Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 3/8/2012 20:39'(GMT+7)

Những nỗ lực thay đổi

Việc cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành đã chủ động hơn với nhiều chuyển biến, đổi mới, sáng tạo, được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Việc cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành đã chủ động hơn với nhiều chuyển biến, đổi mới, sáng tạo, được nhân dân cả nước quan tâm theo dõi.

Vào thời điểm Chính phủ đương nhiệm nhận nhiệm vụ, nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2011, phiên đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ đã chỉ rõ một số tồn tại của nền kinh tế - xã hội. Cụ thể, lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao; mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh; đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, công nhân ở các khu công nghiệp, vùng miền núi, dân tộc thiểu số… còn nhiều khó khăn; tai nạn và ùn tắc giao thông còn nhiều bức xúc...

Trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách trước mắt: Tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Nhìn lại một năm

Trong suốt một năm qua, các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các giải pháp tập trung vào thực hiện mục tiêu trên đây.

Về lạm phát, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2011 đã lên tới 22,16% so với cùng kỳ năm trước, thì trong 7 tháng đầu năm nay đã liên tục giảm. CPI tháng 7/2012 chỉ còn tăng 2,22% so với tháng 12/2011 và tăng 5,35% so với cùng kỳ năm trước.

Về lãi suất, ở thời điểm một năm trước, nhiều doanh nghiệp phải vay vốn với mức lãi suất trên 20%, thậm chí 24-25%. Cho tới nay, lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp ưu tiên đã phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay sản xuất kinh doanh khác ở mức 12-16%/năm. Đến ngày 27/7, tất cả các ngân hàng thương mại đã có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống rà soát các khoản cho vay cũ và tiến hành giảm lãi suất về tối đa 15%/năm.

Chính phủ đã triển khai và đã trình Quốc hội thông qua nhiều giải pháp cụ thể về thuế. Thực hiện Nghị  quyết 13 của Chính phủ, đã thực hiện gia hạn số thuế giá trị gia tăng phải nộp của tháng 4,5 và 6/2012 cho khoảng 208.250 lượt doanh nghiệp, với tổng số tiền thuế gia hạn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.  Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 của Quốc hội về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Nhờ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển tương đối ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, nhập siêu chỉ khoảng 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với con số 10 tỷ USD trong cả năm 2011.

Trong báo cáo ngày 2/8 về kinh tế Việt Nam, ngân hàng HSBC nhận định: Các nhà quản lý của Việt Nam đã thành công trong việc củng cố cân bằng giữa phát triển kinh tế với kiềm chế lạm phát. Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng không chỉ do ảnh hưởng từ nhu cầu nội địa giảm sút mà còn vì tăng trưởng toàn cầu đang khá yếu. Tuy nhiên, Việt Nam đang đi đúng hướng khi đã cắt giảm nợ và áp dụng những biện pháp thúc đẩy năng suất mà sẽ đưa nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng nhanh…

Về bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2012 là 2,7 nghìn tỷ đồng. Ở khu vực nông thôn, tình trạng thiếu đói giáp hạt từ đầu năm được cải thiện rõ rệt. Trong tháng 7, số hộ thiếu đói trong  cả nước là 15,1 nghìn hộ , giảm 48,8% so với tháng trước và  giảm 26,8% so với cùng kỳ.

Tình hình trật tự an toàn giao thông tốt lên, các vụ tai nạn giao thông và số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm xuống. Trong 7 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1%, số người chết giảm 17,6%.

Những dấu ấn điều hành

Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ cũng ghi những dấu ấn về tư duy chỉ đạo điều hành mới.  

Chuyển hướng kịp thời

Ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, trong đó, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, khi tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi, lạm phát kiềm chế ở mức thấp; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm, nền kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP tập trung vào tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường.

Theo sát diễn biến của tình hình và chuyển hướng linh hoạt, mau lẹ là một yếu tố hết sức quan trọng trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý.

Minh bạch hơn, công khai hơn

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường cung cấp thông tin chính thống cho báo chí; đặc biệt, tăng cường sử dụng hình thức thông cáo báo chí, giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ. Thủ tướng cũng giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".

Từ đầu năm đến nay, 14 Bộ  trưởng đã đối thoại với người dân trên Cổng TTĐT Chính phủ, đồng thời 12 Bộ trưởng đã tham gia chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời". Hàng loạt vấn đề nóng bỏng mà thực tiễn đặt ra đã được đề cập trong các chương trình này, góp phần giải tỏa những bức xúc, thắc mắc, kiến nghị của người dân, đáp ứng tốt hơn yêu cầu được thông tin kịp thời, chính thống của báo chí cũng như của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

Qua đó, các thành viên Chính phủ cũng tiếp nhận được những tiếng nói từ quần chúng, những phản hồi từ thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành.

Lắng nghe ý kiến nhân dân 

Chính phủ cũng hết sức coi trọng việc xây dựng và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, sử dụng ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách kịp thời, nhiều chiều và có hiệu quả.

Một minh chứng rõ ràng cho sự lắng nghe ý kiến người dân của các nhà quản lý là việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tháng 3/2012, Bộ Tài chính cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế lên 6 triệu đồng/tháng thay cho mức 4 triệu đồng/tháng như hiện nay. Đồng thời, dự kiến áp dụng từ năm 2014.

Cho tới nay, sau khi nghiên cứu và tổng hợp ý kiến tham gia, Bộ Tài chính trình Chính phủ thông qua điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, đồng thời dự kiến áp dụng từ 1/7/2013.

Việc nâng mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân lên 9 triệu đồng/tháng là một tin mừng với người dân nhưng điều đáng mừng hơn là việc làm này chứng tỏ Bộ Tài chính và các bộ, ngành đã chú ý lắng nghe, đáp ứng những kiến nghị chính đáng của người dân.

Nhiệm vụ cấp bách, tầm nhìn dài hạn

Trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của kinh tế thế giới và trước những khó khăn và bất cập nội tại của nền kinh tế trong nước, trên cơ sở phân tích rất kỹ tình hình, Chính phủ đã có những bước đi rất căn bản, điều hành theo hướng không để mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô dài hạn.

Trong khi tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, cần tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo bởi đây là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại, không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, Chính phủ cũng xác định rõ nhiệm vụ trong tâm trong suốt nhiệm kỳ 2011 – 2016 là tập trung giải quyết các đột phá chiến lược, tạo tiền đề tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, trong một năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm dần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Một năm là quãng thời gian quá ngắn để có thể thay đổi nhiều vấn đề yếu kém, trì trệ đã tích tụ từ nhiều năm, nhưng năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới đã khẳng định những nỗ lực lớn lao, quyết liệt, không ngừng đổi mới của các thành viên Chính phủ. Vẫn còn rất nhiều những khó khăn, thách thức phải vượt qua nhưng hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành đã tạo những tiền đề và củng cố niềm tin để Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ trong chặng đường còn lại.


Thanh Hằng - Chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất