Già làng là những người tiếp thu và chuyển tải những chủ trương, đường
lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân.
Các dân tộc ở Tây Nguyên có tính cộng đồng bền vững. Mỗi làng đều suy tôn một người đứng đầu, đại diện cho dân làng quyết định những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hằng ngày và giải quyết các mối quan hệ. Người đó là già làng. Già làng thường là người hiểu biết, có bề dày kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu phong tục, luật lệ của làng. Già làng là những người tiếp thu và chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân.
Tây Nguyên hiện có hơn 8.110 già làng và người có uy tín. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội ngũ già làng đã có công lao lớn trong việc tổ chức nhân dân chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ thôn làng, vận động nhân dân một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ. Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, họ là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tích cực vận động bà con không nghe, không tin, không đi theo kẻ xấu; tập trung lao động, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng; đoàn kết vượt khó để xây dựng gia đình, làng bản văn hóa, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên hiện nay, công tác tuyên truyền, tính phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương sáng, những việc làm hay, tích cực của già làng vẫn chưa cụ thể. Nhiều tổ chức Đảng và chính quyền nhiều nơi chưa thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, hiểu biết của già làng về văn hóa, truyền thống dân tộc, về phương pháp vận động bà con hiểu biết thêm âm mưu, thủ đoạn và nói không với các thế lực thù địch, tăng cường đoàn kết các dân tộc, vượt khó xây dựng gia đình, làng bản văn hóa, phòng, chống các tệ nạn xã hội, ổn định cuộc sống. Do đó, nhận thức, vai trò và khả năng của những già làng tiêu biểu trong các dân tộc chưa được nâng cao.
Thiết nghĩ, trước những âm mưu kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết quân-dân, hạ thấp vai trò, vị trí của già làng trong đời sống của người dân địa phương của các thế lực thù địch, thì vai trò của già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số nên càng được coi trọng. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải kịp thời biểu dương, khen thưởng khi già làng có thành tích xuất sắc. Nói cách khác, cần động viên cả tinh thần và vật chất, đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ già làng, người có uy tín và gia đình họ, không để phần tử xấu tác động, lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo, đe dọa, vô hiệu hóa, dẫn đến xa lánh, đối lập họ với Đảng, chính quyền.
Theo QĐND