Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Sáu, 24/10/2008 10:14'(GMT+7)

Những chuyển biến mới trong công tác phòng, chống tham nhũng

Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 3 tại Hà Nội

Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 3 tại Hà Nội

1. Những kết quả chủ yếu đã đạt được

- Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước đã được coi trọng nhằm nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và của các bộ, ngành, gắn với việc thực hiện Bước 2 của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều bộ, ngành và các địa phương đã có những hoạt động tích cực như: tổ chức các cuộc hội thảo; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình chính khóa giảng dạy trong trường chính trị; mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức kiến thức về phòng, chống tham nhũng; hệ thống hóa các văn bản về phòng, chống tham nhũng để phát hành làm tài liệu tuyên truyền và phổ biến([1])... Các báo, đài ở Trung ương và địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng; một số báo đài đã mở chuyên mục về công tác này.

- Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo thực hiện là khâu cơ bản, trọng yếu trong phòng ngừa tham nhũng: Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Bộ Chính trị đã ban hành 04 quy định và quyết định, Chính phủ ban hành 8/9 văn bản theo Chương trình hành động của Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền, bảo đảm hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng. Một số tổ chức nước ngoài của Thụy Điển, Đan Mạch... đã đánh giá “Chính phủ Việt Nam đáng được khen ngợi vì những nỗ lực ban hành nhanh chóng một khung pháp lý thiết yếu...”, cho công tác phòng, chống tham nhũng.

- Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh và triển khai thực hiện đồng bộ: Kinh nghiệm của các nước trên thế giới và của Việt Nam cho thấy, công tác phòng ngừa tham nhũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về quan điểm chỉ đạo đã nêu rõ “Vừa tích cực, chủ động phòng ngừa vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính”. Có nhiều nội dung giải pháp trong phòng, ngừa tham nhũng, trong đó có sáu giải pháp lớn là: công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện các chế độ định mức,

tiêu chuẩn; xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; minh bạch tài sản, thu nhập; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán. Các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua đã được tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, toàn diện. Việc công khai, minh bạch trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ, lựa chọn hình thức công khai phù hợp; các quy định về định mức, tiêu chuẩn được rà soát, bổ sung gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến ở các cấp, các ngành, mang lại hiệu quả thiết thực; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đã được cụ thể hóa bằng những quy định cụ thể, nhiều trường hợp đã xử lý nghiêm minh. Thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP, ngày 27/10/2007 của Chính phủ về các vị trí công tác phải chuyển đổi, đã có 10 bộ và cơ quan ngang bộ đã ban hành quy định để cụ thể hóa danh mục các vị trí và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; 768 cán bộ, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định của Chính phủ. Việc minh bạch tài sản, thu nhập, qua tổng hợp báo cáo của 40 cơ quan, tổ chức ở Trung ương và 63 tỉnh, thành phố đã có 31.296 cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng số 319.579 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo Nghị định 37/2007/NĐ-CP, ngày 09/3/2007 của Chính phủ; có 17 bộ, ngành ở Trung ương và 07 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập; việc kê khai tài sản, thu nhập tuy có chậm so với yêu cầu, nhưng về chất lượng đã có bước được nâng cao hơn so với các đợt kê khai trước đây, góp phần quản lý cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Thực hiện Chỉ thị 20/2008/CT-TTg, ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, đến nay đã được các bộ, ngành và địa phương triển khai nhanh, trên diện rộng, thực hiện sớm so với yêu cầu, với số đơn vị đã thực hiện chiếm 24% tổng số đơn vị sử dụng ngân sách; ngành Ngân hàng đã có nhiều cố gắng đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ thanh toán. Công tác cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và Nghị quyết 53 của Chính phủ đã được chỉ đạo triển khai đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, gắn với công tác phòng, chống tham nhũng theo hướng tinh giản bộ máy, giảm bớt đầu mối, có sự phân cấp và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới công nghệ quản lý; tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là những công việc liên quan tới người dân và doanh nghiệp, giảm phiền hà, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính; triển khai và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa” và ‘một cửa liên thông”; nhiều bộ, ngành và địa phương đã áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào công tác quản lý hành chính (2.096 cơ quan, tổ chức, đơn vị), qua đó đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hạn chế những nảy sinh tiêu cực, góp phần thiết thực cho phòng ngừa tham nhũng.

- Công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng đã được tăng cường:

Về công tác thanh tra([1]): Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Chính phủ đã kết luận 8 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm trị giá 966,573 tỷ đồng và 45.647 USD. Đã kiến nghị thu hồi 668,647 tỷ đồng và 45.647 USD, kiến nghị xử lý hành chính 9 tập thể, 29 cá nhân, chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.

Thanh tra Chính phủ cũng đã tiến hành thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban nhân dân các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hà Nội; kết thúc thanh tra trách nhiệm tại Bộ Giao thông - Vận tải; triển khai thanh tra trách nhiệm tại Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai.

Thanh tra bộ ngành, địa phương triển khai 4.485 cuộc thanh tra, đã kết thúc 3.239 cuộc. Qua thanh tra phát hiện sai phạm trị giá 814,12 tỷ đồng, 1.269,6 ha đất; kiến nghị thu hồi 307,253 tỷ đồng, 598,8 ha đất. Đã thu hồi được 123,25 tỷ đồng; 225,38 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 101 tập thể, 647 cá nhân, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ 21 vụ việc với 30 đối tượng.

Về công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng: 7 tháng đầu năm 2008, trong phạm vi cả nước đã khởi tố mới: 202 vụ/ 442 bị can, trong đó: tội tham ô tài sản: chiếm 50% số vụ và 43,2% số bị can, tội nhận hối lộ: 12,9% số vụ /16,3% số bị can, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 16,8% số vụ/ 15% số bị can, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ: 17,3% số vụ/ 24% số bị can, các tội tham nhũng khác: 3% số vụ/ 1,35% số bị can; Viện kiểm sát truy tố: 249 vụ/ 592 bị can; Tòa án xét xử: 235 vụ/ 591 bị cáo.

Trong thời gian qua, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã có nhiều cố gắng, bảo đảm các quy định của pháp luật, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được khởi tố; các cơ quan đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xử lý các vụ án. Một số địa phương phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng như: Quảng Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Hải Phòng, Sơn La, Cao Bằng, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bình Thuận, Bến Tre, Thừa Thiên Huế... Tuy nhiên, việc ngày càng phát hiện và xử lý được nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng không phải là do tham tham nhũng gia tăng ; mà chính là do kết quả quyết tâm chống tham nhũng của các cấp, các ngành, của Đảng và Nhà nước ta. Trong công tác phòng, chống tham nhũng lấy phòng ngừa là chính, nhưng trong tình hình hiện nay, tham nhũng đang diễn biến phức tạp, việc phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng có vai trò quan trọng để răn đe, phòng ngừa tham nhũng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý, khắc phục sơ hở, yếu kém trong cơ chế, chính sách.

- Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn về tổ chức, từng bước phát huy hiệu quả thiết thực: Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, 63 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Cục Điều tra tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an và Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được thành lập, cơ bản được kiện toàn về tổ chức, đi vào hoạt động phát huy hiệu quả tích cực. Việc thành lập đồng bộ hệ thống các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng từ Trung ương tới địa phương thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, là tiền đề quan trọng để chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.

- Vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được phát huy: Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng và ban hành quy chế hoạt động; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng định kỳ 6 tháng họp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương để nhận định, đánh giá, bàn biện pháp phối hợp triển khai công tác phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giám sát việc thực hiện và vận động nhân dân tích cực phát hiện, tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời có biện pháp ngăn chặn những hành vi lợi dụng tham nhũng để gây rối nội bộ. Các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng đã có những hoạt động bước đầu trong phòng, chống tham nhũng; các cơ quan tuyên truyền và cơ quan báo chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được quan tâm hơn: Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương được mở rộng bằng nhiều hình thức, như: tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ về phòng, chống tham nhũng với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, với nhiều chủ đề sát thực như “Cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng”...; tổ chức tiếp xúc với nhiều đoàn quốc tế để trao đổi về công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan phòng, chống tham nhũng và để bạn bè quốc tế thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.

Với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo tích cực, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng, sự cố gắng của các cấp, các ngành, nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trong những tháng đầu năm 2008 tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực về nhận thức, ý thức và hành động, đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, khẳng định quyết tâm cũng như khả năng của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng.

2. Những hạn chế, yếu kém

Cùng với những kết quả bước đầu đã đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng trong những tháng đầu năm 2008 còn nổi lên những hạn chế, yếu kém sau:

- Tuy về cơ bản đã thấy rõ sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng nhận thức về những nội dung công việc cần phải làm, nhất là những quy định cụ thể của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng chưa đồng đều, chưa sâu, nhiều nơi còn yếu, cá biệt có địa phương còn chủ quan cho rằng địa phương mình kinh tế chưa phát triển, còn nghèo nên ít tham nhũng, không có các vụ tham nhũng lớn, nghiêm trọng.

- Việc vận dụng các chủ trương, chính sách và các quy định cụ thể nhằm phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi chưa sát với tình hình thực tế, lúng túng trong thực hiện, hiệu quả còn thấp như: chất lượng kê khai tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà tặng; chất vấn trong Đảng... Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa mạnh dạn, thẳng thắn để đánh giá đúng thực trạng về tình trạng tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình.

- Công tác kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở nhiều nơi còn yếu, thiếu chủ động, chưa thực hiện thường xuyên theo định kỳ, bị động vào các vụ việc khi phát sinh; sức chiến đấu trong công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, cá biệt còn có hiện tượng né tránh trong xử lý. Phát hiện hành vi tham nhũng trong thời gian qua chủ yếu là phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; qua đơn thư tố cáo ngay trong nội bộ và nhân dân; phát hiện qua thông tin của các cơ quan báo chí; khâu phát hiện của cơ quan quản lý cấp trên, phát hiện thông qua hoạt động giám sát và tự kiểm tra phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu kém.

- Việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm và để kéo dài; một số vụ án trọng điểm mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng xử lý chưa đạt được yêu cầu về tiến độ đã đề ra; công tác xử lý hành vi tham nhũng thiếu toàn diện và đồng bộ, mới chỉ tập trung phát hiện và xử lý người có hành vi tham nhũng, còn các hành vi khác như: Người không báo cáo tố giác khi phát hiện hành vi tham nhũng; người không xử lý báo cáo, tố giác hành vi tham nhũng; người đe dọa, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, thông tin về hành vi tham nhũng; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, việc phát hiện và xử lý còn rất hạn chế.

- Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương còn lúng túng về nội dung và phương thức hoạt động. Cá biệt có tỉnh chậm kiện toàn về tổ chức, tới nay chưa phân công được đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực và bố trí cán bộ Bộ phận giúp việc nên hoạt động của Ban Chỉ đạo chỉ mang tính hình thức.

- Sự phối hợp của các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực chưa đồng bộ; nhận thức và chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trên cả hai mặt: phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng.

Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức còn gây bức xúc trong nhân dân. Ngoài các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng đã được xác định như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý ngân sách, cổ phần hóa doanh nghiệp..., thời gian gần đây tiếp tục phát hiện các vụ tham nhũng nghiêm trọng ở các lĩnh vực như quản lý tiền tệ, quản lý tài nguyên, khoáng sản, môi trường... cùng với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng chậm được xử lý và xử lý thiếu đồng bộ đã gây tâm lý hoài nghi của một bộ phận quần chúng về quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

3. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng như đã nêu trên đó là:

- Cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, như: quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp..., chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời đáp ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập và bước phát triển cao của khoa học - công nghệ.

- Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của công tác phòng, chống tham nhũng; nhận thức và ý thức còn hạn chế; thiếu chủ động trong tổ chức thực hiện. Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thường xuyên, chưa đủ mạnh để tự phát hiện các hành vi tham nhũng.

- Do đặc thù của công tác phòng, chống tham nhũng là các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên phạm vi rộng ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; đối tượng tham nhũng là đối tượng đặc biệt, người có chức vụ, quyền hạn, vì vậy việc phát hiện và xử lý rất khó khăn, đòi hỏi phải có bản lĩnh, quyết tâm và tính chiến đấu cao.

4. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới

Từ những kết quả và kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, những tháng cuối năm 2008 và trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung thực hiện các chủ trương, giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật Phòng, chống tham nhũng, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) và Luật Phòng, chống tham nhũng gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chú trọng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và của Nhà nước, nhất là các quy định cụ thể và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; đa dạng về hình thức tuyên truyền; mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo đài, kịp thời biểu dương các điển hình tốt, phổ biến các kinh nghiệm hay, phê phán những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đạo tạo và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản; quản lý việc thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý tiền tệ, quản lý khoáng sản... Các bộ, ngành và địa phương theo thẩm quyền tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp. Phân cấp mạnh mẽ gắn liền với quyền hạn và tự chịu trách nhiệm. Khẩn trương hoàn thành và ban hành các văn bản, đề án theo chương trình đã đề ra, như: Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; 03 Quy chế của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X)([2]); Phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Điều tra, Kiểm sát, Tòa án theo Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rà soát lại các văn bản đã ban hành mà trong quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, để có giải pháp kịp thời khắc phục.

Ba là: triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng sát hợp với tình hình của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị. Có giải pháp khắc phục kịp thời những yếu kém trong thời gian vừa qua; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, kỷ cương, liêm chính; nâng cao đời sống cán bộ, công chức; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ, việc tham nhũng, nhất là các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm (xử lý dứt điểm vụ Nguyễn Đức Chi, vụ Điện kế điện tử thành phố Hồ Chí Minh và mảng tội phạm kinh tế trong vụ PMU18). Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc tham nhũng mà Ban Chỉ đạo đang theo dõi, chỉ đạo. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra để tránh trùng lắp; chủ động rà soát, phát hiện, xử lý các vụ việc xẩy ra ở địa phương; tăng cường chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.

Năm là, thực hiện tốt cuộc kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” theo Quyết định số 160-QĐ/TW, ngày 12/5/2008 của Bộ Chính trị (hoàn thành trong quý III/2008). Tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2008 nhằm thúc đẩy việc thực hiện công tác này trong những năm tiếp theo.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương. Đối với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ, hoàn thiện trang bị cơ sở vật chất, xây dựng và ban hành quy chế hoạt động nội bộ; tổ chức các hội nghị theo khu vực để trao đổi kinh nghiệm, giúp các Ban Chỉ đạo và Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả thiết thực.

Bảy là, trong chỉ đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những trọng tâm công tác lớn để tập trung chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và kiểm điểm việc thực hiện thường xuyên theo định kỳ hàng tháng; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan báo chí cùng toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc chiến “chống giặc nội xâm” đầy cam go. Nhưng với những kết quả bước đầu đã đạt được trong thời gian vừa qua, chúng ta có đầy đủ niềm tin và khẳng định những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng là đúng đắn, có tính khả thi cao, tệ nạn tham nhũng nhất định được ngăn chặn và từng bước bị đẩy lùi, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008./.



([1]) Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đây là số liệu về thanh tra kinh tế - xã hội nói chung.

[2] Quy chế tự phê bình và phê bình; Quy chế giám sát trong Đảng; Quy chế nhân dân giám sát tổ chức đảng và đảng viên.


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất