Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 27/7/2017 8:41'(GMT+7)

Nợ đọng bảo hiểm xã hội gần 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ BHXH, BHYT tháng 7/2017.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ BHXH, BHYT tháng 7/2017.

6 tháng đầu năm 2017, tổng số nợ đóng tiền bảo hiểm là 13.488 tỷ đồng, trong đó, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) 9.682 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 540 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế (BHYT) là 3.625 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2017, ngành BHXH đã thu đạt 140.304 tỷ đồng, bằng 49,53% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017, tăng 24.408 tỷ đồng (tương đương tăng 21,06%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu BHXH đạt 98.067 tỷ đồng, thu bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 6.254 tỷ đồng, thu BHYT đạt 35.983 tỷ đồng.

Trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm ở trên, ngành BHXH đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt như: Yêu cầu cán bộ ngành BHXH thu nợ đóng bảo hiểm phải bám sát đơn vị, định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ yêu cầu trong vòng 15 ngày phải trả nợ. Nếu đơn vị khi nhận được thông báo vẫn không nộp tiền nợ bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm sẽ đến trực tiếp đơn vị làm cam kết trả nợ; Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thông báo danh sách những đơn vị nợ bảo hiểm trên những phương tiện thông tin đại chúng; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát để chuẩn bị tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ và trốn đóng BHXH...

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, để giảm tình trạng nợ đọng bảo hiểm, nhiều biện pháp được triển khai, trong đó có việc khởi kiện đơn vị trốn đóng BHXH, BHYT. Tuy nhiên, đến nay chưa có vụ kiện nào được đưa ra xét xử.

Về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,17 triệu người; BHTN là 11,28 triệu người; BHXH tự nguyện là 241.000 người và BHYT là 76,44 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,19% dân số cả nước.

Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT, đến hết tháng 6/2017, toàn ngành BHXH ước giải quyết chế độ BHXH cho 4,49 triệu lượt người, trong đó giải quyết chế độ BHXH hàng tháng cho 62.041 lượt người; Giải quyết trợ cấp một lần cho 326.953 lượt người; Giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho 4.100.252 lượt người.

Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng đã thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho khoảng 75,57 triệu lượt người, tăng 7,7 triệu lượt người (tương ứng tăng 11,4%) so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành BHXH ước chi BHXH, BHYT 123.652 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách 21.313 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 60.826 tỷ đồng, chi từ Quỹ BHTN 2.901 tỷ đồng và chi khám chữa bệnh BHYT là 39.199 tỷ đồng.

Cũng theo BHXH Việt Nam, trên cơ sở dữ liệu từ hệ thống thông tin giám định, ngành bảo hiểm đã từ chối thanh toán BHYT trên 300 tỷ đồng. Kết quả phân tích các hồ sơ đề nghị thanh toán đã phát hiện có trường hợp chỉ định không phù hợp với quy định kỹ thuật, hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, thanh toán sai tiền giường, tiền khám bệnh, chỉ định quá mức cần thiết xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh…. Cụ thể, một số phòng khám đa khoa tiếp nhận hàng nghìn lượt khám bệnh mỗi ngày, có bác sỹ khám trên 100 bệnh nhân trong ngày, trong đó có những bệnh nhân khám, kê đơn trong vòng 1-3 phút.

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), tiền xét nghiệm của 6 tháng năm 2017 là 4.680 tỷ đồng, trong đó riêng chi cho chẩn đoán hình ảnh là 3.431 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân là do việc chỉ định chưa hợp lý các xét nghiệm cận lâm sàng.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, từ chối thanh toán không có nghĩa là xuất toán, từ chối thanh toán này chỉ mang tính chất thời điểm. Khi bệnh viện áp sai mã danh mục dùng chung thì hệ thống giám định sẽ báo đỏ và cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ từ chối thanh toán, kéo theo việc từ chối tạm ứng ở giai đoạn tiếp theo. Một thời gian sau điều chỉnh lại, áp mã kỹ thuật dùng chung thì đơn giá của dịch vụ kỹ thuật có thể tăng lên hoặc giảm xuống, thông thường là giảm xuống và phần tiền đó sẽ được thanh toán./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất