(TG) - Chiều ngày 13/6, tại Học viện Ngoại giao - Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức lễ phát động Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" năm 2022. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát động cuộc thi.
Cùng dự có các đồng chí: Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi; Sengphet Houngboungnuang (Sẻng Phết Hùng Bua Nhuông), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động Cuộc thi, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, là năm được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước chọn làm "Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" nhằm thiết thực kỷ niệm sự kiện trọng đại 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2022).
Đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu chỉ đạo.
Đồng chí Lê Hải Bình khẳng định Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam" là một trong những hoạt động quan trọng nhằm lan tỏa những giá trị lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã dày công vun đắp từ những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc đến nay. Đồng thời, khơi dậy ý thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về việc tiếp tục vun bồi cho quan hệ hữu nghị mẫu mực, thủy chung, trong sáng, đã trở thành biểu tượng cao đẹp trong lịch sử quan hệ quốc tế.
Cuộc thi cũng nhằm thông tin rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Phát biểu công bố Thể lệ Cuộc thi, đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: "Cuộc thi tập trung vào các chủ đề: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào qua các thời kỳ lịch sử, tập trung nhấn mạnh vào giai đoạn 1962 đến nay; các lãnh tụ Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào qua các thời kỳ; những cá nhân điển hình có đóng góp quan trọng cho việc phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào; các thành tựu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà hai nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và trong giai đoạn hiện nay; các khuôn khổ hợp tác song phương giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ; giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các địa phương của Lào; giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người; truyền thống văn hóa, lịch sử; các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Lào…"
Đồng chí Sẻng Phết Hùng Bua Nhuông - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa quan trọng đặc biệt của mối quan hệ hữu nghị toàn diện của hai Đảng, hai Nhà nước. Đại sứ cho rằng việc Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức phát động Cuộc thi lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường giáo dục cho đảng viên, cán bộ và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam.
Đại sứ tin tưởng rằng, Cuộc thi tìm hiểu về quan hệ đặc biệt giữa hai nước sẽ nhận được sự quan tâm rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, từ thanh thiếu niên cho đến người cao tuổi và có thể khám phá được những nét độc đáo trong quan hệ đặc biệt này. Những thông tin thu được từ Cuộc thi này sẽ bổ sung sự phong phú, có ý nghĩa quan trọng vào kho tàng lịch sử quan hệ của hai nước chúng ta, đồng thời là tài liệu để các thế hệ mai sau tìm hiểu và học hỏi.
Hưởng ứng Cuộc thi, đại diện sinh viên Học viên Ngoại giao, hai sinh viên Thái Bá Minh, sinh viên khóa 47 ngành Quan hệ Quốc tế và Chin Ta Na Đuông Pành Nha, sinh viên khóa 45 ngành Quan hệ Quốc tế đã có những chia sẻ sâu sắc về mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, các bạn bày tỏ sự hưởng ứng đồng thời cam kết sẽ cổ vũ, động viên, chia sẻ với các bạn bè của mình tích cực tham gia Cuộc thi. Các em sinh viên đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, mối quan hệ hai nước bằng việc trích dẫn các câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản khi nói về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam...
Cũng tại lễ phát động, nhiều tiết mục ca nhạc đặc sắc về quan hệ truyền thống hữu nghị, tình đoàn kết thủy chung, son sắt có một không hai giữa hai nước đã được các sinh viên Lào và Việt Nam đang theo học tại Học viện Ngoại giao thể hiện.
Các năm trước đây, vào năm 2012 và 2017, cũng đã có hai cuộc thi tìm hiểu về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã được tổ chức.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam” năm 2012 đã được tổ chức tại Bản Đông, huyện Sepôn, tỉnh Savnakhẹt, nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào vào tối ngày 12/12/2012. Cuộc thi được chính thức phát động vào ngày 12/4/2012 với hai hình thức thi trắc nghiệm và thi viết trong suốt 8 tháng qua. Sau 31 tuần thi trắc nghiệm, Ban Tổ chức Cuộc thi đã công bố 215 giải thưởng, gồm 30 giải nhất, 30 giải nhì và 155 giải khuyến khích. Cuộc thi viết đã nhận được hơn ba triệu bài dự thi của các tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ban Tổ chức Cuộc thi đã chấm, lựa chọn được 8 bài thi xuất sắc nhất và quyết định trao giải gồm: 1giải Nhất, hai giải Nhì, tám giải Ba và 40 giải Khuyến khích. |
Cuộc thi năm 2022 được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trực tuyến hằng tuần trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội VCNet và các cơ quan báo chí phối hợp trong thời gian 12 tuần từ ngày 13/6/2022 đến ngày 5/9/2022.
Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đều có quyền tham gia dự thi, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo. Độ tuổi dự thi: Từ đủ 14 tuổi trở lên tính đến thời điểm làm bài thi. Ban Tổ chức khuyến khích công dân hai nước Việt Nam và Lào đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài, bạn bè quốc tế tham gia dự thi. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi không được tham gia dự thi.
Mỗi tuần thi có 8 giải thưởng, gồm: 1 giải Nhất: 3.000.000 đồng; 2 giải Nhì, mỗi giải 2.000.000 đồng; 5 giải Ba, mỗi giải 1.000.000 đồng. Cùng với tiền thưởng, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ trao tặng Giấy chứng nhận giải thưởng cho các cá nhân đoạt giải hằng tuần tại Lễ tổng kết Cuộc thi, dự kiến tổ chức trong tháng 9/2022. Ban Tổ chức cũng dự kiến sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi và những địa phương, đơn vị có số người dự thi cao nhất, có nhiều người đoạt giải...
51 giải thưởng đã được trao trong Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào năm 2017”.
Sau gần 4 tháng phát động (từ 2/5 – 29/8), Cuộc thi trắc nghiệm đã thu hút 166.244 lượt người tham gia dự thi. Ngay trong tuần đầu phát động đã có 2.163 lượt người tham gia dự thi, trong đó có 1.714 lượt người đã trả lời đúng cả 3 câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra (chiếm 79%). Những tuần sau, số người tham gia dự thi ngày càng đông, đáng chú ý: tuần 9 có 11.676 lượt thi; tuần 10 có 12.238 lượt thi; tuần 11 có 13.922 lượt thi; tuần 12 có 16.622 lượt thi; tuần 14 có 22.855 lượt thi… Đối tượng dự cuộc thi thuộc nhiều lứa tuổi, giai cấp, ngành, nghề khác nhau; đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và một số cơ quan đại diện ngoài nước. Một số tỉnh, thành phố có số lượng lớn người tham gia như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Điện Biên, Ninh Bình… Nhiều người tham gia dự thi nhiều lần. Nhiều người dự thi là người trong gia đình, cùng địa bàn cư trú, là cán bộ, hội viên ở các trường, cơ quan, hội, đoàn thể các địa phương. Có nhiều cá nhân đã bỏ công sức đầu tư, tìm hiểu, nghiên cứu, tham gia dự thi rất nhiệt tình, nghiêm túc, hiệu quả, đoạt giải liên tiếp trong hai, ba tuần của Cuộc thi.
|
Một số hình ảnh tại lễ phát động Cuộc thi.
Tuấn Đạt - Tuấn Anh