Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Thứ Ba, 1/5/2018 9:14'(GMT+7)

Những bước tiến kỳ diệu của ngành ghép tạng Việt Nam

'

Trước đó, năm 2017, Bệnh viện Việt Đức cũng thực hiện thành công ca ghép tim cho bệnh nhi từ người hiến tim chết não là người lớn. 

Nhiều ca ghép khó 

Mỗi năm, ngành ghép tạng Việt Nam lại xác lập thêm được nhiều thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm thế giới. Đầu năm 2018, các bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam từ người cho chết não 

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trước khi được thực hiện ghép phổi, bệnh nhân Trần Ngọc H. (52 tuổi) ở Nam Định được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng do bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối. Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.

Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sỹ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh. 

Các bác sỹ đã chuẩn bị rất kỹ cho ca ghép phổi lịch sử này. Trong hơn 40 giờ hội chẩn liên viện, quốc tế, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động lực lượng lên đến 60 người thuộc Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối - Thư ký, Đơn vị ghép phổi của Trung tâm ghép tạng Bệnh viện tham gia.

Ca ghép phổi được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào 10 giờ ngày 26/2. Ca ghép kéo dài 8 giờ đồng hồ. Bệnh nhân H. sau khi ghép phổi được điều trị tích cực với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. 

Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. 16 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân H. đã tự đi lại trong phòng, tự thở, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định. Bệnh nhân đã ăn được cháo. 

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết từ nguồn tạng của người cho chết não này, sáu người đã được ghép thận, giác mạc, tim. Thận, giác mạc đã được ghép cho một bệnh nhân bị bệnh thận, ghép cho hai bệnh nhân bị bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Đồng thời, từ nguồn tạng của người cho chết não này, các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành bảo quản, vận chuyển tạng xuyên Việt để thực hiện tiếp các ca ghép thận và ghép tim cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh...

Năm 2017 cũng là năm chứng kiến nhiều thành tựu trong kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam; tiêu biểu như thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống và ghép tim nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam. 

Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo thực tế, ngày 21/2/2017, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên trên người tại Việt Nam. 

Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi Ly Chương B. (xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ ba, có chỉ định ghép phổi.

Không chỉ là trường hợp ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, ca ghép tạng này còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì thể trạng bệnh nhi rất yếu. Bệnh nhi lại được ghép tạng từ hai người khác nhau nên để cơ thể bé thích nghi với cả hai tạng là một thách thức với đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt cẩn thận khi dùng thuốc ức chế miễn dịch. Sau 10 giờ phẫu thuật, với các bước chuẩn bị và lấy thùy phổi từ hai người cho là bố và bác ruột của bệnh nhân, phổi ghép cho cháu B. đã hoạt động tốt. 

Bệnh nhân Trần Ngọc H. chuẩn bị được ghép tạng. (Ảnh: Tư liệu bệnh viện/TTXVN phát)


Năm 2017 cũng chứng kiến thành tựu đầu tiên trong ngành ghép tạng Việt Nam khi ghép tim của một người trưởng thành chết não cho một bệnh nhi chỉ mới 10 tuổi với thể trạng yếu ớt, suy kiệt. 

Bệnh nhân Nguyễn Thành Đ, 10 tuổi, bị chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15/3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công. 

Nói về ca ghép kỳ diệu này, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hữu Ước, khoa Tim, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhân Đạt 10 tuổi nhưng chỉ nặng có 21kg, thể trạng yếu ớt, trong khi trái tim hiến là của một thanh niên đã trưởng thành. Vì vậy, êkíp phẫu thuật đã rất thận trọng để quyết định ghép tim của nam thanh niên hiến tạng cho Đạt.

Cuối cùng, cuộc phẫu thuật cũng đã rất thành công dù phải vượt qua nhiều thử thách để xử lý quả tim sao cho tương xứng với lồng ngực cháu bé khi trọng lượng người cho so với trọng lượng của cháu bé vênh nhau khoảng 300%. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện ghép tim cho bệnh nhi. 

Nhiều người đăng ký hiến tạng nhưng vẫn thiếu 

Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia Nguyễn Hoàng Phúc cho biết năm 2017, Việt Nam thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó 631 ca ghép thận; 29 ca ghép gan; 3 ca ghép tim và 1 ca ghép phổi. 

Đến nay, Việt Nam đã làm chủ ghép được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca với tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. 

Tính đến 26/12/2017, số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não là 11.653 trường hợp. Con số này cao gần gấp đôi so với năm 2016 (6.726 trường hợp). Đến nay, số người đăng ký hiến tạng khi còn sống là 192 trường hợp; số người đã tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe, các thông số y, sinh học trước khi hiến tạng tại Trung tâm là 7 trường hợp. Hiện có một trường hợp đăng ký thực hiện hiến xác. 

Trong tổng số 11.663 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não vào năm 2017, con số đăng ký tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) lên tới 4.600 trường hợp, gấp rưỡi so với năm 2016. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định với sự thành công của các ca ghép tạng gần đây tại Việt Nam đã đánh dấu sự trưởng thành của y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới, trong đó khoa học và công nghệ là “tiền đề.” Kết quả này là nhờ sự phối hợp đồng bộ của các chuyên ngành nội khoa, sinh lý bệnh, miễn dịch, ngoại và ngành dược... 
 

Êkíp bác sỹ thực hiện ca ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp/TTXVN phát)


Theo Trung tâm điều phối ghép tạng, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỷ lệ không nhỏ là người chết não. Tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. 

Tuy nhiên đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống và rất ít khi được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não. 

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng, không hồi phục được.

Hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn nhưng số lượng người hiến tạng tại Việt Nam lại ít và khan hiếm. Mặc dù số lượng đăng ký hiến tạng đã gấp đôi so với năm 2016 nhưng so với 90 triệu dân thì đây vẫn là con số còn rất bé nhỏ.../.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất