Thứ Sáu, 27/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 6/9/2008 10:27'(GMT+7)

Nửa cuối năm 2008: 5 mảng sáng kinh tế

Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có những dấu hiệu rất tốt, 8 tháng đạt 47 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đất nước. Đặc biệt, đang và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều dự án FDI siêu lớn tới hàng chục tỷ USD, cũng như sự gia tăng các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển khu vực dịch vụ, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao, tạo sự thay đổi về chất trong quá trình mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này thể hiện hùng hồn nhất sự tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của nền kinh tế Việt Nam từ cộng đồng doanh nhân thế giới.


Dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng có dấu hiệu gia tăng ổn định trở lại, nhất là trong lĩnh

Xuất khẩu hàng dệt may trong 7 tháng đầu năm 2008 tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, giày dép tăng 18%, máy tính và thiết bị điện tử tăng 30%. Hiện Việt Nam đã vượt Ấn Độ, trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ lớn thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc).

vực tài chính – ngân hàng. Xu hướng đẩy mạnh mua vào cổ phiếu, liên doanh và sáp nhập với các ngân hàng Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng đậm nét hơn.

Chỉ riêng tháng 8/2008 đã có một làn sóng mua lại cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam, như Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SEA Bank) đã chính thức bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Société Générale (Pháp) - một đối tác có tổng tài sản 1.684 tỷ USD và 150 năm kinh nghiệm hoạt động; Techcombank đã nâng tỷ lệ sở hữu của HSBC tại ngân hàng lên 20%; VPBank cũng bán lại 15% cổ phần cho Ngân hàng OCBC của Singapore và sẽ đề nghị Chính phủ cho phép bán tiếp 5% vốn cho OCBC… Tỷ trọng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang tăng dần và chiếm khoảng trên 20% thị phần TTCK Việt Nam.


Thứ hai, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn giảm sâu, căng thẳng đầy kịch tính và đang cho thấy có sự phục hồi dần, tuy chậm, nhưng khá vững chắc, lòng tin và nụ cười đã trở lại với giới đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thị trường bất động sản đang dần ấm lên, nhất là ở khu vực phía Bắc và các đô thị mới mở rộng; có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ có những khởi sắc đáng kể ở những phân khúc thị trường tiềm năng, như: thị trường nhà cho người thu nhập thấp, thị trường nhà cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thị trường nhà văn phòng cho thuê…


Thứ ba,
đang có sự cải thiện dần các chỉ số lạm phát và thâm hụt thương mại, do đó, mối lo về cuộc khủng hoảng tiền tệ đã dịu đi. Từ tháng 6/2008 trở lại đây, tốc độ tăng CPI trên thị trường trong nước đã chững lại khá rõ rệt dù chưa thật vững chắc. Chỉ số CPI trong tháng 8 còn 1,56%. Thanh toán quốc tế vẫn được duy trì ổn định, sự căng thẳng thâm hụt trong cán cân thanh toán trong tháng 4 và 5/2008 đang dần được cải thiện, nguy cơ về một sự suy giảm mạnh thị trường tiền tệ đã dịu đi, tuy rằng áp lực do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong khi lãi suất huy động và cho vay không thể giảm sâu nhanh được, vẫn còn là bài toán chưa dễ giải cho ngành ngân hàng và tạo môi trường không mấy thuận lợi cho tăng trưởng về trung hạn. Thị trường nội tệ và ngoại tệ đã có sự ổn định trở lại, ít nhất là về tâm lý. Sau cú sốc tỷ giá và thiếu tính thanh khoản trên thị trường trong quý II/2008, hiện tại tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đã dần ổn định.


Thứ tư,
các khu vực kinh tế lấy lại đà tăng trưởng khá ổn định, bất chấp những sóng gió trên cả thị trường trong nước và thị trường thế giới. Chính sách thắt chặt tiền tệ tuy có gây sức ép trực tiếp tiêu cực đến nguồn tín dụng của các khu vực kinh tế, nhưng không làm suy tổn nguồn động lực tăng trưởng, nhất là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện vẫn thuộc hàng dẫn đầu các nước trong khu vực. Điều đáng chú ý, sự mở rộng các mặt hàng sản xuất xuất khẩu là rất ấn tượng. Trong khi thế giới đang vật lộn với khủng hoảng dầu và lương thực, Việt Nam lại tăng được lượng tìm thấy và sản lượng khai thác – xuất khẩu dầu mỏ, trong khi ngành nông nghiệp được mùa lớn. Theo dự kiến, tổng sản lượng lúa cả năm 2008 sẽ đạt khoảng 37 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2007 và Việt Nam có thể nâng sản lượng gạo xuất khẩu lên 4,5 triệu tấn trong năm 2008.


Thâm hụt thương mại trong 7 tháng đầu năm 2008 là 15 tỉ USD, nhưng được cải thiện rõ rệt trong 2 tháng 6 và 7, giảm 1 tỉ USD mỗi tháng. Kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng 6 và 7 đạt hơn 6,2 tỉ USD/tháng, tăng 53,7% và 46,1% lần lượt so với cùng kỳ năm trước, và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm 2006, kim ngạch xuất khẩu vượt kim ngạch nhập khẩu.
Năm 2008, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ dự báo sẽ đạt trên 12 tỷ USD - một con số ấn tượng, chỉ vài năm sau khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương năm 2001. Ngoài ra, cơ hội phục hồi và tăng trưởng thuận lợi hơn của các khu vực kinh tế trong nước vào thời gian tới, nhất là định hướng vào xuất khẩu, còn có thêm sự hỗ trợ mới, mạnh mẽ hơn từ xu hướng phục hồi và cải thiện tình hình tăng trưởng chung của thế giới, khi mà “chu kỳ suy thoái của kinh tế thế giới sắp đạt đáy của nó và có những dấu hiệu mới cho thấy các điều kiện đang trở nên thuận lợi" như báo cáo của Morgan Stanley vừa nhận định.

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hôm 18/7/2008 đã tăng mức dự đoán tốc độ phát triển kinh tế thế giới năm 2008 lên mức 4,1% so với dự đoán trước kia là 3,7%. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo kinh tế toàn cầu sẽ vẫn còn phải chứng kiến một vài biến động mạnh khi nhu cầu về nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác đang giảm tại các quốc gia phát triển.


Thứ năm, uy tín và “Thương hiệu Việt Nam” đang ngày càng được củng cố trong sự nhìn nhận và lựa chọn của thế giới. Tổ chức tư vấn nổi tiếng thế giới AT Kearney và Tập san Ngoại giao (Foreign Policy Magazine) của Mỹ công bố Chỉ số toàn cầu hóa (Globalisation Index 2007), trong đó Việt Nam xếp hạng thứ 48 trong số 72 nước trong danh sách đang được xét đến, trên cả các nước láng giềng như Thái Lan (thứ 53) và Indonesia ( thứ 69). Trong báo cáo cuối năm 2007, Tổ chức Phát triển và Thương mại Liên Hợp Quốc (UNCTAD) đã xếp Việt Nam (chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil) trong top 10 nước được các công ty đa quốc gia vào đầu tư giai đoạn 2007 - 2009. Tổ chức Tư vấn và Kiểm toán thế giới PriceWaterHouseCoopers xếp Việt Nam thứ nhất trong số 20 nền kinh tế đang lên và có sức hấp dẫn cao với các nhà đầu tư vào ngành sản xuất, trong đó có công nghiệp phụ trợ. Ngân hàng Thế giới cũng đưa Việt Nam lên nhiều bậc trong báo cáo về môi trường thương mại và kinh doanh.


Những tín hiệu đáng mừng trên cho thấy việc gia nhập và chủ động thích ứng với các tác động của WTO đem lại là một bệ phóng quan trọng giúp đặt Việt Nam vào đúng quỹ đạo phát triển bền vững trong thời gian tới./.

TS. Nguyễn Minh Phong (theo VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất