Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 2/11/2013 21:56'(GMT+7)

Nhà văn Nguyên Hồng - chiến sỹ mang nhân cách lớn

Nhà văn Nguyên Hồng (Ảnh: Tư liệu)

Nhà văn Nguyên Hồng (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 2/11, tại Hải Phòng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo "Nhà văn Nguyên Hồng - cuộc đời và sự nghiệp văn chương" nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông (1918-2013).

Gần 30 tham luận tại Hội thảo đã khẳng định Nguyên Hồng là nhà văn - chiến sỹ mang nhân cách lớn mà nổi bật là tinh thần nhân văn cao cả, ý chí chiến đấu mạnh mẽ và nghị lực kiên cường sống và viết. Gần 50 năm cầm bút, Nguyên Hồng đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học giá trị, đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Những tác phẩm để đời của ông, thực sự gây tiếng vang trên văn đàn như: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Bảy Hựu, Những mầm sống, Địa ngục, Lò lửa, Cửa biển, Sóng ngầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời, Núi rừng Yên Thế...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Suyền (nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội), sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng không chỉ là sự giao thoa giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn mà còn là sự gặp gỡ giữa chủ nghĩa hiện thực phê phán với dòng văn học cách mạng thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX.

Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ. Chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng chủ đạo trong hầu hết tác phẩm của ông. Kể cả khi viết về cái ác, cái xấu thì ngòi bút của ông bao giờ cũng chan chứa tình yêu thương con người và canh cánh một nỗi đau...

Nhà văn Nguyên Hồng quê gốc Nam Định, ông mồ côi cha từ năm 12 tuổi. Năm 1934 khi mới 16 tuổi, ông cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Từ đó, gần như những năm tháng cuộc đời, ông gắn bó với thành phố Cảng, với những dãy phố cần lao, những xóm thợ nghèo, những con người lam lũ và viết về họ, tạo nên những tác phẩm để đời.

Nguyên Hồng là một trong số 14 nhà văn Việt Nam vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên (năm 1996)./.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất