(TG) - Nhận định về thời tiết mùa đông năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dự báo không khí lạnh trong mùa đông 2022 - 2023 hoạt động ở mức tương đương với trung bình nhiều năm.
Theo đó, đợt rét đậm năm 2022 vẫn tiếp tục có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12 và các ngày rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2023. Cao điểm rét đậm có khả năng xảy ra trong tháng 1/2023.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, nhiệt độ trung bình 12/2022 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; tháng 1/2023 nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Theo tính toán của cơ quan khí tượng, mùa đông năm 2022, nền nhiệt ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương được gọi là Dao động Nam) có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina (hay Hài Đồng nữ - là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) từ nay đến hết năm 2022 với xác suất khoảng 55-65%.
|
Rét đậm sẽ tiếp tục diễn ra tới đầu năm 2023. (Ảnh: Phương Vy)
|
"Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng La Nina - hiện tượng này ít gặp, thường chỉ có chu kỳ 2 năm. Dự báo số lượng bão sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa cũng nhiều hơn trung bình nhiều năm", ông Hưởng nhấn mạnh.
Lý giải về việc mùa Đông năm 2022 đến muộn (cuối tháng 11 thời tiết vẫn còn oi nóng), Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, do tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng nhiệt độ tăng trong tương lai gần như chắc chắn. Dù có thể cắt giảm phát thải khí nhà kính ngay lập tức thì lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển hiện nay cũng đã làm cho trái đất nóng lên hơn 1 độ C so với giữa thế kỷ. Điều này có nghĩa, trong tương lai, có thể có nhiều mùa Đông ấm. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cũng cho thấy, các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ xảy ra nhiều hơn về tần suất và cường độ. Từ phân tích trên cho thấy, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến các đợt lạnh mạnh và sâu trong bối cảnh mùa Đông ấm.
“Điển hình như đợt rét đậm, rét hại xảy ra 39 ngày năm 2008 tại khu vực Bắc Bộ, đợt mưa tuyết diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ năm 2016 có thể lặp lại trong tương lai”, ông Hưởng nêu ví dụ.
Đề cập tới tình hình cụ thể của thời tiết trong những ngày đầu tháng 12/2022, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ ngày 7-9/12, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ngày và đêm 7/12, khu vực Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.
Cụ thể, từ 13 giờ ngày 7 đến 13 giờ ngày 9/12, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận có mưa từ 50-120mm, có nơi trên 200mm; từ 13 giờ ngày 7 đến 13 giờ ngày 8/12, khu vực Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
Ngoài ra, ngày 7-9/12, trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1-báo động 2, có sông trên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 1.
Trên biển, ngày và đêm 7/12, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Ngày và đêm 8/12, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau và vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, sóng biển cao từ 2-4 m, biển động; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển khu vực Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-5 m, biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.
Những khuyến cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân và giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp trước rét đậm rét hại:
- Thường xuyên theo dõi thông tin về rét đậm rét hại để chủ động phòng chống
- Mặc quần áo đủ ấm, không nên tập thể dục quá sớm, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín, không nên uống rượu khi ở ngoài trời lạnh.
- Chủ động che chắn cho cây trồng bằng ni lông, bạt.
- Củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm cho gia súc, vật nuôi, vệ sinh chuồng trại;
- Không chăn thả rông, chăn thả gia súc ngoài trời trong những ngày giá rét
- Chủ động dự trữ thức ăn thô (rơm rạ, cỏ khô,..) đảm bảo phòng chống đói, rét cho gia súc
- Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Hằng Thu