Chủ Nhật, 29/9/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 31/12/2011 14:48'(GMT+7)

Nhìn lại năm 2011: Tập trung giải quyết các "vấn đề nóng" trong ngành y tế

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh.  Ảnh: DƯƠNG NGỌC )

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: DƯƠNG NGỌC )

Ðể hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của ngành chuyên môn và sự vào cuộc của các ngành liên quan, chính quyền cơ sở.

Chống dịch tay, chân, miệng

Những năm gần đây, các loại dịch bệnh luôn có diễn biến khó lường. Năm 2011, ghi nhận sự "tăng tốc" đến chóng mặt của dịch tay, chân, miệng (TCM). Dịch xuất hiện rải rác ngay từ đầu năm, nhưng đến các tháng 8, 9 và 10 đánh dấu sự bùng phát mạnh mẽ, với sự tăng rất nhanh cả về số người mắc, chết. Tuần cuối cùng của năm 2011 cả nước vẫn ghi nhận tới 1.548 trường hợp mắc TCM tại 53 tỉnh, thành phố. Chưa có loại dịch bệnh nào được ghi nhận có người mắc ở tất cả các địa phương trong cả nước như TCM, với hơn 110 nghìn người mắc, trong đó có 166 trường hợp chết. Số mắc và chết đều cao hơn hàng chục lần so với những năm trước. Ðiều đó báo hiệu năm 2012, công tác phòng, chống dịch vẫn tiếp tục "nóng". Một trong những nguyên nhân làm cho dịch lây lan nhanh là do ý thức của người dân còn kém. Ðặc biệt, một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về bệnh và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng, chủ yếu chỉ nói đến tình hình dịch, bệnh mà không tuyên truyền về cách phòng bệnh thế nào. Thậm chí có nơi coi y tế dự phòng là lĩnh vực của riêng ngành y tế.

Ðáng chú ý, dịch lây lan nhanh, số người mắc trung bình hơn 2.000 trường hợp được ghi nhận trong nhiều tuần, nhưng tại nhiều địa phương cũng như ngành y tế vẫn cứ loay hoay đi tìm biện pháp chống dịch hiệu quả. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Y tế phải tổ chức tới ba hội nghị chuyên đề để thống nhất các biện pháp đối phó dịch TCM. Ðiều băn khoăn, khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế vẫn không công bố dịch? Dù đã đưa ra những lý do hết sức "thuyết phục" nhưng trên thực tế số người mắc bệnh vẫn chưa giảm, hoặc giảm chậm.

Trong khi đó, tuy không phải là địa phương có số người mắc và chết thuộc loại cao nhưng tỉnh Ninh Thuận đã chủ động công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Là tỉnh đầu tiên trong cả nước (cũng là duy nhất đến thời điểm này) công bố dịch TCM, Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực để tập trung dập dịch. Tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp khẩn cấp như: Tăng cường công tác chỉ đạo, tăng cường truyền thông, cấp kinh phí và các trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ công tác phòng dịch và điều trị bệnh; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát tích cực tại các địa phương... Ðáng chú ý, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để dịch không bùng phát trở lại đó là mọi người, mọi nhà hãy chú trọng giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể và vệ sinh ăn uống thường xuyên. Sự chung tay góp sức của cộng đồng, ngành y tế kịp thời trang bị một số phương tiện, thuốc men, máy móc cần thiết, qua đó giúp nhiều ca bệnh nặng được điều trị kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra trường hợp nào bị tử vong... Nhờ đó, dịch bệnh từng bước được khống chế và đẩy lùi. Sau hơn một tháng quyết liệt triển khai, thực hiện các giải pháp đồng bộ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố hết dịch TCM trên địa bàn tỉnh.

Trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, lĩnh vực y tế dự phòng phải đi trước một bước, cần sự quan tâm thích đáng của xã hội. Nhưng hiện nay, đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng còn thấp, trong khi nhu cầu thực tế rất cần có sự ưu tiên kinh phí cho lĩnh vực này. Theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ ba dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm gần đây, ngân sách cho y tế dự phòng vẫn còn eo hẹp, năm thấp nhất là 11,3%, năm cao nhất là 20,7%, trung bình là 16,4% so với tổng ngân sách toàn ngành. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập như chính sách thu hút các nguồn lực, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng chưa thỏa đáng làm cho cán bộ không hứng thú, yên tâm gắn bó với công tác y tế dự phòng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy với điều kiện hiện tại về trang bị, nhân lực hiện nay tuyến trung ương mới chỉ đáp ứng được 77% nhu cầu, tuyến tỉnh 54%, tuyến huyện đáp ứng được 41,6% nhu cầu. Ðội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng còn ít. Công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống y tế dự phòng chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế dự phòng đã từng bước được nâng cấp, trang thiết bị được đổi mới, song chưa đáp ứng yêu cầu. Tuyến tỉnh chỉ có 20% số trung tâm y tế dự phòng có cơ sở làm việc bảo đảm, 50% số trung tâm cần phải nâng cấp sửa chữa... Với những điều kiện về cơ sở vật chất, con người như vậy thì hoạt động dự phòng sẽ ít được triển khai mà chủ yếu đi dập dịch là chính!

Chống quá tải trong bệnh viện

Tình trạng quá tải bệnh viện đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Quá tải đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh, gia đình người bệnh, cán bộ, nhân viên y tế, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế và xã hội. Có nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, trong đó phải kể đến nhu cầu và ý thức khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng, mô hình bệnh tật thay đổi, đầu tư cho y tế thấp (tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân quá thấp so với trung bình chung khu vực và thế giới)... năng lực các bệnh viện tuyến cơ sở còn yếu, trong khi quá trình nâng cao năng lực và củng cố y tế tuyến cơ sở cần phải có thời gian.

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện, thời gian qua, một loạt các biện pháp đã được các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai như: Giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh; mở rộng loại hình điều trị ngoại trú và triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến khám, chữa bệnh, tăng số phòng khám, tăng ca, tăng giờ làm việc, khám bệnh cả những ngày thứ bảy, chủ nhật, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý người bệnh khám bệnh ngoại trú; thiết lập hệ thống tự động hẹn trả kết quả xét nghiệm cụ thể theo từng mốc thời gian trong ngày. Một số bệnh viện xây dựng và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh có đủ điều kiện trang thiết bị, kỹ thuật và chuyên môn để chuyển bệnh nhân từ các cơ sở quá tải cao tới để tiếp tục theo dõi, điều trị; hợp tác chuyên môn với các cơ sở điều trị có điều kiện về giường bệnh, buồng bệnh cho người bệnh nội trú; mở rộng các hình thức điều trị ngoại trú; phát triển mô hình chăm sóc tại nhà... Thực hiện thí điểm đồng bộ các giải pháp tại một số bệnh viện hiện đang có mức độ quá tải trầm trọng nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời, chưa giải quyết triệt để vấn đề. Tình trạng quá tải vẫn diễn ra phổ biến ở các bệnh viện đầu ngành, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhiều bệnh viện, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt từ 150 đến 200%, thậm chí có nơi tới 300%. Trong chuyến khảo sát tại các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, quá tải bệnh viện là tình trạng không thể chấp nhận được. Thừa nhận có phần lỗi của Bộ Y tế, nhưng giải quyết vấn đề này không thể ngày một ngày hai và một mình ngành y tế làm được mà cần có sự tham gia của các cấp, các ngành. Chính vì vậy, giảm tải bệnh viện đã được xếp vào vị trí ưu tiên, quan trọng số một trong bảy nhiệm vụ lớn của Bộ Y tế. Ngoài những giải pháp mà ngành và các cơ sở khám, chữa bệnh đang thực hiện, Bộ Y tế đang xây dựng đề án giảm tải bệnh viện để trình Chính phủ ban hành. Ðề án tập trung vào năm nhóm giải pháp: Mở rộng và xây mới cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng tỷ lệ giường bệnh; tăng cường chuyên môn, kỹ thuật; cải cách hành chính; cải tiến cơ chế tài chính y tế - viện phí - cơ chế thanh toán; xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách, tăng cường nguồn lực cho tuyến dưới; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhận thức của người dân...

Không chỉ tìm biện pháp chống quá tải bệnh viện, ngành y tế cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh đang triển khai các giải pháp mang tính toàn diện, từ đổi mới cơ chế tài chính, chính sách viện phí, chính sách bảo hiểm y tế đến phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... Qua đó tạo bước đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân những năm tới.

Trung Hiếu/ Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất