(TG)-Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã khẳng định “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”. Thực tế trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách để phát triển đội ngũ trí thức. Do đó, đội ngũ trí thức của nước ta không ngừng lớn mạnh, có sự gia tăng về số lượng và có sự chuyển biến về chất lượng.
Sau hơn 13 năm chia tách thành lập tỉnh Lai Châu, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 15/10/2008 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, đồng thời ban hành nhiều quyết chuyên đề và các văn bản chỉ đạo quan tâm các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Các tổ chức của Liên hiệp hội khoa học-Kỹ thuật tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của lực lượng trí thức, không ngừng lớn mạnh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng.
Các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được quan tâm, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ một phần kinh phí cho cán bộ, công chức đi đào tạo sau đại học, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp đối với trí thức được điều động, luân chuyển công tác đến nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lai Châu đã cử 38.059 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó đào tạo chuyên môn 1.544 người (230 người có trình độ trên đại học (tiến sĩ 9 người, bác sĩ chuyên khoa II 6 người, thạc sĩ 215 người), đại học 950 người, cao đẳng 12 người, trung cấp 352 người, cao cấp lý luận chính trị 737 người, trung cấp 3.546 người, sơ cấp 234 người). Việc khai thác, phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của trí thức có trình độ cao phục vụ trong công tác quản lý trên địa bàn tỉnh được trú trọng, tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được quan tâm, qua đó đội ngũ trí thức của tỉnh đã có đóng góp tích cực trong việc hoạch định, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời gian qua còn những hạn chế đó là: Các chủ trương, chính sách của tỉnh trong công tác đào tạo, thu hút cán bộ có năng lực, trình độ cao về công tại tỉnh chưa đủ mạnh và kịp thời, đặc biệt là các chính sách thu hút, tuyển dụng đối với cán bộ công tác trong ngành y tế và các chuyên gia đầu ngành trong nghiên cứu khoa học còn bất cập. Công tác quản lý, đánh giá, sử dụng trí thức có mặt còn hạn chế, số lượng và chất lượng, cơ cấu đội ngũ trí thức ở một số ngành, địa phương còn bất hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số ít trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Việc tập hợp, phát huy năng lực sáng tạo, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Số lượng trí thức tham gia nghiên cứu khoa học còn ít, chất lượng đề tài, dự án do cán bộ chủ trì thực hiện hiệu quả chưa cao. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế- xã hội của đội ngũ trí thức còn hạn chế.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do tỉnh Lai Châu mới được chia tách, thành lập, đội ngũ cán bộ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm công tác thực tiễn. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ trí thức kế cận còn hạn chế. Đầu tư cho xây dựng, phát triển trí thức còn thấp và thiếu sự chọn lọc, ưu tiên chính sách thu hút đội ngũ trí thức có trình độ cao về làm việc tại tỉnh. Kết cấu hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn nên đội ngũ trí thức chưa có môi trường thuận lợi để phát huy hết năng lực sáng tạo, nghiên cứu chuyên sâu và yên tâm công tác lâu dài tại tỉnh (nhiều cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II chuyển công tác đến các địa phương khác).
Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển của địa phương, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết số 23-NQ/TU, ngày 15/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; kịp thời ban hành, bổ sung các chủ trương, cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút nhân tài, nhất là chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh và thu hút đối với đội ngũ bác sỹ, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao đến công tác và làm việc lâu dài tại tỉnh.
Một là, phát triển các hội thành viên, nêu cao vai trò và trách nhiệm chính trị, đại diện cho đội ngũ trí thức, thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với trí thức. Tổ chức nhiều diễn đàn khoa học, tạo điều kiện để trí thức phát huy tiềm năng sáng tạo, thẳng thắn, tham gia nghiên cứu, hiến kế và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách của địa phương, nhất là trong các lĩnh vực mà tỉnh đang cần như phát triển nông, lâm nghiệp, thương mại, du lịch...; kịp thời phản ánh trung thực dư luận xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước đối với quá trình xây dựng, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của tỉnh.
Hai là, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát triển. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề cao trách nhiệm của trí thức, quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý và phân bố hợp lý, đảm bảo bổ sung nguồn lực trí thức trong các ngành, lĩnh vực còn thiếu; kịp thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội trí thức; tiếp tục biểu dương, khen thưởng, tôn vinh sự đóng góp và cống hiến của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của tỉnh.
Ba là, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, làm thế nào để không bị chậm trễ với cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, đang đặt ra cho trí thức cơ hội và thách thức mới. Đội ngũ trí thức của tỉnh sẽ tiếp tục nắm bắt những luồng tư tưởng, nảy sinh nhiều sáng kiến mới, tiếp bước truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước vừa phải nâng tầm để theo kịp xu thế của xã hội hiện đại. Tiếp tục đổi mới tư duy và năng động, nhanh nhạy tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, say mê nghiên cứu, tìm tòi để có nhiều sáng kiến có giá trị, áp dụng vào sản xuất, kinh doanh và thực tiễn đời sống, tăng cường hội nhập và phát triển, đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020./.
Đỗ Nhung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu