Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/5/2012 10:11'(GMT+7)

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

“Hoa kiểng công trình" ở Sa Đéc . Ảnh internet

“Hoa kiểng công trình" ở Sa Đéc . Ảnh internet

* Mô hình 50 triệu đồng/ha ở Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Huyện Vĩnh Linh đang tập trung nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập 50 triệu đồng/ha; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 70% diện tích đất nông nghiệp đạt mức thu nhập 50 triệu đồng/ha trở lên.


Đề án “Nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha” được huyện Vĩnh Linh thực hiện từ năm 2007, nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xác lập công thức luân canh, xen canh, gối vụ, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, chế độ canh tác hợp lý; khai thác tiềm năng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đề án này tập trung thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng, chuyên canh, thâm canh; tăng hệ số sử dụng đất, cải tạo độ phì cho đất; sản xuất theo hướng tập trung...


Qua 4 năm thực hiện đề án, huyện Vĩnh Linh đã có trên 6.300 ha diện tích canh tác cho thu nhập cao, trong đó có trên 4.500 ha cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, 1.800 ha đất canh tác cây hàng năm. Các mô hình được xây dựng như: Lúa - cá - lợn; mô hình thâm canh lúa chất lượng cao; mô hình trồng môn xen khoai lang gối sắn dây; ném xen ngô đông xuân - dưa non; lạc - môn gối sắn dây... Việc thực hiện đề án đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân, tăng hệ số sử dụng đất từ 2,5 - 3 lần so với trước đây.


Trong giai đoạn 2011-2015, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục ổn định diện tích gieo cấy lúa từ 6.500-6.700 ha mỗi năm; xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao và duy trì diện tích cây lạc từ 1.600-1.700 ha, nâng diện tích trồng cao su tiểu điền từ 6.400ha hiện có lên 8.000 ha; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện Vĩnh Linh cũng phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa; khuyến khích các hộ gia đình liên gia, liên doanh trong việc xây dựng các mô hình trang trại; mở rộng quy mô, cải hoán tàu thuyền để nâng cao năng lực khai thác hải sản, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó chú trọng nuôi tôm xuất khẩu.


* Mô hình “Hoa kiểng công trình" ở Sa Đéc (Đồng Tháp)


Nhiều hộ trồng hoa, cây cảnh (cây kiểng) ở làng hoa Sa Đéc đã chuyển dần sang trồng các loại hoa kiểng trang trí công trình (sau đây gọi là hoa kiểng công trình) cho hiệu quả kinh tế cao.


Để giúp nhà vườn phát triển ổn định và bền vững mô hình này, Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc đã định hướng làng nghề trồng hoa kiểng theo hướng: phát triển các loại hình cây kiểng, nhất là trồng cây kiểng cho công trình, có giá trị và chất lượng cao, được trồng trong chậu, đẹp như: Bonsai, Bonsai sơ chế có khả năng xuất khẩu, nhất là Bonsai loại trung (cao 60 cm) được nhiều nước trên thế giới đăng ký mua. Những loại cây kiểng làm Bonsai truyền thống có giá trị cao như: kim quýt, vạn niên tùng, càn thăng, nguyệt quới, mai vàng, mai chiếu thủy, ngọa tùng, sanh, si, sung, lộc vừng…


Riêng các loại hoa kiểng thường cho công trình như: cỏ nhung, hoa trang, phát tài, xứ... bán quanh năm. Kế tiếp là sản xuất hoa tập trung vào dịp tết với đa dạng các loại hình và chủng loại hoa kiểng theo hướng chuyên canh (mỗi hộ chọn một loại chính); sản xuất gắn với thị trường, với tham quan du lịch và bảo vệ môi trường. Các loại: kiểng cổ, kiểng tứ diện, Bonsai hiện nay được nhiều cơ quan, công trình công cộng, nhà hàng, khách sạn ... ưa thích.


Cây kiểng công trình là mô hình đang được nhân rộng ra nhiều nhà vườn ở làng hoa Sa Đéc. Bình quân 1 ha đất trồng được khoảng 40-50 ngàn giỏ hoặc chậu hoa kiểng, mỗi năm sản xuất được 3 lần, thu trên 400 triệu đồng, hiệu quả gấp 6-7 lần trồng lúa, nếu trồng các loại kiểng có giá trị làm Bonsai có thể thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm. Tại thị xã Sa Đéc hiện có một tổ hợp tác và một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh hoa kiểng công trình, quanh năm đưa các loại hoa kiểng của làng hoa đi tiêu thụ khắp nơi.


Hiện làng hoa kiểng TX Sa Đéc luôn dẫn đầu các địa phương trong tỉnh, với hơn 340 ha và gần 2.000 hộ tham gia sản xuất, hàng năm sản xuất trên 10 triệu giỏ các loại, trong đó 50%-60% là hoa kiểng công trình. Trước kia, bà con chỉ tập trung trồng các loại hoa kiểng phục vụ ngày tết, ngày lễ, nay nghề trồng hoa kiểng đang phát triển mạnh bởi các loại hoa kiểng công trình có thể tiêu thụ được quanh năm, góp phần làm đẹp, mát, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, tinh thần, cải thiện môi trường kết hợp với du lịch sinh thái cho từng địa phương.


* VAC – mô hình hiệu quả ở vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông (Tiền Giang)

Khắc phục tình trạng đất nhiễm mặn khó canh tác bằng cách trồng những cây ăn quả phù hợp, đưa thêm giống mới vào sản xuất, áp dụng mô hình VAC để làm giàu, là hướng đi đúng đã giúp gia đình anh Phan Quốc Hùng, ấp Tân Hưng, Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông, Tiền Giang, dựng nên cơ nghiệp vững vàng.


Anh Hùng có 1,7 ha đất vườn trước kia là vườn tạp. Sau đó, anh chuyển sang chuyên canh dừa – cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất cù lao thường bị xâm nhập mặn vào mùa khô. Để tăng thêm nguồn thu, dưới tán dừa anh trồng xen ca cao tạo nguồn nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Không dừng lại ở đó, là hội viên Hội Nông dân, thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, anh Hùng tiếp cận với mô hình sản xuất VAC rất phù hợp với đặc thù địa phương. Anh Hùng đã mạnh dạn cải tạo lại ao mương, xây chuồng trại để trên thì nuôi lợn nái, lợn thịt, dưới ao thả nuôi các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tra, rô phi, mè chép, cá trê... Ban đầu, anh chỉ nuôi 2 con lợn nái và 20 con lợn thịt. Sau một năm với mô hình canh tác mới, anh đạt lợi nhuận từ tổng các nguồn thu hoạch thủy sản, lợn, vườn cây... trên 30 triệu đồng. Kết quả tốt, khích lệ anh mở rộng mô hình và qui mô sản xuất lên 8 con lợn nái hậu bị, 7 con lợn nái đẻ và 50 con lợn thịt theo hướng bán công nghiệp.


Để tăng nguồn thu và chủ động trong phòng chống bệnh tật cho đàn lợn nái, lợn thịt, anh học cách chăm sóc lợn theo khoa học, cách gieo tinh nhân tạo và tiêm phòng chống dịch bệnh định kỳ, thay vì phải thuê mướn thú y viên. Nhờ vậy, anh tiết kiệm thêm được một khoản chi phí đáng kể. Đặc biệt, để giải quyết vấn đề môi trường chăn nuôi, anh xây hầm khí sinh học (biogas), vừa tránh được ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe, vừa tận dụng nguồn gas làm chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình.


Mỗi năm, gia đình anh đạt thu nhập trên 80 triệu đồng. Qua nhiều năm gắn bó với mô hình VAC, gia đình anh Phan Quốc Hùng thoát nghèo và “đổi đời”. Từ thực tế trên cho thấy rằng dù trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng với sự năng động, nhạy bén trước thời cơ mới, nông dân vẫn có thể làm giàu nhờ khai thác hợp lý tiềm năng đất đai, lao động, tạo nguồn nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo vệ được môi sinh, môi trường nông thôn./.


Vương Lợi - Văn Trí - Minh Trí

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất