Thứ Bảy, 23/11/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 24/12/2016 16:8'(GMT+7)

Những vụ bê bối chấn động thể thao thế giới trong năm 2016

Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Doping "nhấn chìm" thể thao Nga

Vụ việc nhiều vận động viên Nga ở các môn thể thao khác nhau sử dụng chất kích thích bị phanh phui trong năm 2016 đã khiến cả thế giới sửng sốt. "Xứ sở Bạch dương" đang nỗ lực để có thể được quay trở lại tham gia giải vô địch điền kinh thế giới 2017 ở London (Anh). Liên đoàn điền kinh quốc tế trước đó đã gia hạn lệnh cấm các vận động viên Nga thi đấu cho tới ít nhất tháng 2/2017.

Tháng 11/2016, người đứng đầu Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) Craig Reedie cho biết Nga "còn nhiều việc phải làm" mới có thể đáp ứng được các quy định về doping quốc tế. Nước này đã thông qua một luật mới cho phép kết tội hình sự việc sử dụng chất kích thích, nhưng cũng bác bỏ các cáo buộc trong bản báo cáo McLaren cho rằng Chính phủ Nga đứng sau bê bối doping này.

Sau khi hơn 110 vận động viên Nga bị cấm thi đấu ở Đại hội thể thao thế giới (Olympic) hồi tháng 8/2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), Ủy ban Olympic quốc tế đã mở 2 cuộc điều tra đối với thể thao Nga, trong đó chủ yếu liên quan tới các vận động viên tham dự Olympic Sochi 2014 và Olympic London 2012.

Tham nhũng trong bóng đá

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã có một loạt thay đổi nhân sự kể từ khi các nhà điều tra Thụy Sĩ bắt giữ 7 quan chức của tổ chức này tại một khách sạn ở Zurich (Thụy Sĩ) hồi tháng 5/2015. Tuy thế, các công tố viên không dừng lại tại đó và 8 nhân vật chủ chốt trong vụ án này sẽ phải ra hầu tòa ở New York (Mỹ).

Cựu Phó Chủ tịch FIFA Jeffrey Webb, người từng thú nhận tội âm mưu lừa đảo, gian lận thư tín và rửa tiền, có thể bị kết tội trong tháng 5/2017. Hai cựu Phó Chủ tịch FIFA khác là Jack Warner và Nicolas Leoz có thể bị dẫn độ sang Mỹ trong năm 2017. 41 cá nhân và công ty đã bị giới chức Mỹ buộc tội hối lộ hơn 200 triệu USD.

Các công tố viên Mỹ và Thụy Sĩ cũng đang điều tra riêng rẽ việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 lần lượt cho Nga và Qatar cũng như các hoạt động của cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter.


(Ảnh: AFP)

Gian lận trong đua xe đạp

Tháng 4/2016, Femke Van den Driessche - một cựu vô địch châu Âu nội dung đua xe đạp cyclocross người Bỉ, đã trở thành tay đua đầu tiên bị cấm thi đấu vì sử dụng động cơ điện bí mật. Có thể cô không phải là người cuối cùng bị phát hiện gian lận trong thi đấu. Tay đua Thomas Voeckler, người từng nắm áo vàng của Tour de France, cho biết rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp có sử dụng động cơ, và đáng lý ra các nhà chức trách sẽ phải phát hiện thấy điều này, vì theo anh những gian lận này còn dễ bị phát hiện hơn doping.

Các camera hồng ngoại đã được đưa vào sử dụng trong Tour de France năm nay. Một số đội đua đã bị lọt vào "tầm ngắm".

Lạm dụng tình dục


Cảnh sát xứ England và Scotland (Vương quốc Anh) đang điều tra hơn 200 cáo buộc lạm dụng tình dục giữa các huấn luyện viên và các cầu thủ trẻ của 30 câu lạc bộ bóng đá, trong đó có 4 đội thi đấu giải Ngoại hạng Anh. Cựu cầu thủ Andy Woodward của câu lạc bộ Crewe Alexandra đã "châm ngòi quả bom tấn" khi anh kể lại vụ việc mình bị lạm dụng tại lò đào tạo trẻ của đội 25 năm trước.

Sau đó, người ta đã phát hiện ra câu lạc bộ Chelsea đã trả tiền cho một cầu thủ để giữ im lặng về việc bị lạm dụng tình dục và một huấn luyện viên đội trẻ bị buộc tội tại Crewe cũng đã làm việc ở Manchester City. Câu lạc bộ Southampton cũng bị kéo vào scandal - vốn được Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh Greg Clarke gọi là cuộc khủng hoảng "lớn nhất" ông từng biết trong bóng đá.

Doping trong cử tạ

Có đến 48 trong tổng số 104 kết quả xét nghiệm thực hiện đối với các vận động viên cử tạ tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012 là dương tính với doping.

Vụ bê bối của đô cử Ilya Ilyin người Kazakhstan - người từng giành Huy chương Vàng ở cả hai kỳ Olympic trên - đã cho thấy những khủng hoảng mà môn thể thao này đang phải đối mặt. Liên đoàn cử tạ quốc tế (IWF) thậm chí cũng đã phải sốc trước kết quả thử doping của các vận động viên Nga và Bulgaria trước thềm Olympic Rio 2016 hồi tháng 8 vừa qua. Chủ tịch IWF tuyên bố các đô cử Nga, Kazakhstan và Belarus cho kết quả dương tính với doping sẽ bị cấm thi đấu trong vòng 1 năm./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất