Chủ Nhật, 29/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 9/10/2009 16:36'(GMT+7)

Nguồn hỗ trợ ODA của Việt Nam sẽ chủ yếu từ các khoản đầu tư biến đổi khí hậu

Bão tố và lụt lội- những ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu- đã tàn phá nhiều địa phương của Việt Nam. Ảnh TL

Bão tố và lụt lội- những ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu- đã tàn phá nhiều địa phương của Việt Nam. Ảnh TL

Ngày 9/10, tại Hà Nội, hơn 30 tổ chức quốc tế cùng đại diện các Bộ, cơ quan hữu quan ở Trung ương và Hà Nội đã tham dự hội nghị các nhà tài trợ về ứng phó với biến đổi khí hậu, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Văn Đạt, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường Nguyễn Văn Đức và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học.


Các đại biểu tập trung vào thảo luận về định hướng của Chính phủ cho các nhà tài trợ về ứng phó với biến đổi khí hậu; cơ chế hỗ trợ như hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ ngân sách chung, hỗ trợ dựa vào chính sách...; điều phối nguồn vốn ODA; cơ cấu tổ chức quản lý và thực hiện các nguồn hỗ trợ.

Các nhà tài trợ cũng cho rằng, Việt Nam là nước "đặc biệt dễ bị tổn thương trước các ảnh hưởng có hại của biến đổi khí hậu". Vì vậy, mặc dù sẽ sớm trở thành nước có thu nhập trung bình, Việt Nam vẫn đủ điều kiện để nhận được một phần lớn của nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA "mới và bổ sung", dưới dạng trợ cấp và khoản vay lãi suất thấp như trong quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), dành cho cả các biện pháp thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính. Trên thực tế, rất có khả năng tổng nguồn hỗ trợ ODA trong tương lai của Việt Nam sẽ chủ yếu là từ các khoản đầu tư biến đổi khí hậu.

Do vậy, việc điều phối trở nên khó khăn hơn cho Chính phủ Việt Nam, cũng như cho cộng đồng ODA và những thách thức đặt ra cho công tác điều phối cũng sẽ tăng. Chẳng hạn, lưu vực đồng bằng sông Cửu Long nơi một số dự án và hoạt động về thích ứng với biến đổi khí hậu do các nhà tài trợ cung cấp tài chính đã hoặc đang được chuẩn bị, có liên quan tới các Bộ, vụ, cục khác nhau, trong đó nhiều dự án rất giống nhau và được điều phối chưa thỏa đáng.

Các đại biểu cũng kiến nghị các vấn đề như về điều phối, đối thoại chính sách; xây dựng cơ chế tài chính một cách công khai minh bạch để nguồn vốn tài trợ cho lĩnh vực này được sử dụng có hiệu quả, tránh chồng chéo, lãng phí; nhất là cần mở rộng vai trò của Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, hoặc thành lập một đơn vị mới không hạn chế chỉ trong một Bộ, có năng lực và sự ủy nhiệm để gánh lấy nhiệm vụ điều phối ODA ở quy mô lớn.

Công việc này cần có sự tham gia của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Vai trò của Bộ Tài nguyên Môi trường (cũng như các bộ chuyên môn khác khi cần thiết) có thể được tăng cường, như các cố vấn kỹ thuật cho cơ chế điều phối tài chính này và cho các bộ ngành, địa phương...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học đồng tình với các ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ về việc cần phải xây dựng cơ chế tài chính thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh lãng phí, chồng chéo trong việc triển khai các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện Việt Nam cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn cho việc sử dụng nguồn vốn đối với các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu./.


(Theo SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất