Việt Nam đã xác định một số ưu tiên của ngành y tế sau năm 2015 gồm
lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sức khỏe bà mẹ, trẻ em - dân số
kế hoạch hóa gia đình, bao phủ y tế toàn dân, tài chính y tế, kế hoạch
và thông tin y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược và y học cổ truyền,
HIV/AIDS, pháp chế.
Cuộc họp Nhóm đối tác y tế ASEAN quý 3/2014 với chủ đề Chương trình nghị
sự về phát triển y tế sau năm 2015 đã diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Jeffrey Kobza chủ trì cuộc họp.
Cuộc họp nhằm trao đổi với các đối tác phát triển về Chương trình nghị
sự phát triển y tế sau năm 2015 ở cấp độ toàn cầu; xác định những ưu
tiên hợp tác phát triển y tế trong khu vực ASEAN sau năm 2015; định
hướng ưu tiên hợp tác phát triển y tế Việt Nam sau năm 2015; cập nhật
thông tin, thảo luận về văn kiện toàn cầu về đối tác y tế quốc tế nhằm
đưa ra mục tiêu ưu tiên về y tế của các nước ASEAN…
Các đại biểu dự cuộc họp có chung nhận định, với những thay đổi trong
bối cảnh sau năm 2015, cộng đồng ASEAN cần phải chuẩn bị để đáp ứng với
các thách thức trong thời gian tới.
Nhằm đạt được thành công trong chương trình nghị sự về y tế, các nhóm
mục tiêu và ưu tiên y tế đã được đặt ra cho kế hoạch hợp tác y tế trong
các nước ASEAN bao gồm nhóm mục tiêu thúc đẩy lối sống lành mạnh; đối
phó với các mối đe dọa và nguy cơ mới nổi; tăng cường hệ thông y tế và
cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế; đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong
đó xác định tăng cường hệ thống y tế vững chắc nhằm đối phó với các bệnh
truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh nhiệt đới bị lãng
quên; ứng phó với các mối đe dọa, nguy cơ và thảm họa y tế môi trường,
đảm bảo sẵn sàng ứng phó trong công tác quản lý thảm họa y học trong khu
vực…
Việt Nam cũng đã xác định một số ưu tiên của ngành y tế sau năm 2015 gồm
lĩnh vực y tế dự phòng, khám chữa bệnh, sức khỏe bà mẹ, trẻ em - dân số
kế hoạch hóa gia đình, bao phủ y tế toàn dân, tài chính y tế, kế hoạch
và thông tin y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, dược và y học cổ truyền,
HIV/AIDS, pháp chế.
Trong công tác y tế dự phòng, Việt Nam thực hiện tốt hợp tác an ninh y
tế toàn cầu trong kiểm soát bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm;
tăng cường quản lý sử dụng vắc xin, kiểm dịch y tế biên giới và ứng dụng
công nghệ thông tin trong y tế dự phòng; tăng cường đầu tư cơ sở vật
chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế dự phòng; xử lý chất thải y tế,
phòng chống các bệnh nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích; các
biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong công tác khám chữa bệnh, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp
trong đề án giảm quá tải bệnh viện như đề án bệnh viện vệ tinh, đề án
xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, chế độ luân phiên
có thời hạn của người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngành nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua hướng dẫn triển khai,
kiểm tra, giám sát thực hiện các văn bản về chất lượng như bệnh viện;
tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, củng cố và hoàn thiện mạng
lưới y tế cở sở, đổi mới chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường y tế biển
đảo, quân dân y kết hợp... /.
Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)