Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 9/5/2018 10:23'(GMT+7)

Nhân dân đánh giá cao ba đề án được Hội nghị Trung ương 7 xem xét

 



Tạo đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ

Ông Nguyễn Long, hội viên cựu chiến binh, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nêu lên một thực tế vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm khi tuổi còn quá trẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, trình độ chuyên môn chưa cao, không đặc biệt xuất sắc; trong đó, có cả những người được bổ nhiệm là người nhà của lãnh đạo, gây hoài nghi trong dư luận. Ông Nguyễn Long đề nghị Trung ương sớm tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập của công tác cán bộ; đồng thời cần sớm đổi mới nhiệm vụ này gắn với mục tiêu tinh giản, làm trong sạch và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị; sớm giảm một số biên chế và những đối tượng được hưởng phụ cấp ở cấp xã, xóm.

Đặc biệt quan tâm đến việc vấn đề bổ nhiệm và quản lý đội ngũ cán bộ các cấp, Tiến sỹ Ngô Đức Chinh, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) cho rằng để đội ngũ cán bộ trong bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và trong sạch, nên bắt đầu từ việc tuyển chọn từ các chi bộ, hệ thống chính quyền xã, phường, thị trấn để có được một bộ máy chính quyền gần dân, vì dân, để từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Cùng quan điểm trên, kiến trúc sư Đỗ Ngọc Giao, Công ty cổ phần tư vấn kiến trúc Tây Hồ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy rằng để tìm được những người tài và bố trí họ vào những vị trí công tác xứng đáng, phát huy được năng lực, sở trường của họ, đòi hỏi phải phát hiện những cán bộ thoái hóa biến chất, cơ hội về chính trị để loại bỏ ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; kiên quyết chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Đảng viên Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho rằng, muốn giảm số người làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước cần lựa chọn những người có trình độ năng lực và tính kỷ luật cao; từ đó phát huy khả năng của mỗi cá nhân, tính cạnh tranh trong cơ quan, đơn vị, để nâng cao hiệu quả công việc, giảm gánh nặng ngân sách. Từ đó, mới có cơ chế chuyển đổi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp. 

Cải cách chính sách tiền lương- Phát huy tài năng và sự cống hiến của người lao động

Đảng viên Lê Quang Huy, Trưởng phòng Lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đánh giá Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là rất cần thiết, cần sớm được thực hiện để phát triển đất nước, phù hợp với thời kỳ đổi mới hiện nay. Để thực hiện Đề án này, cần cải tổ bộ máy cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách nhà nước, từ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị. Bởi thực tế hiện nay, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông đảo, nhưng hiệu quả công việc chưa cao.

Theo ông Trần Ngọc Anh, công tác trong ngành giao thông tỉnh Nghệ An, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có những giải pháp quan tâm đến đời sống cán bộ, công chức viên chức, người lao động. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của người lao động. Mặt khác, hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp. Ngay trong ngành giao thông, thu nhập từ lương của công nhân đi làm trên 20 năm tùy vị trí, công việc nhưng cũng chỉ giao động từ 6-10 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này không thể đáp ứng được nhu cầu học hành của con cái và những chi tiêu tối thiểu khác trong gia đình. Từ thực tế này, ông Trần Ngọc Anh mong Đảng, Nhà nước sớm cải cách triệt để chính sách tiền lương, ưu tiên nhiều hơn cho đội ngũ công nhân, những người không có phụ cấp chức vụ hoặc không có các khoản thu nhập khác ngoài lương.

Cần thiết cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Về Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chị Trần Thị Hằng, giáo viên ở thành phố Vinh (Nghệ An) đánh giá, hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt được mục tiêu; chính sách bảo hiểm đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đưa vấn đề cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào bàn thảo là việc làm cần thiết, đáp ứng được mong đợi của xã hội, trong đó có việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu và quan tâm đến đối tượng nông dân, người nghèo trong xã hội.

Đảng viên Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng Đề án nếu được thực hiện sẽ góp phần tăng lên tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó biện pháp trọng tâm là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội với chương trình hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ, đồng thời tạo điều kiện cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu. Với mô hình bảo hiểm xã hội đổi mới này, mọi đối tượng trong độ tuổi lao động và người có tuổi đều có thể tham gia, không có giới hạn. Đảng viên Trần Văn Sơn thấy rằng vấn đề khác cần được nghiên cứu là đối với những người có thu nhập cao muốn đóng bảo hiểm xã hội cao để hưởng tiền cao sẽ tạo nên chênh lệch thu nhập, tạo bất bình đẳng trong xã hội. Trong khi đó, mức độ thông tin truyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu vùng xa còn thấp; nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không kiểm chứng được lao động đang làm việc tại doanh nghiệp do thay đổi địa chỉ…

Vì vậy, theo ông Trần Văn Sơn cần có cơ chế linh hoạt đối với cán bộ thực hiện công tác bảo hiểm xã hội; phương thức đóng bảo hiểm xã hội cần nhanh gọn về thủ tục; tăng cường phối hợp với chi cục thuế để yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác thanh tra./.

Nguồn: TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất