Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, hiện nay trên toàn
Thành phố có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ cao mắc sởi do chưa được
tiêm phòng.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung
tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà
Nội luôn đạt trên 95%, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây vẫn có
tới 14.370 trẻ dưới 1 tuổi và 18.265 trẻ từ 1- 2 tuổi chưa được
tiêm vaccine phòng sởi. Số trẻ này có nguy cơ cao mắc sởi.
Những tháng đầu năm 2017, Hà Nội chỉ
ghi nhận 1- 2 ca/tháng, nhưng từ tháng 9/2017 đến nay, trung bình
mỗi tháng ghi nhận trên 10 ca mắc sởi.
Tại bệnh viện Bạch Mai, BS.Đỗ Duy Cường,
Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, trong Khoa đang điều trị cho hơn 10
bệnh nhi mắc sởi và ghi nhận cả trường hợp người lớn mắc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã
có 63 ca dương tính với sởi, trong đó có 1 ca tử vong. Năm nay, dịch có
diễn biến phức tạp, phân bố tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội
thành.
Nhận định diễn biến khó lường của dịch
sởi trong năm nay, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
cho biết, hiện số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính
với sởi đang tăng nhiều so với cùng kỳ 2016. Vì vậy, Sở Y tế đề
nghị Trung tâm y tế các quận, huyện ưu tiên nguồn lực cho công tác
tiêm chủng tại thời điểm này.
Đại diện Sở Y tế cũng cho biết, Thành
phố đang tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1
lần/tháng lên 4 lần/tháng, để phòng trừ trường hợp trẻ đến
lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay
tuần sau, đồng thời giảm tình trạng quá tải tại các điểm tiêm.
Theo các chuyên gia y tế, sởi là bệnh
theo mùa, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu
không biết cách chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử
vong. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu,
sinh non, không được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Người lớn cũng có thể
mắc sởi nếu cơ thể không đủ miễn dịch với bệnh.
Để phòng biến chứng nguy hiểm của bệnh
sởi, nếu thấy trẻ bị sốt và phát ban, phụ huynh nghi ngờ trẻ bị sởi nên
đưa trẻ đến khám bệnh tại cơ sở y tế nơi gần nhất.
Sốt xuất huyết giảm nhanh trên cả nước
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y
tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tuần từ 30/10-05/11 cả nước ghi nhận 2.744
trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận ca tử vong. So với tuần
trước số mắc giảm 17,9%. Số mắc giảm liên tiếp trong 11 tuần gần đây.
Trong đó, có 47 trong 63 tỉnh trên cả
nước ghi nhận số mắc giảm, 13 tỉnh ghi nhận số mắc tương đương và 3 tỉnh
ghi nhận số mắc tăng là An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh (tăng rải
rác dưới 16 ca).
Riêng tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo chống dịch
Bộ Y tế đã liên tục theo dõi sát tình hình diễn biến dịch, thường xuyên
họp cùng với các đơn vị liên quan và các chuyên gia quốc tế, tham mưu
cho chính quyền thành phố, đẩy mạnh hoạt động các Đội xung kích diệt bọ
gậy trên nhiều điểm nóng, huy động toàn bộ lực lượng cần thiết cùng vào
cuộc.
Bộ Y tế cũng đã cung cấp thêm 40 máy
phun cầm tay và 30 máy phun công suất lớn trên ô tô để nhanh chóng đáp
ứng phòng chống dịch. Kết quả phun hóa chất tích cực nhờ sự đồng lòng
của chính quyền và đa phần người dân thành phố.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng nhận
định, do thời tiết đang bước vào mùa lạnh nên dịch thời gian tới có thể
có xu hướng giảm, tuy nhiên khu vực miền Nam, miền Trung thời điểm hiện
nay trong những năm trước vẫn đang là tháng cao điểm về sốt xuất huyết.
Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân,
cộng đồng không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch sốt
xuất huyết và cần tiếp tục duy trì các hoạt động ngăn ngừa nguy cơ dịch
bùng phát trở lại./.
Theo chinhphu.vn