Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Năm, 23/10/2008 6:35'(GMT+7)

Những phum, sóc bình yên

Điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

Điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng

Ngôi chùa Prêk-Chóp ở xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu vào những ngày lễ Sêne Ðôlta có rất đông bà con phật tử tụ hội về. Người lễ Phật, người học đạo, người tham gia quét dọn, sửa sang diện mạo chùa khang trang, tươi tắn hơn.

Hòa thượng Thạch Huôl phấn khởi, nói: Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới của Ðảng, Lai Hòa có nhiều đổi thay. Bà con phật tử luôn sống "tốt đời, đẹp đạo", chăm lo làm ăn và tích cực tham gia các hoạt động xã hội địa phương. Kinh tế có bước phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện. Nhiều hộ đã có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, ánh sáng đã về phum, sóc và đến với từng hộ gia đình.

Theo Hòa thượng, những kết quả đó bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước ta trong thời gian qua, có nhiều chính sách thiết thực, ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Sự quan tâm đó được cụ thể hóa bằng việc đầu tư thực hiện Chương trình 134, 135 và nhiều chính sách hỗ trợ khác của Chính phủ đối với những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gặp nhiều khó khăn. Ðảng bộ và chính quyền địa phương luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sinh hoạt tôn giáo của nhân dân, đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương giáo, đây là nhân tố quan trọng, có tác động tích cực làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay.

Mùa Sêne Ðôlta này, ở xã Tham Ðôn, huyện Mỹ Xuyên thật tưng bừng, náo nhiệt. Ðêm mùa khô, chi chít những ánh sao lấp lánh. Bà con Khmer quây quần chật kín trước sân khấu được dựng tạm bên con đường trung tâm chạy vào ấp Pnô Cam Both, là nơi giao lưu văn hóa văn nghệ. Các cụ già, thanh niên nam nữ, em bé Khmer cùng với bà con người Kinh, người Hoa hòa trong điệu múa lâm thôl, trong điệu nhạc dù kê vui nhộn, mừng mùa vụ bội thu. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng vỗ tay cổ vũ của người dân vang dội trong đêm. Trong bầu không khí vui tươi ấy, chúng tôi cảm nhận được sự bình yên, ấm no và hạnh phúc của bà con Khmer nơi đây.

Trong đêm giao lưu văn hóa văn nghệ, ngồi cạnh chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huỳnh Văn Bằng, tâm sự : Tham Ðôn là một trong những xã nghèo ở vùng sâu của huyện Mỹ Xuyên, trong 3.271 hộ thì dân tộc Khmer chiếm 70%. Ngày trước, dân thuần nông nhưng đất đai nhiễm phèn nặng, lại thêm nạn sinh đẻ nhiều, làng quê quanh năm lam lũ, đâu còn mơ tưởng cho con em học hành tử tế. Cả xã không một người học tới đại học...

Rót nước mời chúng tôi, anh nói tiếp : Nay thì các anh thấy đấy, Tham Ðôn khác xưa nhiều lắm. Nhờ Chương trình 135 của Chính phủ triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, 14 ấp trong xã đã có nhiều đổi thay đáng kể. Bây giờ Tham Ðôn không còn những con đường lầy lội khi mưa xuống, làm bọn trẻ phải vất vả khi đến trường như trước. Ðường giao thông từ trung tâm xã đến tận xóm ấp được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao lưu hàng hóa dễ dàng. Ðiện lưới thắp sáng mọi nhà, trạm y tế xã và trường tiểu học, trung học cơ sở được xây dựng khang trang, có điểm bưu điện văn hóa xã, các cửa hàng tạp hóa, thuốc tây, dịch vụ, ăn uống, chợ phiên tấp nập  người bán kẻ mua. Quan trọng là hàng loạt hệ thống kênh mương thủy lợi được nạo vét, đào đắp mới, tạo điều kiện khai thác hiệu quả tiềm năng của đồng đất Tham Ðôn. Ðến nay, cả xã không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 30% (tiêu chí mới). Số còn lại đều có mức sống từ trung bình khá trở lên, trong đó có khoảng 20% số hộ nhờ biết tính toán trong làm ăn trở nên giàu có. Nhiều gia đình có con vào đại học, nhà xây mới liên tiếp mọc lên, dân sống yên bình...

Nguồn lực nào tạo nên sự đổi thay lớn như vậy? - Chúng tôi hỏi. Bí thư Ðảng ủy xã Ðào Ðắc Hùng giải thích thêm: Những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi, giúp đỡ đồng bào Khmer trên các lĩnh vực, đầu tư vốn bằng nhiều nguồn với nhiều hình thức khác nhau. Các tổ chức đoàn thể tận tình hướng dẫn, trang bị kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt thông qua hoạt động các phong trào lao động sản xuất. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, đi đầu và nòng cốt của phong trào là MTTQ xã. Mặt trận cùng các tổ chức thành viên đã khơi dậy và tổ chức bà con đoàn kết lương giáo, cùng nhau làm nên sức mạnh đổi đời.

Chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của quê hương mình, bác Lý Sóc Khal, người dân sống lâu năm ở ấp Vũng Ðùng, xúc động nói: Trước đây, đời sống đồng bào dân tộc Khmer cực khổ lắm, quanh năm suốt tháng chỉ biết làm thuê, làm mướn, con cái thì thất học. Sau ngày đất nước giải phóng, Ðảng và Nhà nước chăm lo đời sống bà con dân tộc thiểu số về mọi mặt. Gia đình tôi và bà con trong phum, sóc có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ ơn Ðảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ. Chính sự chăm lo ấy mà bà con ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, ra sức đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất để xây dựng, bảo vệ cuộc sống no ấm và bình yên trên quê hương mình.

Còn chú Sơn Tuôl,  ngụ ấp Trà Mẹt không giấu được niềm vui: Cuộc sống đồng bào Khmer mình bây giờ thay đổi nhiều lắm. Thay đổi cả về diện mạo vùng quê đến cách nghĩ, cách làm của người dân. Ý thức của đồng bào dân tộc Khmer cũng được nâng lên rõ rệt, nhất là trong lao động sản xuất, họ năng động và nhạy bén hơn trước. Từ đó mà nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm, nuôi cá đồng, trồng hoa màu... đều được đông đảo bà con áp dụng để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Giờ có của ăn của để, bà con ai cũng mừng. Không chỉ có Lai Hòa, Tham Ðôn mà những vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay ở Sóc Trăng đã đổi thay nhiều, vẻ thanh bình làm cho không khí sinh hoạt trong phum, sóc nhộn nhịp hẳn lên. Ðó là thực tế sinh động tạo bước chuyển về đời sống của đồng bào Khmer.

Ðồng chí Lâm Ren, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, trên địa bàn 54 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào Khmer ở Sóc Trăng được Chương trình 135 đầu tư xây dựng gần 500 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống với tổng kinh phí hơn 430 tỷ đồng. Những công trình này đã góp phần làm cho vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng có sự thay đổi nhanh chóng. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi không ngừng phát triển, việc đi lại học hành, việc giao lưu hàng hóa thuận tiện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm mới đối với đồng bào Khmer giai đoạn 2001 - 2007, tỉnh đầu tư hơn 640 tỷ đồng để dạy nghề, giải quyết việc làm cho 15.125 lao động. Riêng Chương trình 134, từ 2005 - 2007 được Trung ương hỗ trợ 130 tỷ đồng, tỉnh xây dựng 21.989 căn nhà cho hộ Khmer nghèo, cung cấp nước sinh hoạt cho 3.308 hộ.

Năm 2008, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 134 với tổng kinh phí 107 tỷ đồng, bảo đảm giải quyết dứt điểm chính sách hỗ trợ nhà ở và cung cấp nước sinh hoạt cho 16 nghìn hộ Khmer nghèo. Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đến nay tỉnh đã hỗ trợ đồng bào Khmer các mặt hàng như muối i-ốt, thuốc chữa bệnh, vở học sinh và các loại giống cây trồng, vật nuôi với hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, để giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề truyền thống, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 62.667 lượt hộ Khmer nghèo vay hơn 294 tỷ đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ có vốn vay và được chuyển giao khoa học mới vào sản xuất cùng với sự lao động cần cù, chịu khó nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện.

Nhiều năm qua, đồng bào, các vị sư sãi, cán bộ, chiến sĩ Khmer trong tỉnh không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, yêu CNXH, đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, tập trung cho sản xuất, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày thêm giàu đẹp./.

(Theo Nhân Dân điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất