Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 11/5/2018 22:32'(GMT+7)

Phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao

Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS.Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống Lao quốc gia cho biết, mặc dù công tác phòng chống lao đã đạt được những thành tựu đáng kể, song bệnh lao vẫn đang là một vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu. Mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016, ước tính có có 126.000 người mắc lao, còn lại gần 30.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam do WHO ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông, mặc dù đã giảm so với ước tính năm 2015 là 3.000 người. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia.

 

Quang cảnh lễ phát động.

 

Cũng theo PGS.Nguyễn Viết Nhung, BHYT là một chính sách rất hiệu quả, giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ BHYT- dù đã có hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ BHYT (theo Luật BHYT) dù là 5%, song vẫn là gánh nặng đối với những người nghèo và cận nghèo- đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong số những người mắc lao.

 

Theo nghiên cứu của WHO, đầu tư 1 đồng cho lao, chúng ta có thể giảm 46 đồng chi phí xã hội cho các hoạt động điều trị, giảm nguồn lây lan trong cộng đồng... Để hỗ trợ bệnh nhân lao, giảm nguy cơ hàng chục ngàn người bệnh tử vong vì lao, ngày 16/3/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Quyết định số 380/QĐ-BNV về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao- PASTB. Đây là một quỹ xã hội- từ thiện phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc.

 

Mục tiêu cơ bản của quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.

 

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, BV Phổi Trung ương và Chương trình Chống Lao quốc gia đã phối hợp với Cổng Thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở Cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao- PASTB. Thời gian bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/5/2018 đến 24 giờ ngày 29/6/2018; cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

 

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có thể tài trợ trực tiếp cho quỹ hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao- số tài khoản: 16010000288699, Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3. Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 13.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta.

 

Trước đó, ngày 23/3, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình Chống Lao quốc gia đã tổ chức Lễ ra mắt Quỹ PASTB, nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống lao (24/3). Tính đến cuối buổi lễ, số tiền các cá nhân, tổ chức ủng hộ, cam kết ủng hộ cho quỹ lên tới gần 2 tỉ đồng.

 

Nhân dịp này, cũng là kỷ niệm 109 năm ngày sinh của BS.Phạm Ngọc Thạch- Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên, BV Phổi Trung ương và Chương trình Chống Lao quốc gia đã tổ chức toạ đàm “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam“.

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Bác sĩ là người đầu tiên đã dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắcxin BCG chết (thay BCG sống) góp phần tích cực trong công tác phòng bệnh lao;dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác...

 

Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đối với các bệnh xã hội, không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh... Đó chính là những kiến giải của ông với Nhà nước để thành lập Viện Chống Lao năm 1957, mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu của Chương trình Chống lao Quốc gia ngày nay./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất