Chủ Nhật, 29/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 14/11/2008 9:16'(GMT+7)

Nói "bộ máy hành chính hành dân là chính" là áp đặt

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời trực tiếp tại hội trường 16 chất vấn của 16 ĐB Quốc hội, tập trung vào các vấn đề cải cách hành chính, chống tham nhũng, thực hiện chính sách "tam nông", bảo vệ môi trường, hoạt động điều hành của Chính phủ và trách nhiệm của người đứng đầu khi các bộ ngành mắc khuyết điểm...

Trả lời câu hỏi của ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) về việc với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng đã và sẽ đề xuất những giải pháp gì nhằm làm thay đổi một cách cơ bản nền hành chính quốc gia theo hướng hành chính phục vụ nhân dân, không phải như dân gian lưu truyền hành chính tức là hành dân là chính, Thủ tướng cho rằng, cải cách hành chính so với yêu cầu, so với mong muốn thì chưa đạt, nhưng nói công bằng thì chúng ta đã có bước tiến dài.

"Đại biểu Quốc hội Hà Nội vừa nói chúng ta nói một câu là bộ máy hành chính chúng ta hành dân là chính, nói như vậy tôi cho là không đúng, quy kết như vậy là không đúng. Tôi xin hỏi các vị đại biểu Quốc hội có phải vậy không, Đảng, Nhà nước ta làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, đạt nhiều thành tựu, đạt nhiều kết quả, nhưng bên cạnh đó cũng còn có một bộ phận nào đó thì chúng ta phải tiếp tục kiện toàn, phải tiếp tục xây dựng. Bây giờ chúng ta dùng từ nói bộ máy hành chính hành dân là chính, tôi nghĩ nói như vậy không đúng với thực tiễn mà là một sự áp đặt như vậy không được" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khẳng định, nếu nói cán bộ tiêu cực ngày càng nhiều thì không thể chấp nhận được. Người nào, cá nhân nào tiêu cực, nhũng nhiễu thì ta phải xử lý. Ở đâu cũng có tổ chức Đảng, có bộ máy chính quyền thì chúng ta phải nghiêm túc xử lý: "Đây là thái độ dứt khoát, rõ ràng, nhưng tôi cũng muốn nói lại một điều là bây giờ các vị thử xem số này nhiều tuyệt đối hay là số tốt lo cho dân là nhiều. Tôi đi gần như tất cả các địa phương, các ngành đều nói với tôi rằng tất cả đều tận tụy phục vụ nhân dân, còn bây giờ nhân dân phát hiện, chúng ta phát hiện người nào thì kiên quyết xử lý đây là thái độ dứt khoát, nhất quán của Nhà nước, của Chính phủ.."

Đề cập tới vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua là vấn đề môi trường, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng hiện số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khá nhiều và việc xử lý sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất, tăng trưởng kinh tế và người lao động. ĐB này băn khoăn Chính phủ sẽ hành động thế nào để vừa đảm bảo được an sinh xã hội và đảm bảo được phát triển kinh tế.

Trước băn khoăn này, Thủ tướng cho biết hiện tượng gây ô nhiễm môi trường cần phải có thời gian và ngân sách thoả đáng để xử lý. Riêng với vấn đề xử lý, tinh thần chung của Chính phủ là xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem xét có lợi nhất. Thủ tướng lấy ví dụ như Vedan, Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra ngay, nếu chưa chấp hành đúng với quyết định của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường, không thực hiện đúng thì tiếp tục xử lý.

"Nhưng anh xử lý làm sao để Vedan không còn thải nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường, nguồn nước, Vedan vẫn còn tiếp tục hoạt động, hoạt động được vì đây là năng lực sản xuất của xã hội, một công trình đầu tư 0,5 tỷ đô la, mỗi năm tiêu thụ 0,5 triệu tấn khoai mỳ, liên quan tới hàng chục ngàn hộ dân, 3.000 người làm việc tại đây, chúng ta vừa xử lý đúng pháp luật về môi trường, đạt yêu cầu về môi trường nhưng cũng phải giải quyết các cái khác, cho nên giải quyết việc gì cũng phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể, điều kiện cụ thể, vừa đúng pháp luật vừa chọn cái có lợi nhất" - Thủ tướng thẳng thắn nói.

Về xóa đói giảm nghèo như băn khoăn của ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi), Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm phát triển của Đảng và Nhà nước ta là phát triển bền vững, trong đó có 3 trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế phải cao, hiệu quả, tiến bộ công bằng xã hội giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ và cải thiện môi trường.

"Chúng ta phải phấn đấu tiếp, đây vừa là mục tiêu phát triển của chúng ta, bản chất chế độ của chúng ta. Các đồng chí có hỏi có đột phá gì trong những năm tới, thì chúng tôi thấy để giải quyết xóa đói giảm nghèo, phải làm rất nhiều việc từ Nhà nước cho tới người dân, Nhà nước thì phải làm hạ tầng, hỗ trợ các điều kiện để sản xuất như là đất đai, như là vốn liếng, như là khuyến nông, khuyến lâm v.v... rồi thị trường này khác. Còn nhân dân cũng phải làm rất nhiều việc mà cũng không thể ngày một bữa..." - Thủ tướng nói tiếp.

Trả lời về vấn đề vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng như một nhạc trưởng, khi các nhạc công là các Bộ có lỗi thì nhạc trưởng có nhận trách nhiệm không như đề cập của ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai ), Thủ tướng cho biết,  Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, và Thủ tướng là người đứng đầu, Thủ tướng chịu trách nhiệm lãnh đạo các mặt công tác của các thành viên Chính phủ.

"Các thành viên Chính phủ làm được Thủ tướng cũng có phần trong đó, làm tốt Thủ tướng cũng có phần trong đó, còn các thành viên Chính phủ làm chưa được, chưa tốt thì Thủ tướng Chính phủ cũng có trách nhiệm. Nhưng chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm của mình, ngay trong báo cáo trước Quốc hội chúng tôi cũng nêu 7 nhóm tồn tại, yếu kém, khuyết điểm trong đó có phần trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nhìn thái độ của Chính phủ là nhìn thẳng vào tồn tại, yếu kém, khuyết điểm, phân tích rõ nó để khắc phục, sửa chữa làm tốt hơn để phục vụ cho dân, cho nước cho xã hội tốt hơn, tinh thần là như thế. Tôi cho đó là thái độ đúng đắn, cách mạng, cần thiết" - Thủ tướng khẳng định.

Lý giải vấn đề ngành điện trả lại 13 dự án, Thủ tướng cho biết, đây không phải là sự từ chối thoái thác trả lại Chính phủ, mà là việc điện lực đề xuất chuyển bớt qua cho dầu khí và than 13 dự án khoảng 283 nghìn tỉ đồng.

"Đích thân tôi là người trực tiếp điều hòa việc này, bây giờ mà nói điện lực đùn đẩy trả Chính phủ thì cũng tội cho cán bộ, công nhân, kỹ sư anh em ngành điện lực, cũng phải vất vả lắm, cố gắng lắm bây giờ mới có được 15.000MW hiện nay" - Thủ tướng nói - "Còn điện, nói "làm mình làm mẩy", tôi nghĩ không biết thế nào là làm mình, làm mẩy, nhưng thực trạng như thế, phải nói ngành điện cũng hết sức cố gắng, 5 năm vừa rồi 4.000 kỹ sư của ngành điện đi ra khỏi ngành, đây là điều trăn trở của Thủ tướng là vì ngành điện không chỉ ở Tổng công ty, ở Hà Nội đâu mà khắp caác công trình trên các vùng, trên các đường dây, cho nên thu nhập bị khống chế theo doanh nghiệp nhà nước cho nên giảm lực lượng cũng mạnh".

Cũng trong sáng 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cung cấp và trả lời nhiều thông tin quan trọng liên quan đến chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; về hoạt động dự báo, tham mưu điều hành của các cơ quan của Chính phủ; về gian lận thương mại...
VnMedia
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất