Thứ Sáu, 29/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 8/11/2010 21:58'(GMT+7)

Nhập nhằng tin nhắn từ thiện

Tin nhắn ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt của cổng thông tin 1400, do T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN và Bộ Thông tin - truyền thông phát động - Ảnh: Như Hùng

Tin nhắn ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt của cổng thông tin 1400, do T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN và Bộ Thông tin - truyền thông phát động - Ảnh: Như Hùng

Hiện nay, ngoài cổng thông tin ủng hộ nhân đạo quốc gia 140x (các đầu số từ 1400-1409) do Bộ Thông tin - truyền thông thành lập chuyên phục vụ các hoạt động ủng hộ từ thiện, nhiều đầu số tin nhắn khác của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số cũng tham gia.

Dùng đầu số kinh doanh làm từ thiện

Một trong những đơn vị uy tín đang thực hiện chương trình nhắn tin ủng hộ là Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thông qua hai đầu số 8788 và 8588 của Công ty Điện toán và truyền số liệu VDC (chủ sở hữu đầu số 8x88). VDC đã cam kết chuyển 100% phí và lệ phí trong hoạt động này để ủng hộ đồng bào miền Trung. VTV cũng công bố các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động cam kết sẽ hoàn 100% số tiền thu được về VTV.

Một tiểu xảo quảng bá đầu số

Một đại diện Viettel cho rằng việc doanh nghiệp dùng đầu số kinh doanh để vận động từ thiện sẽ nảy sinh nhiều rắc rối xung quanh vấn đề tiền cước, gây khó khăn cho nhà mạng về thuế và ảnh hưởng đến quyền lợi người ủng hộ. Chúng tôi nhận thấy tình trạng doanh nghiệp nội dung số tổ chức các chương trình vận động từ thiện qua các đầu số đang diễn ra khá lộn xộn. Dù họ có ý tốt nhưng việc dùng đầu số kinh doanh để làm từ thiện là một tiểu xảo của doanh nghiệp nhằm quảng bá đầu số của mình. Trong khi đó họ còn làm rất nhiều dịch vụ kinh doanh khác dựa trên đầu số đó. Khi hết làm từ thiện, họ lại dùng ảnh hưởng của từ thiện để quay sang kinh doanh.

Tuy nhiên qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hai đầu số trên còn đang dùng cho các dịch vụ kinh doanh khác như: quảng cáo, nạp tiền vào các tài khoản thanh toán trực tuyến, tài khoản game... Sự khác biệt giữa hoạt động kinh doanh và vận động từ thiện của hai đầu số này nằm ở cú pháp nhắn tin.

Một đầu số khác cũng đang sử dụng cho cả hai mục đích kinh doanh và từ thiện là 8704 của Công ty VHT. Đầu số này hiện đang được sử dụng để vận động người dùng di động ủng hộ tiền cho quỹ khuyến học Đèn đom đóm. Cùng lúc, đầu số 8704 cũng được dùng cho các dịch vụ nạp tiền vào tài khoản thanh toán trực tuyến, quảng bá... tương tự đầu số 8788 và 8588.

Ngoài ra còn nhiều đầu số khác được các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số sử dụng để vận động ủng hộ từ thiện ở các phạm vi nhỏ hơn: trong vùng, trong tỉnh...

Chỉ còn phân nửa?

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung số qua đầu số tin nhắn đều có sự ăn chia tiền cước giữa doanh nghiệp nội dung số và nhà mạng di động. Mức phân chia phổ biến là nhà mạng 50%, doanh nghiệp nội dung 50%. Ví dụ một tin nhắn đến đầu số x8xx có cước phí 15.000 đồng, nhà mạng được hưởng 7.500 đồng, doanh nghiệp lấy 7.500 đồng.

Nếu một doanh nghiệp nội dung số thật lòng muốn làm từ thiện, họ phải được sự hỗ trợ tích cực từ nhà mạng: xin phép làm từ thiện, xin thủ tục miễn các loại thuế và không ăn chia tiền cước. Khi có được sự ủng hộ hoàn toàn từ nhà mạng, tổng số tiền người dùng ủng hộ qua cước tin nhắn mới được trọn vẹn đến với người cần được cứu trợ (không bị ăn chia, không bị tính thuế...).

Thế nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Là một trong những người đầu tiên làm từ thiện dựa trên đầu số tin nhắn SMS, ông Lê Mạnh Hùng, phó chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số, cho rằng: “Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp làm từ thiện trên đầu số kinh doanh, trong khi đã có cổng thông tin 140x chuyên dùng cho các hoạt động nhân đạo. Vì vậy, các nhà mạng không còn chịu khó như trước kia nữa bởi việc làm các thủ tục để xin phép, xin miễn thuế rất phức tạp và mất nhiều công sức. Nhà mạng bây giờ gần như không còn hỗ trợ các doanh nghiệp như trước.

Thay vào đó, tiền cước vẫn ăn chia như hợp tác kinh doanh bình thường. Như vậy, một doanh nghiệp muốn làm từ thiện sẽ phải bỏ ra chi phí gấp đôi (bù vào khoản tiền cước ăn chia với nhà mạng) mới đủ số tiền người dùng đã ủng hộ. Nếu không, số tiền ủng hộ qua tin nhắn sẽ còn lại một nửa (một nửa vào túi nhà mạng). Những người ủng hộ biết chuyện này chắc chắn sẽ rất bức xúc.

Về mặt kỹ thuật, việc dùng đầu số kinh doanh vào các hoạt động từ thiện còn có thể khiến tiền ủng hộ đôi khi đi nhầm địa chỉ. Và vì là đầu số kinh doanh nên sẽ có nhiều dịch vụ nội dung số dựa trên mỗi đầu số, sự khác biệt chỉ nằm ở cú pháp nhắn tin. Tin nhắn sai cú pháp sẽ được tự động... không chuyển vào phần hoạt động từ thiện. Không mấy người nhắn tin ủng hộ được biết việc này.

Thống nhất “một cửa”!

* Ông NGUYỄN PHƯƠNG HIỀN (phó giám đốc kinh doanh Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng Vinaphone): Nhà mạng xác định một nguyên tắc là hoạt động từ thiện phải qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia. Chúng tôi không ủng hộ việc các doanh nghiệp tự động làm từ thiện trên các đầu số kinh doanh của mình. Nếu họ có nhờ hỗ trợ, chúng tôi cũng sẽ chỉ qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia.

* Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG (giám đốc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng MobiFone): Việc doanh nghiệp dùng đầu số kinh doanh để làm từ thiện sẽ dễ nhập nhằng, vừa làm khó cho nhà mạng vừa khiến người dùng dễ nhầm lẫn giữa hoạt động kinh doanh và từ thiện.


Theo Tuổi trẻ online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất