Thứ Sáu, 29/11/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 4/9/2011 11:43'(GMT+7)

Phải học tập y đức suốt đời

Các bác sĩ chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Các bác sĩ chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: DƯƠNG NGỌC

Nhiều năm gắn bó với ngành cũng như trực tiếp đưa người nhà đi khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: tại các cơ sở y tế bị kêu nhiều nhất đó là thái độ giao tiếp, việc gây khó dễ cho người bệnh; nhận phong bì. Những người hay quát nạt, thái độ không tốt với người bệnh và người nhà là những người tiếp xúc ban đầu với họ: bộ phận tiếp đón, phát thuốc, hướng dẫn, rồi xét nghiệm... Những người quát nạt có thái độ không tốt hầu như không phải là bác sĩ điều trị. Nhưng lỗi của bác sĩ hay bị kêu ca là khám bệnh đôi khi còn sơ sài, không trao đổi kỹ với người bệnh. Tồn tại này còn do quá tải, bác sĩ không còn nhiều thời gian cho người bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng từ khi còn ngồi ghế nhà trường, cần có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế.

Y đức của truyền thống là bảo mật thông tin người bệnh, ân cần chăm sóc người bệnh, nhưng y đức của thời cơ chế thị trường còn phải ý thức trong kê đơn thuốc, là chỉ định sử dụng các dịch vụ, kỹ thuật... Nhiều người kêu về tình trạng điều dưỡng có tiền thì tiêm nhẹ, không có tiền thì tiêm đau, hỏi không nói. Trước đây, điều dưỡng gọi là y tá, mà y tá ở nhiều nơi từng được đặt biệt danh là "y tướng". Còn đối với đội ngũ bác sĩ, dù số lượng bác sĩ vô tâm, thiếu trách nhiệm, chỉ là cá biệt, "đột biến gien". Nhưng bác sĩ nào thấy không thể hết lòng vì người bệnh thì nên ra khỏi ngành, vì sai sót do thiếu trách nhiệm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh là không thể chấp nhận.

Ðể chấn chỉnh y đức, các chuyên gia đều cho rằng, các bệnh viện phải chú trọng hơn công tác ứng xử. Nhưng để tạo thành nếp từ gốc thì cần chú trọng việc giảng dạy y đức trong hệ thống các trường của ngành y. Nhưng chính các trường đều đề nghị cần có giáo trình phù hợp với đối tượng học là bác sĩ, điều dưỡng chứ không thể đánh đồng chung vì mỗi người có đặc thù công việc riêng. Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Trương Việt Bình cho rằng, dạy về y đức là cần giúp cho học sinh hiểu làm nghề y không phải để làm giàu, nếu muốn làm giàu thì học nghề khác. Sinh viên nghề y còn cần phải biết, làm thầy thuốc không chỉ là có công cứu người mà họ cũng có tội. Mà tội đầu tiên không được phép là "dốt". Vì nếu dốt thì không thể cứu người trong khi sinh mạng người bệnh trong tay mình.

Hiện nay, việc dạy bộ môn Y đức tại các trường về cơ bản vẫn trong quá trình "dạy thử nghiệm", vừa dạy vừa rút kinh nghiệm. Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn và chỉ đạo thành lập Bộ môn Y đức xã hội học. Sau một năm thực hiện xây dựng và giảng dạy, chương trình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy bộ môn này cho các sinh viên theo học tại trường. Hiệu trưởng Trường ÐH Y Hà Nội PGS, TS Nguyễn Ðức Hinh chia sẻ: cần ý thức rằng "đạo đức là phông nền của mỗi sinh viên khi chọn nghề thầy thuốc, tiên học lễ hậu học y". Phó Chủ nhiệm Bộ môn Y đức, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh PGS, TS Trần Xuân Mai cho rằng: y đức không phải là môn học ép buộc mà là môn học về bản chất nghề nghiệp gắn liền với phát triển khoa học kỹ thuật; học y đức không phải học những điều cấm kỵ mà là những đồng thuận về giá trị đạo đức.

Chương trình đào tạo y đức hiện nay tại các trường vẫn còn một số bất cập, không thu hút được sinh viện học tập, trau dồi kiến thức. Hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương PGS, TS Vũ Ðình Chính cho rằng, nội dung giảng dạy về y đức tại các trường y hiện nay còn thiếu về phần trách nhiệm và tự chịu trách nhiệm của người thầy thuốc; còn khoảng cách xa giữa lý thuyết với thực hành. Ðáng chú ý, phần lớn giáo viên dạy Bộ môn Y đức tại các trường hiện nay đều là kiêm nhiệm, như vậy khó để triển khai chuyên sâu chương trình này. Ngoài ra, hầu hết chương trình mà các trường giảng dạy đều tập trung vào đối tượng học là bác sĩ. Trong khi đó nhóm tiềm ẩn phát sinh "xung đột" nhiều nhất lại là đội ngũ điều dưỡng, hành chính... những người gần gũi với người bệnh và người nhà người bệnh nhất.

Vụ trưởng Khoa học và Ðào tạo (Bộ Y tế) GS Trương Việt Dũng cho biết: cần có các chương trình giảng dạy y đức phù hợp với các đối tượng: bác sĩ, điều dưỡng, người tham gia nghiên cứu khoa học. Nhưng ra công tác, y đức là suốt trong quá trình làm nghề. Chính vì vậy, Bộ Y tế sẽ sớm thành lập Hội đồng xây dựng khung chương trình giảng dạy Bộ môn Y đức xã hội học cho các trường đại học, cao đẳng y khoa trong cả nước. Thành phần tham gia gồm đầy đủ các chuyên ngành như y, dược, kỹ thuật y khoa, điều dưỡng... Ngay sau khi thành lập, Hội đồng sẽ tập trung xây dựng chương trình khung thống nhất. Chương trình khung phải tách bạch phần nội dung chung (áp dụng cho tất cả các trường) và phần riêng phải làm rõ được thời lượng học, lý thuyết, thực hành cho từng đối tượng là bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y khoa. Mỗi trường tùy vào điều kiện thực tế có thể biến chuyển phần riêng này để xây dựng chương trình dạy phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của trường mình.


Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất