Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ
Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc nhấn mạnh con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là
công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông phải "đưa
Việt Nam có thứ hạng cao về ICT bởi vì ICT là nền tảng của mọi lĩnh vực,
nền tảng của kinh tế số".
Hội nghị diễn ra chiều 15/1 tại Hà Nội. Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng
ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số bộ, ngành
liên quan.
THỊ TRƯỜNG VIỄN THÔNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc
đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông; nghiên cứu quy
hoạch tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019. Tên
miền quốc gia Việt Nam “.vn” đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng duy trì
sử dụng và thuộc top 10 tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng
cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Công nghiệp phần mềm tiếp tục
là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước
đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp phần mềm
đạt khoảng 10.000 cơ sở với lực lượng nhân lực 120.000 người.
Trong công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn
thành sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí thuộc các bộ, các hội, doanh
nghiệp thuộc quản lý của Bộ theo lộ trình, đúng quy hoạch. Bộ đã triển
khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp
nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt
Nam.
Bộ cũng đã đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các trang thông tin
điện tử có dấu hiệu đăng bài như cơ quan báo chí, đặc biệt là hành vi vi
phạm có tính phổ biến như thông tin sai sự thật, thông tin gây tác động
tiêu cực trong dư luận xã hội, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị,
ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường
rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã
hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật,
ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ cũng đã thiết lập các
đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin khiếu nại, tố cáo, phản ánh
các vi phạm trong lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin
điện tử.
SÁNG TẠO VÀ KHÁT VỌNG VIỆT NAM
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho
rằng Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tốt 25 nhiệm vụ được
thống nhất tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2018
vừa qua.
Bày tỏ ấn tượng về cụm từ “sáng tạo và khát vọng Việt Nam” được dùng
trong Hội nghị, Thủ tướng cho rằng những người làm công nghệ, người làm
báo cần có khát vọng vươn lên, phát triển hơn nữa để đưa đất nước Việt
Nam tiến lên.
Bộ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thuyết minh với
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham quan triển lãm sản phẩm
về công nghệ số. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng nhìn nhận, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã
đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, hình thành được đội
ngũ doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin có thương hiệu và tạo ra một
lượng lớn việc làm cho người lao động. Lĩnh vực báo chí góp phần quan
trọng vào việc tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đóng góp cho sự
nghiệp của Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định lại
đúng vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, thông tin,
tuyên truyền và làm tốt công tác định hướng chiến lược cho sự phát triển
của các lĩnh vực này.
Khẳng định rằng thành quả tốt đẹp, toàn diện của đất nước 2018 có sự
đóng góp to lớn của Bộ thông tin truyền thông, Thủ tướng cũng đánh giá
cao Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ đã đoàn kết, quyết tâm,
đổi mới trong công tác.
Chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của Bộ thời gian qua mà điển hình là vụ AVG, Thủ
tướng cho rằng vụ việc này đã làm chậm đi sự phát triển của ngành. "Bộ
phải coi đây là bài học đắt giá và từ đây mạnh mẽ vươn lên", Thủ tướng
nói.
Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng trước việc thứ hạng ICT của Việt
Nam còn thấp, thậm chí tụt hạng. "ICT, đáng lẽ là đầu tàu cả nước thì
những năm gần đây chậm lại rất nhiều", Thủ tướng nói và cho biết, WEF
vẫn đánh giá Việt Nam tụt hạng do sự sẵn sàng về cách mạng công nghiệp
4.0 chưa tốt. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, vai trò của một số Sở Thông tin và Truyền thông còn mờ nhạt,
chưa đóng góp nhiều vào lĩnh vực công nghệ; mạng xã hội còn nhiều bất
ổn. Cả nước có 17 nghìn nhà báo nhưng chưa thực sự đồng tâm hiệp lực,
xây dựng, phát triển đất nước.
XÂY DỰNG THỂ CHẾ VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đồng ý đề xuất để Bộ Thông tin
và Truyền thông xây dựng dự thảo sửa đổi các luật về viễn thông, tần
số, báo chí; đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về cơ chế tiền lương
đối với Cục Tần số, Cục Phát thanh Truyền hình cho đến khi có luật mới.
Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo trình Chính
phủ Nghị định về chia sẻ cơ sở dữ liệu; Nghị định về sử dụng tài khoản
viễn thông thanh toán các dịch vụ nội dung số... qua đó nâng cao môi
trường cạnh tranh theo tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông đề xuất ưu đãi thuế cho các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực tuyên
truyền. Cùng với đó là nghiên cứu mô hình trung tâm tổ hợp báo chí nhà
nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến khâu xây dựng thể chế và nhiệm vụ đào tạo
cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lưu ý đây là nhiệm vụ quan
trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
CÓ NƯỚC NÀO MUA SIM DỄ DÀNG NHƯ VIỆT NAM?
Định hướng công tác của Bộ trong thời gian tới, Thủ tướng “đặt hàng”,
yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông "Đưa Việt Nam có thứ hạng cao về
ICT bởi vì ICT là nền tảng của mọi lĩnh vực, nền tảng của kinh tế số" ;
ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; khắc phục những tồn
tại và tăng cường vai trò quản lý báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới của
đất nước.
Lo ngại về nạn sim rác, Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để vấn đề này;
đồng thời đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách
nhiệm cá nhân về sim rác. "Chỉ có Việt Nam mua sim dễ dàng như vậy thôi,
có nước nào mua sim dễ dàng như Việt Nam?", Thủ tướng nói.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn
Thưởng tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ số. (Ảnh: TTXVN)
Hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã "bật đèn xanh" cho 5G ở Việt
Nam, trước hết là ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đặt chỉ tiêu nâng
cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử để đến 2020 phải tăng ít nhất
15 bậc so với 2018. Trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông là
chủ công, nhất là vấn đề công nghệ.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và
Truyền thông cần phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng để Việt Nam
trở thành "một cường quốc về an ninh mạng". Không được để mạng các cơ
quan nhà nước bị tấn công thông tin. Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề cấp
bách, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động bố trí ngân sách đảm bảo
an toàn an ninh mạng.
CÁC NHÀ MẠNG VIỆT NAM PHẢI DÙNG THIẾT BỊ VIỆT NAM
Quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ phát triển công nghiệp ICT, Thủ tướng chỉ
đạo cần phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này trở thành
một phong trào cách mạng. Chú trọng hình thành một số doanh nghiệp lớn,
có thứ hạng để vươn ra mạnh mẽ hơn trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phải sản xuất các thiết bị viễn
thông. "Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Việt Nam", Thủ tướng
mong muốn.
Thủ tướng mong muốn công tác quản lý nhà nước về báo chí phải huy động
báo chí góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, không được làm giảm
sức mạnh quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần triển khai nghiêm túc quy hoạch phát
triển và quản lý báo chí theo tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương đã
thông qua, không để kéo dài nhiều năm. Cùng với đó là xử lý vấn đề tạp
chí, trang tin quá nhiều, quá lớn. Phải sử dụng công nghệ để quản lý báo
chí, cùng với củng cố, tăng cường đạo đức người làm báo, Thủ tướng chỉ
đạo.
PHÁT TRIỂN MẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng
cường làm việc đối với các mạng xã hội nước ngoài nhằm đảm bảo tuân thủ
pháp luật Việt Nam vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, có Hiến pháp,
pháp luật rõ ràng. Bộ Thông tin và Truyền thông phải sử dụng đồng bộ các
biện pháp về pháp lý, kỹ thuật để xử lý các trường hợp vi phạm pháp
luật Việt Nam.
Nhắc đến mạng xã hội "Zalo", một sản phẩm do một doanh nghiệp công nghệ
thông tin của Việt Nam xây dựng với 45 triệu người dùng, Thủ tướng đề
nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mạng xã hội
ở Việt Nam để có số người dùng không kém những mạng xã hội nước ngoài
bởi Việt Nam là quốc gia có 60% người dân sử dụng mạng Internet./.
(TTXVN)