Bắt đầu từ 7 giờ 19/7, bão số 2 đã gây ra gió mạnh và mưa lớn tại thành
phố Móng Cái và một số địa phương khác tại tỉnh Quảng Ninh.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực bão số 2 đổ bộ, gió đang
rất mạnh và có xu hướng tăng cường. Trên địa bàn thành phố Móng Cái đã
có nhiều cây đổ, biển hiệu bị hư hỏng, một số nhà bị vỡ kính. Nguồn điện
sinh hoạt vẫn được đảm bảo.
Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tại Móng Cái do đích
thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ
huy chưa nhận được thông tin thiệt hại ban đầu do bão gây ra.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo thành phố
Móng Cái quyết tâm ngay trong đêm 18/7 tiếp tục di dời dân ở trong nh
Vào tối 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống cơn bão số 2.
Tại thành phố Móng Cái, đến thời điểm này, các tàu, thuyền, lồng bè của
thành phố đã về neo đậu tại nơi an toàn. Đối với một số điểm xung yếu,
có nguy cơ sụt lún, thành phố đã huy động lực lượng chính quyền xã và
các đồn biên phòng chủ động phương án phòng chống.
Theo báo cáo, thành phố Móng Cái đã di dời toàn bộ 102 lồng, bè nuôi
trồng thủy sản vào chằng chống an toàn; tuyệt đối không để người dân ở
tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; thành phố đã cấm đò hoạt
động trên sông Bắc Luân, Ka Long và yêu cầu hơn 1.300 chiếc đò phải neo
đậu an toàn; 1.277/1.292 tàu, thuyền trên biển đã về neo đậu an toàn.
Hiện nay, thành phố đang triển khai di dời 28 hộ dân sống ở vùng có nguy
cơ sạt lở tại xã Hải Đông và xã Bắc Sơn ; hơn 500 hộ dân khu Xuân Ninh,
xã Hải Xuân có nguy cơ ngập, thành phố đã có phương án di dời.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Quảng Ninh, tính đến 18 giờ ngày 18/7, 229 tàu đánh bắt xa bờ và 8.471
tàu đánh bắt gần bờ, 464 tàu du lịch di chuyển về nơi tránh trú bão an
toàn. 7.605 ô lồng bè nuôi trồng thuỷ sản được chằng chống và neo đậu
chắc chắn.
Các địa phương đã tổ chức di dời sơ tán 1.618 hộ với trên 2.500 người ra
khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở đất và lồng bè nuôi trồng thủy sản
vào bờ. Gần 10.000 bao tải, 2.500m2 vải bạt đã được cấp cho các huyện
Vân Đồn, Cô Tô, Hoành Bồ để phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Các
đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã triển khai
phương án đảm bảo an toàn cho các khu vực khai thác và bãi thải. Đồng
thời, các phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra cũng đã chuẩn bị sẵn
sàng.
1.360 khách du lịch tại huyện Cô Tô, đảo Quan Lạn, Minh Châu của huyện
Vân Đồn đã về đất liền an toàn. Hiện còn 232 du khách đang ở trên các
đảo do không muốn thay đổi chương trình du lịch. Các địa phương đã kiểm
tra và bố trí cho khách các điểm lưu trú kiên cố, có phương án đảm bảo
an toàn, lương thực thực phẩm cho khách và liên tục khuyến cáo về công
tác đảm bảo an toàn trong bão.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết
trước diễn biến của cơn bão số 2, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngừng tất
cả các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung triển khai phòng, chống cơn
bão số 2; ban hành lệnh cấm biển từ trưa ngày 17/7. Tỉnh đã thành lập
các đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp kiểm tra và
chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão tại các địa phương.
Liên quan đến khu vực nuôi trồng, lồng bè thủy sản tại các địa phương,
tỉnh đã kịp thời chỉ đạo đưa người già, trẻ em lên bờ, đồng thời có
phương án đảm bảo an toàn cho các lồng bè thủy sản. Đặc biệt, những ngày
qua, công tác tuyên truyền cũng được tỉnh thực hiện rất tốt, kịp thời
thông báo đến người dân thông tin về bão trên các loa truyền thanh, xe
cơ động.
Tại các khu vực vùng núi, đề phòng xảy ra lũ quét, tỉnh đã chỉ đạo các
địa phương có phương án xử lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân.
Về công tác chỉ đạo, xác định đây là cơn bão lớn, có nguy cơ gây thiệt
hại, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các vị lãnh đạo trực tiếp
xuống địa phương kiểm tra bão; chú trọng công tác cấp cứu tại chỗ.
Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh
bên cạnh các phương án phòng chống trước và trong khi bão đổ bộ, tỉnh
Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống mưa lớn
gây sạt lở đất sau bão, trong đó tập trung vào các khu vực xung yếu, có
nguy cơ sạt lở cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh trước giờ cơn bão đổ
bộ vào đất liền, để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, tỉnh Quảng Ninh
cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Trong đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền thông tin trước và trong thời
điểm bão, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc, giao thông trong bão đồng
thời tuyên truyền rộng rãi thông tin về cơn bão để người dân có thể chủ
động phòng tránh; vận động các hộ dân sống trong các khu nhà tạm, các
khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do nước biển dâng và các khu vực có nguy cơ
sạt lở di chuyển đến các địa điểm an toàn.
Tỉnh cần tập trung thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn đối với
người dân; tiếp tục gia cố các tuyến đê; sẵn sàng vật tư, lực lượng ứng
cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra./.
(TTXVN)