(TG) - Buổi tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng chính sách về giáo dục đại học; đề xuất quan điểm, chính sách đột phá nhằm phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần chuẩn bị cơ sở lí luận và thực tiễn để đề xuất chủ trương, đường lối, chính sách mới để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Sáng ngày 4/8, tại Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì phối hợp với Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi tọa đàm về “Chính sách đột phá phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục - Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: giáo dục đại học từ lâu đã được ghi nhận có mối liên hệ biện chứng với trình độ phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Giáo dục đại học đóng vai trò then chốt trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao; trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội phát biểu.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học không ngừng được mở rộng; công tác quản lí, quản trị đại học có bước đổi mới; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quan tâm, thúc đẩy; một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã lọt vào các bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới, khu vực.
Bên cạnh những thành tích đạt được, phát triển giáo dục và đào tạo nước ta trong những năm qua còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, yếu kém.
