Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Tư, 19/11/2008 10:43'(GMT+7)

Nhịp cầu kết nối đạo và đời

Uỷ ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh là chỗ dựa cho nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo.

Uỷ ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh là chỗ dựa cho nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo.

Nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Uỷ ban đoàn kết công giáo Việt Nam là tập hợp đông đảo người Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân, cùng toàn dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy số giáo dân chiếm chưa đến 8% dân số cả nước, nhưng những người Công giáo đã có nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực cho đất nước.

Sẻ chia với những mảnh đời khó khăn


Thiết thực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, Uỷ ban đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh là chỗ dựa cho nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, làm tốt nhịp cầu nối kết giữa đạo và đời. Các cơ sở, tu viện của thành phố Hồ Chí Minh đã có 19 cơ sở dạy nghề miễn phí, giảm phí cho những người chưa có việc làm, từ đó, giúp nhiều người có việc làm ổn định. Nhiều doanh nhân Công giáo hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả mang lại lợi ích cho xã hội. Các xứ, họ đạo, các cơ sở tu viện trên toàn thành phố đã gây dựng 4 mái ấm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; 45 lớp học tình thương; 19 cơ sở dạy nghề miễn phí; 3 cơ sở dạy nghề cho trẻ khiếm thính, 4 cơ sở dạy nghề cho trẻ khiếm thị, 4 cơ sở nuôi dạy trẻ chậm phát triển; 6 mái ấm cho người khuyết tật; 32 cơ sở khám, chữa bệnh miễn phí, giảm phí; 5 cơ sở nuôi dưỡng người già.

Các hoạt động từ thiện bác ái của đồng bào Công giáo được tổ chức với rất nhiều hình thức phong phú. Tại Cần Thơ, linh mục, tu sỹ, giáo dân đã xây dựng 318 ngôi nhà tình thương trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, giúp vật liệu sửa nhà. Giáo phận Cần Thơ duy trì hoạt động “Nắm gạo tình thương, vận động được 17.000 tấn gạo cứu trợ cho những người khó khăn. Các xứ, họ đạo thường xuyên tổ chức hoạt động “Bát cháo tình thương", bát cơm người nghèo tại bệnh viện. Tích cực tham gia mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các dòng tu xây dựng các phòng khám, chữa bệnh Đông- Tây y kết hợp.

Phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", các cha xứ Khánh Hoà luôn động viên đồng bào Công giáo tích cực làm nhiều việc thiện. Nổi lên là hoạt động chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, nạn nhân chất độc da cam; khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Tiêu biểu cho phong trào này là Thầy To Ma Thông dòng Phan xi cô Nha Trang đã sửa chữa và làm mới 110 nhà cho người nghèo, xây dựng 1 trường mẫu giáo, 1 hội trường, kéo điện đến nhiều hộ nghèo. Tổng kinh phí cho hoạt động trên hơn 1 tỷ đồng. Dòng Thánh Giuse Nha Trang còn thành lập cơ sở y học cổ truyền từ năm 1982, đến nay đã có trên 500 ngàn lượt người đến khám chữa bệnh có hiệu quả; người nghèo, trẻ em, người cao tuổi được khám chữa bệnh miễn phí trị giá trên 1 tỷ đồng. Dòng Thánh Giu se còn xây dựng khu xã hội người phong trị giá trên 1,5 tỷ đồng với nhiều hạng mục.

Đầu tư giáo dục là đầu tư cho phát triển


Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập, hầu hết các gia đình Công giáo quan tâm tạo điều kiện và động viên các con, cháu học hành tiến bộ. Nhờ sự quan tâm đó, hiện nay không còn hiện tượng bỏ học ở tiểu học; số lượng học sinh ở các cấp mỗi ngày một tăng, nhiều em có thành tích cao trong học tập.

Xã hội hoá giáo dục, một số xứ ở Bình Thuận đã mở lớp mẫu giáo, lớp học tình thương, lớp học khiếm thính. Những lớp học này được hỗ trợ các dụng cụ học tập, sách vở, nhiều em có hoàn cảnh được cấp học bổng từ quỹ khuyến học ở các xứ họ. Nhà thờ Đông Hải, thành phố Phan Thiết mở lớp khiếm thính có 52 em, 3 lớp tiểu học. Thị trấn Phan Rí mở lớp học tình thương từ lớp 1 đến lớp 6, có 60 em theo học. Ở Tân Xuân, Hàm Tân mở 7 lớp tình thương có 100 em theo học. Ngoài ra còn hỗ trợ cho 19 học sinh dân tộc thiểu số, cấp học bổng cho 250 em từ cấp 1 đến đại học, trị giá hàng trăm triệu đồng.

Luôn xác định “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển", các giáo xứ luôn quan tâm, có nhiều hoạt động xây dựng nền giáo dục. Tại Đắk Lắk, hoạt động nổi bật nhất là là xây dựng trường lớp, xây dựng quỹ trợ giúp cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu dòng Bác ái Vinh Sơn mở lớp tư thục mầm non Hoa Cúc, lớp học tình thương từ lớp 1-5 giúp 140 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Giáo xứ Thanh Tâm xây dựng một phòng dạy nghề trị giá 66 triệu đồng. Dòng Nữ Vương Hoà Bình có trường mầm non Hoạ Mi được công nhận là trường chuẩn quốc gia và trường Khuyết tật Vi nhân đã dạy chữ, dạy nghề cho 150 em bị câm điếc, mù; xây 4 phòng học cho trại phong Ea Na trị giá 155 triệu đồng; giúp học sinh nghèo 23 triệu đồng. Các giáo xứ đã thưởng cho những học sinh có thành tích trong học tập 285 triệu đồng; tặng 265 bộ sách giáo khoa cũ và 34,5 triệu đồng mua sách giáo khoa mới; tặng 308 triệu đồng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó.

Nhờ sự quan tâm, nhiều gia đình Công giáo có 2 con đỗ đại học. Tiêu biểu như em Đặng Trung Dũng ở xứ Duy Hoà đạt giải 3 kỳ thi sáng tạo Robocon năm 2006; em Trần Văn Khoa xứ Kim Mai, nhiều năm đạt giải quốc gia - năm 2004 huy chương bạc, năm 2005 huy chương vàng giải toán Olimpic quốc gia lần thứ 11... và nhiều gương học giỏi khác.

           Chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Đồng bào công giáo cả nước đã mạnh dạn chuyển đổi kinh tế, cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, thâm canh, mở mang ngành nghề từ đó sản xuất kinh doanh thu được kết quả tốt. Nhiều tấm gương lao động cần cù, sáng tạo trong đồng bào công giáo đã xuất hiện.

Tại Bắc Giang, các xứ, họ đạo thuộc huyện Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hoà, Lạng Giang đã có năng suất lúa 250-300 kg/sào. Bình quân lương thực đầu người là 380-500 kg/năm; một số nơi bình quân 800-900 kg/năm. Nhiều nơi chuyển đổi độc canh cây lúa sang cánh đồng 50 triệu để chuyên trồng dưa bao tử, cà chua bi, ngô ngọt... như Hoà An, Tân Yên. Một số nơi đạt 80 triệu đồng nhờ trồng hoa, cây cảnh. Ở Ngọc Liễn, Hiệp Hoà chuyên trồng tỏi, ớt thuốc lào cũng mang lại thu nhập hành chục triệu đồng/sào. Phong trào phát triển VAC và VACR đang được người dân trong họ Nhật Đức, Tân Mỹ, huyện Lục Ngạn áp dụng. Với mô hình này, bà con đã trồng vải thiều, na dai, hồng nhân hậu, măng tre bát độ, cây lấy gỗ kết hợp với nuôi gia cầm, nuôi ong... cho thu nhập từ 60-100 triệu đồng/năm.

Mô hình nuôi thuỷ sản, thủy cầm, kết hợp với nuôi gia súc gia cầm cũng phát triển ở các khu dân cư Công giáo. Điển hình là gia đình ông Thân Văn Hạt họ Thiết Nham, Việt Yên; ông Nguyễn Văn Sinh họ Minh Đức, Yên Dũng với mô hình nuôi thủy cầm và nuôi lợn mỗi năm thu nhập 50-70 triệu đồng/năm; họ đạo thôn Cống huyện Lạng Giang với mô hình nuôi cá lồng, hiện có 120 lồng cá giải quyết cho 150 lao động có việc làm ổn định. Năm 2006 sản lượng cá đạt 60 tấn, trị giá 1,2 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, phát huy làng nghề cũng được đồng bào Công giáo chú trọng. Nghề vận tải đường sông ở họ Nguyệt Đức, Việt Yên; phát triển nghề cơ khí, nghề mộc và kinh doanh, dịch vụ cũng có những điển hình như: ông Phạm Đình Ngọc, bà Trần Thị Dung, bà Nguyễn Thị Thanh, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Bảo có xưởng mộc thu nhập từ 300- 500 triệu đồng/ năm. Với sự phát triển đa dang như trên, hộ khá giàu mỗi năm một tăng, hộ đói không còn, hộ nghèo giảm từ 35% xuống còn 11,4% (theo tiêu chí mới).

Trong sản xuất nông nghiệp, các xứ, họ đạo tỉnh Hà Nam đã thực hiện chủ trương xây dựng mô hình 50 triệu/ha/năm. Hiện nay, toàn tỉnh 1.994 hộ công giáo có mức thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên; 2.651 hộ sản xuất đa canh, 515 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 474 hộ làm kinh doanh dịch vụ. Tiêu biểu trong phong trào này ở thị xã Phủ Lý có 36 hộ với mức thu nhập 50 triệu đồng/ năm trở lên, 15 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 18 hộ kinh doanh dịch vụ; đặc biệt có 54 hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.

Các phong trào thi đua đã tạo ra một diện mạo mới cho các xứ, họ đạo. Đồng bào công giáo trong cả nước tiếp tục thi đua, đồng hành cùng dân tộc xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc./.


(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất