 1962. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lật giở từng trang trong những cuốn album ảnh được ông xếp cẩn thận cùng những tấm huân, huy chương ghi dấu gần 40 năm quân ngũ, Đại tá Trần Văn Nam chỉ vào một bức ảnh: “Đây là một báu vật mà tôi đã trân trọng giữ gìn nó suốt những năm qua vì nó gắn liền với một kỷ niệm trong nhiều chuyến bay chở các lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Lào, trong đó có Hoàng thân Souphanouvong.”
“Trong một chuyến bay vận chuyển hàng từ sân bay Nà Sản sang sân bay Mường Sài, nhận lệnh đột xuất của cấp trên, tổ bay Li-2 số 61626 gồm Trịnh Hồng Thuận, Nguyễn Đức Hiền, Nguyễn Cảnh Phiên, Phạm Khang và tôi khẩn trương bay về sân bay Sầm Nưa đón khách quý của Lào.
Hạ cánh tại sân bay, chúng tôi mới biết tổ bay được đón Chủ tịch Lào Souphanouvong.
Khi cơ trưởng báo cáo: “Chúng cháu vừa bay chở hàng về, máy bay không có ghế mềm và hơi bẩn nhưng đã chuẩn bị tốt, mong đoàn thông cảm,” Chủ tịch Souphanouvong nói: “Bác và đoàn cần về Hà Nội làm việc gấp, được các cháu đón bằng máy bay thế này là tốt lắm rồi. Đi với các cháu Không quân Việt Nam nhiều lần rồi nhưng chưa có điều kiện, hôm nay có cán bộ mang máy ảnh, bác và phu nhân chụp một kiểu ảnh với tổ bay để làm kỷ niệm.”
Và chúng tôi đã lưu giữ bức ảnh đó như một kỷ vật quý giá về tình hữu nghị Việt Nam-Lào anh em.
Hồi tưởng lại những lần vinh dự được chở Hoàng thân, Đại tá Trần Văn Nam cho biết ông rất ấn tượng với phong cách giản dị của Chủ tịch, dù xuất thân từ Hoàng gia nhưng Ngài rất gần gũi quần chúng. “Tác phong giản dị, nhanh nhẹn của Chủ tịch Souphanouvong khiến tôi cảm thấy không khác mấy so với Bác Hồ,” ông Nam tâm sự.
Tình sâu nghĩa nặng
Trong rất nhiều kỷ niệm về tình cảm quân dân Việt-Lào, một sự cố ở sân bay Sầm Nưa khiến Đại tá Trần Văn Nam nhớ mãi.
“Được tiếng là sang Lào nhiều lần nhưng với cánh lính “bay vận tải” chúng tôi, sự hiểu biết về con người và đất nước Triệu Voi cũng chỉ dừng lại ở những sân bay Sầm Nưa, Mường Sài… và những cuộc trò chuyện ngắn với bộ đội Pathet Lào. Song có một sự cố hy hữu đã xảy ra với chiếc phi cơ đã giúp tôi có được dịp tiếp xúc với người dân Lào” - ông Nam hồi tưởng.
Đó là một buổi trưa đầu năm 1961 tại sân bay Nầm Sưa, sau chuyến bay chở bộ đội Pathet Lào từ sân bay Nà Sản sang, chúng tôi đang chuẩn bị cho chuyến bay về, vừa kiểm tra máy móc, vừa chuyển các thương binh lên máy bay.
Chuyến bay đặc biệt đón khách Lào về Hà Nội ngày 21/12/1960. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Công việc đang diễn ra khẩn trương bởi lưu lại ở đây giờ nào là không an toàn giờ đó. Khi mọi việc đâu đã vào đó, tổ trưởng chuẩn bị lệnh cho máy bay cất cánh thì bất ngờ một chiếc dù trắng phủ kín cả mặt kính khoang lái, động cơ rú lên một tiếng, ngay lập tức chỉ huy hô “tắt máy.”
Thì ra là một chiếc dù hàng của máy bay khác bị gió thổi lệch hướng sang và rơi xuống đúng máy bay của chúng tôi.
Trước sự cố đó, chúng tôi phải khẩn trương xử lý để tránh trường hợp bay khi trời tối. Nhưng khó ở chỗ là ở vị trí này không thể dùng lửa để đốt dây dù được, chỉ còn cách dùng dao con, khứa đứt từng sợi một, dù lâu một chút nhưng an toàn.
Trong lúc chúng tôi đang hì hục với mớ dây dù thì một người cán bộ hộ tống thương binh tiến đến, nếu không có bộ quân phục Pathet Lào thì chúng tôi cứ ngỡ là người Việt bởi anh nói tiếng Việt rất sõi: “Trưa hôm nay, các đồng chí có gì ăn trưa?”
Anh tổ trưởng cho biết chúng tôi đã định ăn lương khô sau khi lên máy bay nhưng sự cố này đã khiến chúng tôi không còn thời gian. Rồi chúng tôi lại tập trung vào công việc mà không để ý anh bộ đội Pathet Lào rời đi từ lúc nào.
Anh em đang sửa soạn để cất cánh trở lại thì một bất ngờ đang chờ đón chúng tôi phía trước. Từ xa, người đàn ông khi nãy xuất hiện cùng hai cô gái, họ vừa đi, vừa nở nụ cười thân thiện, tiến lại gần tổ bay.
Lần đầu tiên tôi được gặp những cô gái Lào, xinh đẹp trong trang phục truyền thống. Đưa cho chúng tôi hai nải chuối và 4 ống cơm lam, hai cô gái e thẹn không nói gì, nhờ anh bộ đội Pathet nói giúp:
- Bà con muốn đưa nhiều thứ hơn cho bộ đội Việt Nam nhưng tôi nói thời gian của các đồng chí gấp lắm, chỉ đưa được thế này thôi…
Thì ra, trong lúc chúng tôi đang cắt dây dù, người cán bộ Lào đó đã đi bộ vào bản làng gần đó để nhờ người dân giúp đỡ đồ ăn cho tổ bay.
Đang lúc đói mệt, giữa chốn xa xôi mà lại nhận được tấm chân tình của quân và dân Lào như thế, chúng tôi rất cảm động, nhưng ngặt nỗi không biết tiếng Lào, thời gian lại rất gấp nên chỉ biết liên tiếp nói cảm ơn như bộ đội Pathet từng dạy lại:
- Khọn chay, khọn chay!
“Chuyến bay trở về Việt Nam hôm đó mang theo cảm xúc đẹp trong lòng chúng tôi. Chỉ tiếc do vội cất cánh, chúng tôi chưa kịp hỏi tên và địa chỉ của hai cô gái đó,” ông Nam tiếc nuối.
Với nhiều thành tích trong nhiệm vụ tham gia chi viện cách mạng Lào, Đại tá Trần Văn Nam đã được tặng nhiều huân, huy chương cao quý, đặc biệt là Huân chương hạng Nhất của Lào do Chủ tịch Kaysone Phomvihane trực tiếp trao tặng.
Những kỷ niệm đẹp đầy nghĩa tình suốt 8 năm trai trẻ trên chiến trường Lào ngày đó đã được ông Nam lưu giữ, trân trọng. Chúng cũng luôn thôi thúc ông, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, vẫn hăng say tham gia thúc đẩy tình cảm bền chặt giữa hai nước Việt Nam-Lào trên cương vị Ủy viên Thường trực Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào Thành phố Hà Nội./.
Cựu phi công Trần Văn Nam trong lần về dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào tại Hà Nội năm 2009. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Hồng Hạnh-Thúy Lan (Vietnam+)