Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 17/5/2012 4:4'(GMT+7)

Phát huy vai trò của tín dụng Nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam

 

Trong quá trình chuyển đổi đó, tái cơ cấu đầu tư có ý nghĩa đột phá và đầu tư của Nhà nước, trong đó tín dụng Nhà nước, thực hiện chủ yếu qua Ngân hàng Phát triển (NHPT) Việt Nam, góp phần định hướng và hỗ trợ đầu tư của hệ thống tài chính và đầu tư xã hội.

Công cụ tài chính - tín dụng quan trọng của Nhà nước

NHPT Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 108/2006/QÐ-TTg ngày 19-5-2006 của Thủ tướng Chính phủ với chức năng huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, tiếp nhận và quản lý một số nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư (TDÐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK) do Chính phủ chỉ đạo. Việc thành lập và phát huy vai trò của NHPT trực thuộc Chính phủ đã thể hiện sự kết hợp tốt giữa tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường với vai trò của Nhà nước trong định hướng vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Ðặc thù của NHPT là cho vay các dự án, lĩnh vực mà hiệu quả, lợi nhuận trực tiếp đối với bên cho vay không cao, các ngân hàng thương mại không mấy mặn mà hoặc không đủ năng lực đầu tư, nhưng lại là những dự án có ý nghĩa quan trọng, có sức lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên cả nước và ở những địa bàn xa xôi, khó khăn, đặc biệt khó khăn. Kết quả đầu tư sáu năm qua (2006 - 2011) tập trung vào những dự án nêu trên đã ngày càng khẳng định vai trò công cụ tài chính - tín dụng quan trọng của NHPT để Nhà nước thực hiện chương trình tái cơ cấu đầu tư và đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. Mới đây, trong Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 28-3-2012, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với NHPT, trong đó có đánh giá: "Năm 2011, với tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, NHPT đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; góp phần vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng GDP ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội".

Tiếp tục phát huy thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ khóa X, Nghị quyết Ðại hội XI nhấn mạnh: "Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước". Sớm quán triệt và thực hiện  sự chỉ đạo đó, tín dụng đầu tư của Nhà nước do NHPT thực hiện đã tập trung có hiệu quả vào các chương trình phát triển cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất thép, xi-măng, nông nghiệp và nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ... Trong thành tựu xây dựng được hệ thống cơ sở kỹ thuật hạ tầng giao thông với mạng lưới đường sá phát triển khắp mọi miền đất nước và những cây cầu hiện đại hàng đầu khu vực vượt qua tất cả các dòng sông từ Móng Cái đến Hà Tiên... phần lớn đều có vai trò huy động, quản lý, cấp phát vốn của NHPT. Các dự án, công trình lớn như Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Ðạm Cà Mau, các dự án sản xuất phân bón DAP ở Hải Phòng và Lào Cai, các dự án sản xuất thép, cơ khí trọng điểm, tàu biển, đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ... cũng đều có sự đóng góp quan trọng, hiệu quả của NHPT.

Với hiệu quả hoạt động và uy tín cao, ngay trong điều kiện khó khăn của tài chính thế giới, NHPT vẫn được đối tác nước ngoài tin cậy giao cho những nguồn vốn lớn, trong đó có Eximbank Hoa Kỳ đã thỏa thuận hợp tác đồng tài trợ cho các dự án ưu tiên, như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ an sinh xã hội. Ðặc biệt là mới đây, Eximbank Hoa Kỳ lại ký với NHPT Việt Nam cam kết tài trợ một tỷ USD cho dự án phát triển điện gió ở đồng bằng sông Cửu Long, nguồn vốn này sẽ còn tăng thêm nữa theo tiến độ thực hiện để đạt tới tổng công suất 400 MW vào năm 2014...

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng của Nhà nước qua NHPT cũng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án an sinh xã hội khác như trường học, bệnh viện, xử lý rác thải, cấp nước sạch...

Thị trường xuất khẩu được tài trợ bằng vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước qua NHPT được mở rộng từ gần 50 nước ra hơn 120 nước. Với doanh số cho vay khoảng năm tỷ USD trong các năm qua, hoạt động tín dụng xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, giữ vững thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới.

Thông qua các hình thức hỗ trợ gián tiếp (như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất...), NHPT đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, các chủ đầu tư tiếp cận được các nguồn vốn của ngân hàng thương mại, góp phần đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính chung đến nay, tổng số vốn NHPT đã giải ngân hàng trăm nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện nay tăng hơn hai lần so với thời điểm đi vào hoạt động (1-7-2006), đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm và chiếm khoảng 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ, NHPT là đơn vị triển khai sớm nhất nhiệm vụ giúp đỡ ba huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai là Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà theo phương thức và mô hình rất đáng quan tâm là: vừa đẩy nhanh mục tiêu trước mắt là giảm nghèo, vừa bảo đảm chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng để Lào Cai phát huy thế mạnh, tăng trưởng bền vững.

Chiến lược phát triển và hoàn thiện

Quy mô đầu tư của NHPT còn chưa tương xứng với nhu cầu khách quan, nhưng thành công bước đầu không chỉ dừng lại ở những con số, mà còn ở những đóng góp sâu sắc hơn trong việc phục vụ chủ trương, chính sách và cả những quan điểm, ý tưởng và tư duy kinh tế của lãnh đạo Ðảng, Chính phủ trong tiến trình đổi mới thể chế, cũng như thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động của NHPT sáu năm qua cũng thấy rõ còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết cả về cơ chế, chính sách và năng lực, đòi hỏi phải chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu trở thành ngân hàng hiện đại với mục tiêu "An toàn, hiệu quả, hội nhập và phát triển bền vững".

Ðiều đặc biệt quan trọng là phải sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển NHPT Việt Nam đến năm 2020 trên cơ sở những quan điểm tư tưởng chủ đạo và nội dung chủ yếu như sau: Xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của NHPT trong hệ thống tài chính nhà nước và ngân hàng nước ta. Làm rõ vấn đề cơ cấu lại NHPT, gồm cơ cấu lại nguồn vốn (trong đó có nhu cầu tăng vốn điều lệ với giải pháp có thể lấy từ nguồn vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...), đối tượng vay vốn và phương thức tài trợ, đầu tư tín dụng của Nhà nước (theo hướng giảm dần bao cấp trong tín dụng chính sách)... Xác định rõ sự cần thiết và địa vị pháp lý của một ngân hàng lớn mạnh, 100% vốn Nhà nước, giữ vai trò trọng yếu trong hệ thống các tổ chức tài chính - tín dụng nước ta, có chức năng, nhiệm vụ gắn liền với việc thực hiện Chiến lược phát triển đất nước và tái cấu trúc nền kinh tế theo Nghị quyết của Ðảng. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng của Nhà nước, cơ chế phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và cách thức hỗ trợ các đối tượng cần thiết. Ðồng thời xác định rõ các biện pháp và bước đi trong việc nâng cao năng lực nghiệp vụ, quản trị ngân hàng...

Giai đoạn 2011-2015 sẽ là giai đoạn có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa đưa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng vào thực tiễn, vừa là năm năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển 2011-2020 đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong công cuộc phát triển chung lớn lao đó, NHPT phải xứng đáng là công cụ đắc lực của Chính phủ trong hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với trình độ chuyên nghiệp cao và hiện đại, hội nhập sâu rộng hơn với thị trường quốc tế. Bởi vậy, cần thật sự tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ chi phí quản lý, có tích lũy và dự phòng vững chắc.

Với trách nhiệm của một ngân hàng trực thuộc Chính phủ và vinh dự được thành lập đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn hệ thống NHPT Việt Nam đoàn kết, quyết tâm phát huy thế mạnh và những thành tựu đã đạt được, khắc phục những điểm yếu và hạn chế, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm và dài hạn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.

NGUYỄN ANH DŨNG/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất