(TG)- Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017), ngày 17/5 tại nhiều địa phương trong cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.
* Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã tổ chức Lễ công bố 8 ấn phẩm mới có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn; có giá trị nghiên cứu chuyên sâu gồm: “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để xây dựng đất nước” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định”; “Lê Duẩn - Một tư duy sáng tạo lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam”; Sức sống “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; “Đại tướng Văn Tiến Dũng với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nội”; Bộ sách “Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển”.
Phát biểu tại Lễ công bố, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Chí Thành cho biết, trong số các ấn phẩm chọn lọc để giới thiệu lần này, hai tác phẩm nổi bật là: “Sửa đổi lối làm việc” và “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của Ðảng ta. Ngày nay, những giá trị trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được khẳng định và phát huy mạnh mẽ khi toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”.
Tác phẩm “Đời sống mới” đã nêu rõ bổn phận, trách nhiệm khi tham gia xây dựng đời sống mới của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị trên năm phương diện: cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại và cách làm việc. Nội dung cốt lõi của việc xây dựng đời sống mới là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Tác phẩm “Đời sống mới” đã tạo động lực to lớn cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Hiện nay, những nội dung trong tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, công tác dân vận, xây dựng chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam mới.
*Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tổ chức trưng bày chuyên đề ảnh về đề tài Đảng, Bác Hồ. Đây là hoạt động nằm trong chương trình lễ hội Làng Sen năm 2017. Triển lãm chia làm hai chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng" và "Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931". Tại triển lãm, gần 100 hình ảnh, tài liệu được Bảo tàng Nghệ An trưng bày đã góp phần thể hiện rõ quan điểm và vai trò quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, các hình ảnh về cao trào "Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931" được trưng bày tại triển lãm đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Làng sen năm 2017, cũng trong ngày 17/5, tại Nghệ An còn có Hội trại thanh niên; lễ dâng hoa tưởng niệm trước Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh và dâng hương báo công với Bác tại Nhà tưởng niệm ở Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn...
*Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức khai mạc Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK Thái Nguyên đến Phủ Chủ tịch Hà Nội (1947-1969)". Triển lãm trưng bày, giới thiệu gần 200 bức ảnh tư liệu và 30 tài liệu, hiện vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ở và làm việc tại ATK Thái Nguyên. Các tư liệu, tài liệu được phân thành 3 giai đoạn gồm: Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Thái Nguyên từ năm 1947- 1954; Những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Hà Nội từ 1954 - 1969; Đảng bộ, nhân dân Thái Nguyên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển lãm cũng giới thiệu những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.
Dịp này, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã tặng sách, tạp chí viết về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có cuốn “Sửa đổi lối làm việc” do Bác Hồ viết tại ATK Định Hóa năm 1947 cho một số đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ATK Thái Nguyên đến Phủ Chủ tịch Hà Nội (1947-1969)” mở cửa đến hết ngày 25/5.
*Ngày 17/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức Liên hoan các câu lạc bộ dân ca và chèo tỉnh Hà Nam năm 2017. Tham dự liên hoan có 9 câu lạc bộ dân ca, chèo đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh...
Theo ông Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, từ nhiều đời nay, người Hà Nam luôn gìn giữ, phát huy nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hà Nam tự hào là cái nôi sản sinh, phát triển một số loại hình dân ca độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa như: dân ca Hà Nam, hát Lả Lê, hát Dặm Quyển Sơn, hát giao duyên vùng ngã ba sông Móng... Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật chèo truyền thống, các làn điệu dân ca Hà Nam đã và đang được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm. Cùng với việc phát triển nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, các địa phương của tỉnh đã thành lập hàng trăm câu lạc bộ dân ca và chèo, góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa quần chúng ở địa phương.
*Tại Cảng cá An Hòa, huyện Núi Thành, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Giải đua Thuyền truyền thống phát thanh - truyền hình tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2017 tranh Cúp Bia Hà Nội. Hơn 500 vận động viên đến từ 21 đội thuyền đua có thành tích cao tại các huyện Núi Thành, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ đã tham gia tranh tài ở 3 nội dung gồm: Giải Hòa Bình nam cự ly 4,5 km, giải truyền thống nữ cự ly 6 km, giải truyền thống nam cự ly 7,5 km.
Sau 3 vòng thi đấu sôi nổi, Giải đua thuyền truyền thống phát thanh - truyền hình tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2017 đã kết thúc tốt đẹp. Ở giải Hòa Bình, giải Nhất thuộc về đội đua thuyền nam Duy Tân, huyện Duy Xuyên; đội Bình Giang và Bình Triều, huyện Thăng Bình lần lượt giành giải Nhì và giải Ba. Ở giải truyền thống nữ, giải Nhất thuộc về đội của thị xã Điện Bàn; các đội Tam Tiến, huyện Núi Thành, Duy Tân, huyện Duy Xuyên lần lượt giành giải nhì và ba. Ở Giải truyền thống nam, giải Nhất thuộc về đội Duy Tân, huyện Duy Duyên, giải nhì và ba thuộc về các đội Bình Giang, Bình Triều, huyện Thăng Bình.
* Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam”.
Triển lãm giới thiệu 87 bức ảnh về thân thế và những cống hiến vĩ đại của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Bên cạnh đó, triển lãm nêu bật những thành tựu đạt được hơn 40 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình bảo vệ, đổi mới, phát triển và hội nhập với những chuyển biến tích cực, xây dựng thành phố trở thành một đô thị lớn của cả nước, xứng đáng là thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Cùng lúc đó, tại đường Đồng Khởi, quận 1, Ban Tổ chức cũng trưng bày triển lãm gần 120 bức ảnh về chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và chủ đề “Thành phố mang tên Bác thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó, khách tham quan được tìm hiểu, học hỏi thêm về di sản tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những chuẩn mực chung cho đạo đức cơ bản của con người thời đại mới như: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, kết tinh của tinh hoa văn hóa Việt Nam. Người không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hóa, sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam, kiến tạo ra một thời đại mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa Việt Nam, là chuẩn mực của con người Việt Nam.
Với niềm vinh dự, tự hào được mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nêu cao quyết tâm thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Người, đưa việc học tập đi vào chiều sâu và không ngừng lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và đạt hiệu quả lâu bền, góp phần bảo vệ và xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Triển lãm diễn ra đến ngày 10/6./.
TG tổng hợp