Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 28/10/2013 23:52'(GMT+7)

Những ký ức về Hà Nội một thời bao cấp

Bức tranh cổ động khổ lớn "Tiến tới Đại hội V" tại một vị trí trung tâm của Hà Nội năm 1981.

Bức tranh cổ động khổ lớn "Tiến tới Đại hội V" tại một vị trí trung tâm của Hà Nội năm 1981.

Là một trong những hoạt động nhân Kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Anh, Triển lãm là nơi hội tụ bằng hình ảnh những tư liệu, câu chuyện, kiến thức và tình cảm từ nhiều thế hệ về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển hiện đại của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Qua ống kính của một vị Phó Đại sứ Anh cách đây 30 năm, lần đầu tiên công chúng ở Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ được chiêm ngưỡng và cảm nhận về một Hà Nội trước Đổi mới, khi vết hằn cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc vẫn chưa phôi phai trong cuộc sống, thêm vào đó là những sinh hoạt thường nhật của thời bao cấp vẫn đang hiện hữu trong mỗi con người, mỗi gia đình và cả xã hội miền Bắc.

Năm 1980, nhà ngoại giao trẻ tuổi người Anh John Ramsden lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội. Khái niệm về nước Việt Nam của ông lúc bấy giờ rất mơ hồ. Nhưng khi được chứng kiến và hòa mình vào cuộc sống của người dân Hà Nội, ông đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp mộc mạc của một thành phố đang dần hồi phục sau chiến tranh.

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam (từ 1980 - 1983), trong những khoảnh khắc bấm máy ghi lại hình ảnh cuộc sống và con người Hà Nội thời bấy giờ, có lẽ  John không nghĩ một ngày những tấm ảnh đó sẽ được triển lãm tại đây, cho những con người của Hà Nội 30 năm về sau cùng chiêm ngưỡng.

 
Người Hà Nội xếp hàng mua rau ở cửa hàng mậu dịch.

Với John, nhiếp ảnh lúc đó không chỉ là một sở thích, mà còn là cách ông làm quen và khám phá một môi trường mới, một thành phố xa lạ cả về địa lý lẫn văn hoá, phong tục tập quán. Ông đến Hà Nội 4 tháng sau khi nhận quyết định Phó Đại sứ tại Việt Nam, với vỏn vẹn vài câu tiếng Việt giao tiếp và cả trong suy nghĩ chung của phương Tây về một thành phố khép kín sau chiến tranh. Nhưng ông đã rất ngạc nhiên và thú vị, bởi trước ông là một thành phố có một nhịp tim vẫn đang âm thầm đập - một thành phố có tâm hồn.

Bộ ảnh hơn 1.700 tấm John chụp trong 3 năm ở Hà Nội thể hiện quá trình biến đổi trong tình cảm và suy nghĩ của ông về Hà Nội. Từ những tấm đầu tiên ông chụp Hồ Gươm, cầu Thê Húc - các danh thắng hiển nhiên - ảnh của John dần thâm nhập vào cuộc sống và văn hoá Hà Nội. Những phong tục thường nhật và lễ giáo đã được ông quan sát một cách tò mò tỉ mỉ, 36 phố phường ông đã hoà mình vào sau giờ làm việc mỗi ngày, những quầy hàng chợ đầy hương vị lạ lẫm, thậm chí những nhân vật nghệ thuật tiêu biểu Hà thành như hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, đều được ông tìm cách tiếp xúc.

 
Tàu điện Hà Nội những năm đầu thập niên 80, thế kỳ XX.

Những vẻ đẹp bên ngoài là điều dễ thấy ngay được, nhưng có lẽ John đã hiểu hơn về Hà Nội khi ông đi sâu hơn - ông đã chứng kiến cảnh vất vả thiếu thốn của Hà Nội bấy giờ, nhưng ở đó ông nhìn thấy được tinh thần thật sự của một Hà Nội đang cố gắng từng ngày, từng giờ để vươn lên.

Lần đầu tiền trở lại Hà Nội sau 30 năm, John đã nói: "Hà Nội đã phát triển nhanh một cách đáng khâm phục, và tôi hiểu vì sao".

Triển lãm ảnh "John Ramsden & Hà Nội: Mảnh đất hoá tâm hồn" không chỉ là một dịp để đem bộ ảnh quý giá về Hà Nội những năm bao cấp trước Đổi mới đến với công chúng Hà Nội, mà đó còn là nơi để những người Hà Nội 30 năm về trước, những người Hà nội hôm nay và cả tác giả có mộ cuộc đối thoại trò chuyện.

 
Ô Quan Chưởng Hà Nội những năm đầu thập niên 80, thế kỷ trước.

Thông qua những tấm ảnh của John, công chúng trong nước cũng như các bạn bè quốc tế có dịp hiểu hơn về tinh thần và niềm lạc quan - những phẩm chất đáng kính trọng của quá khứ - của con người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng . Đối với các công chúng trẻ tuổi thì đây là những sự phát hiện, khám phá về chính thế hệ cha anh của mình.

Triển lãm đã thực sự gây được cảm xúc mạnh mẽ cho công chúng Việt Nam và đặc biệt là với người Hà Nội.

Với rất nhiều người, trong đó cả tác giả John Ramsden, Hà Nội thời bao cấp là một phần ký ức sâu sắc không thể nào quên./.

Thế Hoàng

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất