Năm 2016 chứng kiến dòng tiền chảy vào làng thể thao thế giới nhanh hơn
bao giờ hết, và lương bổng của các ngôi sao hàng đầu cũng phình to để
biến họ thành những thương hiệu triệu đô.
Trong làng bóng đá, vụ chuyển nhượng có giá trị kỷ lục thế giới (hơn 125
triệu USD) của Paul Pogba từ Juventus (Italy) sang Manchester United
(Anh) là ví dụ tiêu biểu cho một năm của những phi vụ kếch xù.
Thế nhưng cầu thủ 23 tuổi người Pháp này vẫn phải ngả mũ kính phục những
ngôi sao như Lionel Messi của Barcelona hay Cristiano Ronaldo của Real
Madrid - vận động viên có doanh thu cao nhất thế giới theo tạp chí
Forbes, với mức thu nhập gần 1,7 triệu USD/tuần nhờ lương và tiền quảng
cáo.
Hợp đồng 5 năm của Pogba với Manchester United có thể khiến nhiều
người hâm mộ và giới bình luận bất ngờ, nhưng các huấn luyện viên ở
những giải đấu hàng đầu và giới kinh doanh thể thao đã từng thực hiện
những phi vụ chuyển nhượng với giá không tưởng.
Sự bùng nổ bản quyền truyền hình đã làm đầy tài khoản của các câu lạc bộ
ở giải Ngoại hạng Anh và tạo tiền đề cho vụ chuyển nhượng của Pogba.
Tiền vệ Paul Pogba gia nhập Manchester United với giá kỷ lục. (Nguồn: Reuters)
Xu hướng chi đậm trong thể thao không dừng ở đó. Thu nhập từ truyền hình
đã tăng 40% ở giải Bundesliga của Đức trong khi giải bóng rổ nhà nghề
Mỹ NBA có một năm tài chính xuất sắc, còn đua xe Công thức 1 đã được
chuyển giao cho ông chủ mới người Mỹ trong thỏa thuận trị giá nhiều tỷ
USD.
Phát biểu trên tờ Daily Mail, cựu huấn luyện viên Manchester United Alex
Ferguson cho biết ngay vào thời điểm mà thỏa thuận truyền hình trị giá
10,2 tỷ USD từ năm 2016 đến 2019 được ký kết giữa Ngoại hạng Anh và Sky
Sports và BT Sprots, "giá trị chuyển nhượng và lương bổng sẽ tăng lên."
Các câu lạc bộ ở Ngoại hạng Anh đã chi hơn 1,5 tỷ USD trong mùa chuyển nhượng Hè 2016, tăng 34% so với năm trước.
Quyền lực của các ngôi sao Anh quốc cũng lan sang cả các thị trường nước
ngoài, nơi bản quyền phát sóng được bán cho người trả giá cao nhất. Hợp
đồng lớn nhất được ký cho tới nay là với dịch vụ video trực tuyến PPTV
của Trung Quốc với giá trị hơn 626 triệu USD hồi tháng 11.
Ở châu Âu, Bundesliga cũng thu về một khoản tiền lớn với thỏa thuận
truyền hình trị giá 3,48 tỷ USD trong 3 năm tới, tăng gần 40% từ năm
trước.
Nếu khó khăn kinh tế đang thắt chặt túi tiền ở nhiều nơi khác tại châu
Âu, dòng tiền lại chảy siết và nhanh trong môn bóng rổ ở Mỹ, nơi thu
nhập từ các dịch vụ truyền hình đã tăng gấp ba và môn thể thao này đã
thu được đến 5,2 tỷ USD trên toàn cầu, với lợi nhuận kinh doanh lên đến
900 triệu USD - một kỷ lục, theo Forbes.
Dòng tiền lại chảy siết và nhanh trong môn bóng rổ ở Mỹ. (Nguồn: NBA.com)
Đồng thời, các câu lạc bộ NBA cũng chứng kiến giá trị của họ tăng trung
bình 13%, đặc biệt là New York Knicks đứng đầu với giá trị 3 tỷ USD.
Khi thu nhập truyền hình tăng mạnh từ năm ngoái (và cao hơn đôi chút so
với mức của Ngoại hạng Anh), các đội bóng NBA cũng đang nâng lương.
LeBron James của Cleveland Cavaliers được tăng lương từ 23 triệu USD lên
30,9 triệu USD trong mùa giải 2016/2017.
Đua xe Công thức 1 cũng hưởng lợi lớn. Môn thể thao này được coi là đang
suy thoái nặng nề nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư lớn từ công ty Mỹ
Liberty Media của tỷ phú John Malone. Công ty này đã mua lại cổ phần
công ty mẹ của F1 trong một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD.
F1 đang đánh cược vào khả năng thu hút trên toàn thế giới, trong đó có
cả Mỹ, và hy vọng tạo ra một dòng thu nhập thậm chí còn lớn hơn trong
tương lai. Và điều đó sẽ khiến tài khoản của các ngôi sao còn phình to
hơn nữa./.
(TTXVN)