Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 30/10/2008 10:37'(GMT+7)

Phải xử lý nghiêm tình trạng gây ô nhiễm môi trường và gian lận thương mại

Tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp tiếp tục được cảnh báo như một nguy cơ tiềm ẩn nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Đây là vấn đề đã được nêu nhiều lần, nhưng vẫn chậm có chuyển biến. Các đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn trong vấn đề này; đồng thời cũng đề nghị Quốc hội đưa việc sửa Luật Đất đai và Luật Khiếu nại Tố cáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, không nên để lâu hơn. Hiện nay, hai luật này còn nhiều điểm chồng chéo và không phù hợp với thực tiễn.

Ông Võ Đình Tuyến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Tình hình khiếu kiện của nhân dân còn phức tạp, đa số liên quan tới chuyện đất đai, việc cấp quyền sử dụng đất cho dân, giá cả đền bù, bố trí tái định cư còn chậm, nhân dân trong vùng qui hoạch treo đang rất khổ sở. Các cơ quan chức năng khi nhận được đơn phải phải xử lý, phiếu chuyển, kết luận rõ ràng. Nếu đúng, yêu cầu nhân dân thực hiện. Nếu sai phải sửa, xử lý nghiêm minh, không được để nhân dân đi lại nhiều lần. Vấn đề này đã được nêu nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến gì tích cực…

Đề cập các vụ việc tiêu cực được phanh phui trên báo chí gần đây, như chuyện Vedan, Miwon gây ô nhiễm môi trường, chuyện làm bánh kẹo bằng bột đá, chuyện gian lận xăng dầu… các ĐBQH cảnh báo, tình trạng này nếu còn tiếp tục tái diễn lâu dài sẽ để lại những hệ luỵ lớn cho xã hội và đề nghị Chính phủ, trong báo cáo của mình, cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Thào Hồng Sơn, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Mặt trái cho thấy rằng, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đang bị đe doạ khắp nơi. Sông ô nhiễm thì bị tuyên án tử; phân bón dởm thì mùa màng thất bát; bánh kẹo pha lẫn bột đá, sữa nhiễm bẩn thì cả một thế hệ sỏi thận và còi cọc... Đạo đức kinh doanh đã bị bất chấp, nhẫn tâm. Nếu như trước đây đã nhìn thấy hoặc chỉ gây tác hại sau thời gian dài, thì ngày nay đã trực tiếp gây tác hại và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, thành tựu cũng như những tồn tại của nền kinh tế, xã hội không chỉ có Chính phủ có trách nhiệm, mà còn có trách nhiệm của các địa phương, mà trong đó có nhiều vị đang giữ cương vị là đại biểu Quốc hội. Vì vậy, Quốc hội cũng cần nêu vấn đề một cách hài hoà giữa trách nhiệm của Chính phủ và địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: 2/3 đại biểu Quốc hội là những người đảm trách những nhiệm vụ ở cơ sở, vậy giữa vấn đề trách nhiệm ở cơ sở với Chính phủ như thế nào cho hài hoà, cân bằng. Thứ hai là, nhiều mục tiêu gắn với cơ sở rất có hiệu quả, rất trúng lòng dân, đặc biệt những chương trình gắn với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều việc dân có thể làm được, vừa tạo việc làm cho dân, vừa có thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào. Chúng ta cũng cân nhắc thêm vấn đề này như thế nào, để các chương trình của chúng ta đến với dân, dân được hưởng lợi ở nhiều góc độ khác nhau.

Với tinh thần thảo luận thẳng thắn, nhìn nhận khách quan, từ nhiều góc độ, các ĐBQH cũng cho rằng, chính quyền các địa phương và ngay cả Quốc hội cũng có trách nhiệm trước các vấn đề xã hội đang tồn tại hoặc mới phát sinh. Nếu công tác kiểm tra, giám sát tốt hơn, các vấn đề tồn tại sẽ được phát hiện và giải quyết sớm.

Trong cuộc thảo luận hôm nay, một số ĐBQH là Bộ trưởng đã phát biểu ý kiến, giải trình rõ hơn một số vấn đề mà Quốc hội đã nêu ra trong hai ngày 28 và 29.

 AT-Theo VTV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất