Những năm qua, quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ luôn được được tôn tạo và cùng với đó, nhiều công trình mới được xây dựng để thế hệ mai sau có cơ hội khắc ghi chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Hiện nay, vùng đất Điện Biên Phủ san sát những di tích lịch sử: Từ Him Lam sang đồi Độc Lập, tới Bản Kéo, lên các đồi A1, C1, D1, đồi E... qua cầu Mường Thanh sông Nậm Rốm đến hầm De Castries…
Những công trình ấy được chú ý bảo tồn tôn tạo và một số công trình mới đã ra đời.
Đầu tiên phải kể tới việc bảo tồn, tôn tạo di tích cứ điểm Đồi A1 (tổng diện tích 81.500 m2) nhằm gìn giữ một trong những dấu tích lịch sử quan trọng của Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Đồi A1 đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Để tiêu diệt cứ điểm này, bộ đội ta đã đào hầm rồi đưa gần 1 tấn thuốc nổ phá tung hệ thống phòng thủ của đối phương vào lúc 20h30’ ngày 6/5/1954. Đó cũng là hiệu lệnh tổng công kích của Bộ Chỉ huy Chiến dịch cho các đơn vị trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đỉnh Đồi A1 hiện còn vết tích hố bộc phá và căn hầm cố thủ của địch.
Một công trình lớn khác là công trình bảo tồn, tôn tạo di tích đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được xây dựng.
Công trình nhằm giới thiệu cho đồng bào cả nước và khách quốc tế đến tham quan hiểu rõ được tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, nghệ thuật quân sự tài tình, sự dũng cảm, hy sinh và tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.
Tuyến đường kéo pháo dài gần 40 km. Cụm tượng đài kéo pháo dài 24 m, rộng 8 m, cao 12,5 m, nặng 1.200 tấn, mô phỏng cảnh bộ đội kéo pháo bằng tay vào trận địa phía bắc Điện Biên Phủ. Cụm tượng bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa, gồm 29 nhân vật (21 nhân vật bán thân, 8 nhân vật toàn thân). Con đường kéo pháo vào trận địa được tôn tạo giữ lại những dấu chân bộ đội ta kéo pháo vượt núi cao hiểm trở; có bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, người hy sinh thân mình cứu pháo.
Chiến công vĩ đại Điện Biên Phủ còn được ghi dấu bằng công trình Tượng đài Chiến thắng Mường Phăng (thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên).
Công trình được ghép từ 102 tấm đá xanh Thanh Hóa. Cụm tượng đài nặng 700 tấn, cao 9,8 m, rộng 6 m, dài 15,58 m.
Cấu trúc của cụm tượng đài gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7 m (đại diện các lực lượng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ), cùng 6 lá cờ, trong đó có 5 lá cờ nhỏ cao 7 m, biểu tượng cho 5 đại đoàn tham gia chiến dịch (Đại đoàn 312, 316, 308, 304 và Đại đoàn 351); một lá cờ lớn “Quyết chiến, quyết thắng” cao 9 m ở giữa. Dưới lá cờ có bức phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở chính giữa đọc bức thư của Bác Hồ…
Tuy nhiên, trong số những công trình bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới ở Điện Biên Phủ, tượng đài “Chiến thắng Điện Biên Phủ” trên đồi D1 được đặc biệt chú ý.
Tác giả tượng đài là nhà điêu khắc Nguyễn Hải (1933-2012), quê ở Tiền Giang.
Sinh thời, khi nói về tác phẩm này, ông cho biết: “Tôi chưa một lần đến Điện Biên Phủ. Nhưng khi tập kết ra Bắc, âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ còn ở mọi nơi. Qua sách báo, phim ảnh và đặc biệt là qua các bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hoàng Vân... tôi đã “ngấm” dần xúc cảm về chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật (1963), trong tôi nảy sinh ý tưởng sáng tác về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi lao vào làm việc miệt mài, tác phẩm được bắt đầu làm từ năm 1963 và đến cuối năm 1964 mới xong (lúc đầu là tượng để bày trong nhà)”.
“Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ” là nhóm tượng bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước đến nay. Tượng có chiều cao 12,6 m được đúc bằng 217 tấn đồng, dựng trên bệ cao 3,6 m và gồm 12 thớt, trong đó có những thớt nặng 40 tấn. Tác phẩm này của nhà điêu khắc Nguyễn Hải đã được chỉnh sửa so với nguyên mẫu để phù hợp với một không gian lớn ngoài trời để đặt tượng đài.
Về ý nghĩa nguyên bản của bức tượng, nhà điêu khắc Hải giải thích: Tượng đài có 3 anh Bộ đội Cụ Hồ, một em bé dân tộc Thái, một lá cờ đỏ sao vàng và một bó hoa. Một anh bộ đội phất cao lá cờ, tượng trưng cho các Đại đoàn quân đánh vào Điện Biên Phủ năm xưa. Khi sáng tác, tôi nhớ tới hình ảnh anh bộ đội cầm cờ phất trên nóc hầm De Castries. Một anh bộ đội bế em bé người Thái, trên tay cầm một bó hoa. Khi sáng tác anh bộ đội này, tôi nghĩ đến những văn nghệ sĩ quân đội đã, đang và sẽ góp sức ca ngợi chiến thắng, để chiến thắng mãi mãi đi vào sử xanh. Em bé người Thái tượng trưng cho sự nối tiếp thế hệ trẻ của các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Tây Bắc đẹp giàu. Anh bộ đội thứ ba cầm súng thể hiện tinh thần luôn luôn cảnh giác của quân đội trước mọi kẻ thù”.
Khi nghe tin tác phẩm của mình được chọn để làm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà điêu khắc Nguyễn Hải vô cùng hạnh phúc. Ông huy động cả gia đình, vợ là bà Lê Thị Chinh, nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, con trai là nhà điêu khắc Nguyễn Hải Nguyễn và con gái là họa sĩ Nguyễn Thị Chinh Lê tập trung làm bản phác thảo cho phù hợp với ngôn ngữ tượng đài trên đồi D1. Bức tượng phác thảo được làm tại xưởng của ông ở Bình Dương.
Nhà điêu khắc Nguyễn Hải quyết định tặng mẫu tượng đài cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên, thể hiện tấm lòng của người con Nam Bộ với đồng bào miền Bắc, đã nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho ông trưởng thành...
Trong những ngày này, Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức tỉnh Điện Biên đang cùng cả nước vui mừng kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tượng đài Chiến thắng sừng sững giữa đất trời Điện Biên lịch sử và cùng với các di tích khác của chiến trường năm xưa như: Đồi A1, cầu Mường Thanh, Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, Mường Phăng.... đã trở thành địa danh trường tồn cùng đất nước. Những di tích lịch sử cách mạng này mãi mãi là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, đồng thời luôn mở cửa chào đón khách du lịch quốc tế, đặc biệt là những cựu chiến binh Pháp, Mỹ, khẳng định sự thân thiện, tinh thần hợp tác cùng phát triển; là cơ hội cho thấy Việt Nam sẵn sàng xóa bỏ mọi thù hận, hướng tới tương lai./.
Theo chinhphu.vn