Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 2/8/2012 23:37'(GMT+7)

Nhiều học giả Trung Quốc phê phán "đường lưỡi bò"

Ảnh minh họa: Đường lưỡi bò phi lý

Ảnh minh họa: Đường lưỡi bò phi lý

 

Những điểm sai trái của Đường lưỡi bò

Theo các tác giả Trung Quốc, Đường chữ U lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ các đảo trong biển Nam Trung Hoa - The Location Map of the South China Sea Islands (Nanhai zhudao weizhi tu) do Fu Jiaojin, Wang Xiguang biên soạn và được Vụ Địa lý của Bộ Nội vụ Trung Quốc xuất bản vào năm 1947. Một số người khác còn cố đẩy thời gian xuất xứ của con đường này xa hơn nhằm mục đích giải thích có lợi cho Trung Quốc. Họ cho rằng, Đường chữ U này do một người tên là Hu Jinjie vẽ từ năm 1914 và đến tháng 12-1947, một viên chức của Cộng hòa Trung Hoa tên là Bai Meichu vẽ lại đường này trong một bản đồ cá nhân. Đường đứt khúc gồm 11 đoạn vẽ gộp các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa và bãi ngầm Trung Sa. Tuy nhiên, năm 1953, đường 11 đoạn đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ, không rõ nguyên nhân. Trên thực tế, đến nay không có bất kỳ một tài liệu nào cho biết tọa độ cũng như vị trí chính xác của Đường lưỡi bò.

Học giả, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng (Hồng Công, Trung Quốc) Tiết Lý Thái cảnh báo, Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều khó khăn và thách thức từ cộng đồng quốc tế nếu cứ khăng khăng tuyên bố về Đường lưỡi bò. Học giả Tiết Lý Thái đã chỉ ra những điểm sai của “Đường lưỡi bò”:

Thứ nhất là việc Trung Quốc mới chỉ tự vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh, cũng chưa từng có động thái để nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Thứ hai, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ Đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Bắc Kinh không đưa ra một định nghĩa, chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của họ, thì làm sao mà thuyết phục được người khác? Tiếp theo, nếu như Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia không thể xâm phạm, thì thử hỏi tại sao sau khi nước Trung Quốc mới ra đời, Bắc Kinh lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ? Phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia như trò đùa?

Không chứng cứ pháp lý tin cậy

Một số học giả Trung Quốc khác cho rằng, Đường lưỡi bò chỉ là tuyên bố đơn phương của Trung Quốc mà không hề có cơ sở pháp lý vững chắc. Các học giả nước này cũng bất đồng với cách Trung Quốc diễn giải về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Cách diễn giải mơ hồ về quyền tài phán, không đề cập đến các yếu tố địa lý của đường bờ biển hay đường cơ sở là hoàn toàn không thuyết phục.

Ông Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và Luật Biển đã đăng trên các báo chí Trung Quốc, đã thẳng thắn phê phán những quan điểm sai trái về vấn đề biển Đông, bác bỏ Đường lưỡi bò tại hội thảo "Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế" do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và Báo Điện tử Sina.com tổ chức hôm 14-6. ông Lý Lệnh Hoa nhấn mạnh: "Chúng ta - Trung Quốc vẽ đường 9 đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể và cũng không có căn cứ pháp luật". Trong bài viết “Về bản đồ biên giới 200 hải lý trên Nam Hải (Biển Đông) vẽ theo UNCLOS” ngày 3-7, ông Lý Lệnh Hoa đã công bố một bức bản đồ phân định Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) liên quan đến các nước xung quanh Biển Đông thể hiện rõ các khu vực mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền theo cái gọi là Đường đứt khúc 9 đoạn hoàn toàn nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Bài viết này cũng nhằm phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và để Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu quốc tế 9 lô nằm hoàn toàn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Giáo sư Trương Thự Quang, Đại học Tứ Xuyên thì nhấn mạnh, khi Trung Quốc cương quyết đưa ra Đường lưỡi bò nhưng không có căn cứ để khẳng định và không được bất kỳ nước nào thừa nhận thì nó vô giá trị: “Quyền lợi của anh (Trung Quốc) cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì anh không có quyền”.

Thay đổi để tiến cùng thời đại

Một số học giả Trung Quốc đã đề xuất sử dụng UNCLOS 1982 để giải quyết tranh chấp theo tinh thần tôn trọng luật quốc tế, đàm phán hòa bình theo cơ chế song phương hoặc đa phương và tránh sử dụng vũ lực nhằm giảm nguy cơ xung đột.

Ngày 29-7, ông Tề Kiến Quốc, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hiện là Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu châu á - Thái Bình Dương, khi trả lời phỏng vấn của Thời báo Hoàn cầu đã phê phán và bác bỏ chủ trương của một số người Trung Quốc muốn gây chiến tranh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. ông Tề nói: “Trong vấn đề Nam Hải (Biển Đông), có người nói "phải đánh", tôi cho rằng khả năng đó rất nhỏ. Đó là vì hai nước Trung - Việt đều muốn khu vực này hòa bình, ổn định, đều chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán. Cho đến nay, lập trường của Trung Quốc chưa thay đổi”.

Sau khi kể lại quá trình ông tham gia đàm phán về phân định biên giới trên bộ và trên vịnh Bắc Bộ, ông Tề Kiến Quốc khẳng định, từ khi các hiệp định được ký kết, tình hình biên giới hai nước ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, nhất là người dân sống dọc theo biên giới. ông tin rằng, vấn đề Biển Đông dù lập trường hai bên còn khác nhau, “nhưng chỉ cần nhất trí về mục tiêu đàm phán, tức là đàm phán hòa bình, cuối cùng sẽ tìm được biện pháp giải quyết cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được”. ông Tề Kiến Quốc cũng khẳng định những luận điệu như “dạy cho Việt Nam một bài học nữa” chỉ là quan điểm cá nhân, không đại diện cho chính sách của Đảng và chính phủ Trung Quốc.

Ông Xue Li, chuyên gia chiến lược quốc tế Trung Quốc tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) đã bác bỏ hoàn toàn các tùy chọn của việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. ông nhấn mạnh đến các biện pháp hòa bình và tăng cường xây dựng lòng tin để giải quyết tranh chấp thay vì dùng đến các biện pháp quân sự.

Ông Lý Lệnh Hoa, trong bài viết đăng trên diễn đàn Sina.com dưới nhan đề: “Không thể trì hoãn việc giải quyết vấn đề Biển Đông”, cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần triển khai đối thoại, đàm phán hữu hảo, tạo bầu không khí hòa bình với các nước xung quanh có chung biển trên cơ sở tất cả các điều khoản quy định của UNCLOS 1982, bởi UNCLOS 1982 là "Hiến chương hải dương" hiện nay. Trên trang web cá nhân mình, ông Lý Lệnh Hoa cũng giải thích rõ ràng để mọi người hiểu bản chất của vấn đề. Theo ông, do hình ảnh Đường lưỡi bò được đưa vào sách giáo khoa nên đã tạo ra suy nghĩ sâu sắc cho nhiều thế hệ người dân Trung Quốc rằng đây là “quốc giới” trong khi nó lại không được thế giới công nhận. Nếu vẫn tiếp tục khẳng định như trên thì căng thẳng tại Biển Đông không bao giờ kết thúc. ông mong muốn học giả và người dân Trung Quốc có thể tiến cùng thời đại, tìm hiểu sự thực và thay đổi quan niệm chưa đúng đắn của mình.

Ngọc Hà/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất