Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 8/9/2008 22:38'(GMT+7)

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thi đua thực hiện tiết kiệm năng lượng sản xuất và tiêu dùng.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm tiêu thụ điện năng lớn nhất nước ta. Vì vậy, tiết kiệm điện ở thành phố này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giải pháp quan trọng hàng đầu ở đây là tuyên truyền đến mọi khách hàng cũng như người dân về ý thức tiết kiệm điện(TKĐ). Công ty Điện lực thành phố đã phát động một đợt thi đua với chủ đề TKĐ trụ sở Công ty và trụ sở các điện lực khu vực. Tại các phòng làm việc, cán bộ và nhân viên đã triệt để chấp hành nội quy tắt điện khi ra khỏi công sở; hạn chế sử dụng máy lạnh hoặc chỉ để ở nhiệt độ từ 26 độ C trở lên,, tận dụng ánh sáng tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng. Thay bóng đèn công suất nhỏ, hiệu suất cao như đèn tuýp gầy T8, T5, đèn compact…Số lượng đèn chiếu sáng hành lang giảm 50%. Trong toàn ngành phát động phong trào không sử dụng máy lạnh vào một buổi sáng trong tuần để góp phần TKĐ..

Công ty đã phát hành 1320.000 tờ rơi tới hộ sử dụng điện, lắp đặt 12.000 poster tại các địa điểm công cộng, treo hơn 5000 băng rôn ngoài đường phố. Riêng 6 tháng đầu năm 2008, Công ty đã phân phát 315 tờ rơi, lắp đặt hơn 1000 poster và 3500 băng rôn; khuyến cáo khách hàng sử dụng thiết bị TKĐ như đèn compact, đèn huỳnh quang hiệu suất cao…Năm 2007, hơn 40.000 bóng đèn compact đã được bán ra. Nhờ đó điện năng tiết kiệm được trong khu vực sinh hoạt gần 14,9 triệu kWh, cũng trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã tiết kiệm được hơn 30 triệu kwh điện. Công ty Điện lực thành phố giao cho các điện lực khu vực phải giảm 15% tổng số điện năng tiêu thụ tại văn phòng so với trung bình các năm trước; tiết giảm 100% công suất đèn ở các bảng hiệu quảng cáo…Vì vậy đã giảm được hơn 102.000 kwh, giảm hơn 42,5% điện năng tiêu thụ trung bình cùng kỳ những năm trước. 6 tháng đầu năm 2008, công ty đã tiết kiệm được hơn 1 triệu kwh, giảm hơn 31% tổng sản lượng điện tiêu thụ cùng kỳ những năm trước. Với khách hàng là những đơn vị hành chính sự nghiệp, hưởng thụ ngân sách nhà nước, các cơ quan doanh nghiệp phải tiết kiệm 10% điện năng, Công ty khuyến cáo tiết kiệm và có sổ theo dõi lượng điện năng tiêu thụ, cảnh báo những khách hang chưa có biện pháp thực hành tiết kiệm …Nhờ đó, khu vực này đã tiết kiệm được gần 15 triệu kwh trong năm 2007 và gần 16 triệu kwh trong 6 tháng đầu năm 2008.

Với những đơn vị tiêu thụ điện không nhiều như các trường học, nhưng nếu buông lỏng quản lý thì lượng điện bị lãng phí cũng không nhỏ. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó trưởng phòng HC-TH, Trường Đại học Thuỷ lợi cho biết: Trong những năm gần đây, việc thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng của Chính phủ là việc làm thường xuyên của gần 600 cán bộ, giảng viên, CNV và hàng ngàn học sinh, sinh viên tại trường. Ở đây, vấn đề tiết kiệm điện đã được thực hiện một cách đồng bộ: phòng học được bố trí ánh sáng hợp lý, sử dụng chấn lưu điện tử; giảm dần sử dụng bóng đèn sợi đốt, thay thế bằng bóng huỳnh quang, bóng đèn compact. Trường đã thành lập Ban phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do một đồng chí Phó hiệu trưởng phụ trách. Chương trình hành động được xây dựng hàng năm. Nhiều giải pháp TKĐ được đề ra và thực hiện như: ban hành quy chế sử dụng điện; quy định sử dụng các thiết bị điện như sử dụng máy photo, điều hoà nhiệt độ, khoán mức điện sử dụng máy điều hoà cho các phòng; thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, quy định tắt-mở điện chiếu sáng công cộng.

Nhờ những biện pháp kiên quyết đó của nhà trường mà năm 2007, Trường Đại học Thuỷ lợi đã tiết kiệm được hơn 100.000 triệu đồng tiền điện.

Cách tiết kiệm của tỉnh Hải Dương cũng là một mô hình tốt cần nhân rộng: Đó là xoá bán điện qua tổng. Xoá bán điện qua tổng và bán lẻ điện đến hộ dân ở khu vực nông thôn đang là giải pháp giải quyết căn bản những bức xúc hiện nay của vấn đề điện nông thôn ở Hải Dương. Qua việc tiếp nhận hệ thống lưới điện hạ áp ở nông thôn hiện nay cho thấy hiệu quả hơn hẳn so với các mô hình quản lý điện trước đây: Giảm được tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn khoảng 10%( so với mức từ 25-35% trước đây, mỗi năm thất thoát khoảng 100.000 kwh điện.) Giá điện được thực hiện theo đúng theo quy định của Chính phủ. Nếu sử dụng 100 số đầu, khách hàng chỉ phải trả 605 đ/ kwh( toàn tỉnh vẫn còn 9580 hộ phải mua điện với giá trên 700đ/kwh). Đây là sự tiết kiệm điện năng rất lớn cho Nhà nước.

Mục tiêu của tỉnh Hải Dương là, đến năm 2010 sẽ xoá việc bán điện qua tổng ở 170 xã còn lại( trừ 60 xã nằm trong Dự án Năng lượng nông thôn II), thực hiện việc bán lẻ điện trực tiếp đến tất cả hộ dân ở khu vực nông thôn và do vậy phải cần một nguồn kinh phí rất lớn.. Đối với những người trước đây ở các HTX dịch vụ điện, nay bị giải thể, lợi ích của họ không còn, lãnh đạo Điện lực Hải Dương đang tích cực vận động, tuyên truyền, thực hiện ký hợp đồng với những người có tay nghề cao, bảo đảm thu nhập, tận dụng tay nghề, năng lực và trách nhiệm của họ với công việc.

Trong khi Chính phủ đang kêu gọi tiết kiệm điện thì mô hình xoá bán điện qua tổng tại nông thôn được coi là phương thức tiết kiệm điện hiệu quả. Người nông dân sẽ được hưởng những quyền lợi chính đáng về giá điện ưu đãi mà trước kia họ chưa được hưởng một cách công bằng.

Trần Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất