Đồng chí Phan Văn Khải (1933-2018) là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của đất thép Củ Chi "Thành đồng Tổ quốc". Suốt hơn 70 năm, từ khi tham gia phong trào cách mạng ở quê hương Hóc Môn-Gia Định, đến khi giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí không ngừng phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với thực tiễn công tác trên nhiều cương vị, từ địa phương đến Trung ương, đồng chí Phan Văn Khải luôn phát huy những kinh nghiệm và kiến thức được tích lũy để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn. Đồng chí là mẫu người cán bộ, người trí thức đi lên từ thực tiễn, bằng kiến thức thực tế. Với bản lĩnh chính trị kiên định và trí tuệ mẫn tiệp, đồng chí đã giải quyết thành công nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, phát huy vai trò của lực lượng trí thức và tinh thần đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, để chèo lái, đưa nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng.
Trong thời kỳ đồng chí Phan Văn Khải đảm đương trọng trách Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế châu Á. Sau khi phân tích kỹ tình hình thực tế và tham vấn ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải, đã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chặn đà suy giảm, duy trì được nhịp độ tăng trưởng hợp lý. Thủ tướng đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế tư nhân; dần cải cách khu vực kinh tế Nhà nước; tập trung phát huy nội lực và thúc đẩy cải cách thể chế. Đây cũng là thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải quan tâm và đặc biệt coi trọng vai trò, kêu gọi toàn thể đội ngũ trí thức, nhân sĩ, doanh nhân, nhân dân cả nước cùng tham gia hiến kế, đóng góp sức lực và trí tuệ để khôi phục và phát triển kinh tế.
Tinh thần cầu thị, coi trọng doanh nhân, trí thức và nhân dân của đồng chí nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới doanh nhân, trí thức. Trong suốt 2 nhiệm kỳ làm Thủ tướng, đồng chí đã có nhiều cuộc đối thoại với doanh nhân, trí thức. Qua các cuộc đối thoại, đồng chí thấy rõ những bức xúc, vướng mắc và tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển. Với tinh thần kiến tạo và phong thái cởi mở, đồng chí luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, tiếp thu những sáng kiến mới. Một phần cũng chính từ những cuộc đối thoại đó, Luật Doanh nghiệp năm 1999 được ban hành, trong đó có quy định rất quan trọng là người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm; đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phan Văn Khải, gần 50% giấy phép con-nguồn cơn của cơ chế xin-cho, vấn nạn “lót tay”, tiêu cực, cùng nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp đã được xóa bỏ.
Là một nhà lãnh đạo rất coi trọng tiếng nói của trí thức và nhân dân, trong quá trình xây dựng luật, nhất là các luật về kinh doanh, đồng chí Phan Văn Khải luôn khuyến khích doanh nghiệp và người dân đóng góp ý kiến, nhằm xây dựng các văn bản luật cho phù hợp với thực tiễn. Cùng với việc chuẩn bị và đề nghị Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo các bộ liên quan xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn và những quy định cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả.
Nhờ những hành động quyết liệt của Thủ tướng Phan Văn Khải, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển vượt bậc; số doanh nghiệp trong nước tăng nhanh. Trong hai năm 2000, 2001, đã có hơn 35.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, gần bằng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 9 năm trước đó. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí cùng tập thể Chính phủ khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997; giữ vững ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng; đã lãnh đạo Chính phủ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, đưa đất nước vững vàng vượt qua khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao, ổn định với trung bình 7% trong 9 năm liên tục; lạm phát được kiềm chế...
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, tạo nên những bước tiến quan trọng, thay đổi về chất trong công tác đối ngoại và hội nhập. Nhờ quan tâm phát huy trí tuệ và đóng góp của tầng lớp trí thức, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều chuyến công tác nước ngoài thành công, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại về chính trị, ngoại giao, kinh tế và mang lại những cơ hội về thương mại, đầu tư, thu hút các nguồn lực ODA, FDI cho phát triển đất nước. Đồng chí đã chỉ đạo sát sao việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA); thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh đàm phán để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)-dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đồng chí cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ sau năm 1975, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI, khép lại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ ra yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, đó là vấn đề con người. Đồng chí nhấn mạnh: “Cần chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, đó là nguồn lực không bao giờ cạn của đất nước”.
Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí rất băn khoăn, trăn trở và nhận một phần trách nhiệm trước tệ nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, đục khoét của công... còn diễn ra phức tạp, cản trở bước tiến của dân tộc, đe doạ sự tồn vong của chế độ. Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, đồng chí đã xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ một năm.
Cảm phục sự tâm huyết và trí tuệ của đồng chí Phan Văn Khải, nhiều chuyên gia, trí thức từng làm việc cùng đồng chí Phan Văn Khải đều bảy tỏ sự kính trọng và tôn vinh ông như một nhân cách lớn. Thủ tướng Phan Văn Khải là hình mẫu một người đứng đầu cẩn trọng và bản lĩnh. Ông không né tránh những vấn đề, những câu hỏi hóc búa, hay thoái thác trách nhiệm cá nhân.
Trong cuộc sống, đồng chí Phan Văn Khải luôn nêu cao tấm gương đạo đức người cán bộ tận tụy với công việc, luôn gần gũi gắn bó với nhân dân. Trở về với quê hương an hưởng tuổi già, đồng chí vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội; tự mình quyên góp và vận động xây dựng nhiều công trình văn hóa, xã hội, nhà ở cho người nghèo, phục vụ thiết thực đời sống dân sinh. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ra đi về cõi vĩnh hằng ngày 17-3-2018 tại quê nhà-huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.
Đất nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng; thế và lực ngày càng vững mạnh; uy tín và vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao. Có được những thành tựu đáng tự hào đó, chúng ta càng trân trọng những đóng góp, công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo đi trước, trong đó có nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải-nhà lãnh đạo có tâm, có tầm tư duy chiến lược, có tư tưởng đổi mới sâu sắc, toàn diện. Với 85 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phan Văn Khải là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, gần dân, tin dân và là một trí thức mẫu mực trong thời đại Hồ Chí Minh.
PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG/Theo QĐND.VN