Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 10/8/2010 13:39'(GMT+7)

Nhà báo chung tay góp sức "Nói không với bạo lực gia đình"

Lễ phát động cuộc thi viết "Nói không với bạo lực gia đình" đã diễn ra chiều qua (9/8), tại Hà Nội. Đến dự Lễ phát động có ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Văn phòng UNODC tại Việt Nam; bà Daria Hagermann, Tư vấn quốc tế của dự án, thành viên ban chỉ đạo cuộc thi; Ông Du-dưn A-kit-se-va, Giám đốc quốc gia Văn phòng UNODC tại Việt Nam...cùng đại diện các cơ quan báo, đài, đông đảo đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương khẳng định: "Công tác phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ bao gồm việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn phải gắn liền với việc thực hiện bình đẳng giới và công tác xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; không chỉ bao gồm việc điều tra, xử lý trách nhiệm người gây baọ lực mà còn phải trợ giúp có hiệu quả đối với nạn nhân của bạo lực gia đình; đặc biệt là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật bình đẳng giới và Luật phòng, chống bạo lực gia đình".
 
Theo ông Dương Quốc Trọng, cuộc thi viết "Nói không với bạo lực gia đình chính là hành động thể hiện sự chung tay của toàn xã hội nói chung, người cầm bút nói riêng vì sự bình yên, hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi gia đình, sự phát triển của toàn xã hội".

Với hy vọng, cuộc thi lần này góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề bạo lực gia đình, bà Zhuldyz Akisheva nhấn mạnh, năm 2010 - 2011 là những năm quan trọng để theo đuổi và thực hiện thành công các mục tiêu "Nói không với bạo lực gia đình" cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành.

                            Thể lệ cuộc thi viết báo "Nói không với bạo lực gia đình"

1. Mục đích cuộc thi:

Nâng cao ý thức của toàn xã hội không chấp nhận bạo lực gia đình, vì cuộc sống bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Tìm ra nguyên nhân và giải pháp tích cực nhằm ngăn chặn nạn bạo hành gia đình (đặc biệt đối với phụ nữ). Nhân rộng những mô hình tốt trong phòng chống bạo lực gia đình.

2. Nội dung cuộc thi:

Lên án các hành vi bạo lực gia đình; Nêu thực trạng, nguyên nhân nạn bạo lực gia đình đối với phụ nữ và những thách thức trong phòng chống bạo lực gia đình hiện nay ở Việt Nam; Giải pháp can thiệp, hỗ trợ hiệu quả người bị bạo hành; Chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng không chấp nhận bạo lực gia đình; Phát hiện những mô hình, điển hình tốt trong thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
 
3. Thể loại và điều kiện dự thi:

- Thể loại: Báo chí (Phóng sự, điều tra, ghi chép, bình luận, phỏng vấn). 

- Điều kiện: Tác phẩm báo chí được công bố trên các báo in, báo điện tử, đài phát thanh có giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý báo chí của Việt Nam cấp, chưa tham gia các cuộc thi và các giải thưởng báo chí khác. Thời gian công bố từ ngày 1/8/2009 đến ngày 15/1/ 2011.

- Bài dự thi gửi về: Báo Gia đình và Xã hội, 138A Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội. (Nhận bài từ 09/8/2010 đến 15/1/2011). Bài dự thi phải được cắt từ trang báo đã đăng, ghi rõ số báo, ngày ra báo (không nhận bản sao chụp). Nếu bài đăng, phát trên báo điện tử, đài phát thanh, yêu cầu gửi bản in một mặt giấy A4, ghi rõ đường link, hoặc thời gian phát sóng.

- Bài dự thi gửi đăng trên các báo là thành viên phối hợp phát động Cuộc thi từ ngày 1/8/2010, phải là bài chưa được công bố trên các báo khác và được quyền tuyển chọn trực tiếp vào chung khảo, không phải qua vòng chấm sơ khảo:

+ Yêu cầu tác giả ghi rõ tên thật, địa chỉ, số điện thoại liên lạc. Các bài được tuyển chọn vào vòng chung khảo sẽ bị loại nếu không xác định được địa chỉ và tên thật của tác giả.
 
+ Thời gian gửi bài dự thi được xác định theo dấu bưu điện.
 
+ Ban tổ chức không trả lại các bài gửi dự thi.
 
+ Bài đăng báo, được trả nhuận bút theo quy định.
 
4. Đối tượng tham gia:

Tất cả các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước quan tâm đến chủ đề này.
 
5. Hội đồng Giám khảo:

Các nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình.
 
6. Giải thưởng:
 
Giải nhất: 1 giải 15.000.000 VNĐ  
 
Giải nhì: 2 giải, 10.000.000 VNĐ/giải  
 
Giải ba: 5 giải, 5.000.000 VNĐ/giải
 
Giải tư: 7 giải, 3.000.000 VNĐ/giải
 
Giải thưởng dành riêng cho đối tượng sinh viên các trường báo chí:  10 suất học bổng, trị giá mỗi suất: 2.000.000 VNĐ



Mai Hồng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất